Sau khi Tòa trọng tài ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc

Bắc Kinh dọa áp đặt ADIZ - Lộ thêm điểm yếu

TP - Ngày 13/7, trong buổi họp báo ở Bắc Kinh, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân nói rằng, căn cứ mức độ Trung Quốc bị đe dọa, nước này sẽ quyết định có tuyên bố vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên biển Đông hay không. 
Máy bay tiêm kích-ném bom Xian JH-7A của Không quân Trung Quốc hồi giữa năm 2015 bay trái phép trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Nguồn: PLAAF

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong sau khi Tòa Trọng tài ngày 12/7 ra phán quyết có lợi cho Philippines, bất lợi cho Trung Quốc, GS Carlyle Thayer (Học viện Quốc phòng Úc) nhận định, Trung Quốc sẽ tiếp tục đối phó bằng nhiều cách, như đẩy mạnh cuộc chiến truyền thông để bôi nhọ Tòa, ép Philippines đàm phán song phương, gây chia rẽ ASEAN, hoàn thiện cơ sở hạ tầng trên các đảo nhân tạo, cân nhắc thiết lập ADIZ trên biển Đông… “Trước khi Trung Quốc có thể tuyên bố ADIZ trên biển Đông, họ phải có đủ năng lực để thi hành nó. Trung Quốc có thể áp đặt ADIZ trong không phận từ đảo Hải Nam tới Hoàng Sa bởi vì nước này đã có các cơ sở radar và máy bay quân sự để thi hành”.

Sẽ mất mặt

Theo GS Thayer, nếu Trung Quốc tuyên bố ADIZ ở khu vực Trường Sa, đó sẽ chỉ là tuyên bố mang tính biểu tượng vì nước này không có phương tiện để thi hành.

Trường Sa nằm trong vùng biển nửa kín. Máy bay Mỹ từ Guam, Philippines, Úc và  Singapore có thể dễ dàng thách thức ADIZ bằng cách bay qua nó. Máy bay ném bom B52 của Mỹ từ Guam thường xuyên bay tới Darwin ở phía bắc nước Úc. “Ngoài ra, Mỹ có thể triển khai một hoặc nhiều tàu sân bay tới khu vực để bảo vệ các chuyến bay quân sự hoặc để thách thức ADIZ. Trung Quốc sẽ mất mặt nếu tuyên bố một ADIZ mà họ không thể thi hành”, GS Thayer nhận định.

Ông Harry Kazianis, nhà nghiên cứu cấp cao về chính sách quốc phòng tại Trung tâm Lợi ích quốc gia (Mỹ), cho rằng, sau khi Tòa Trọng tài quốc tế ra phán quyết, Trung Quốc có thể tăng cường quân sự hóa các đảo nhân tạo, thiết lập ADIZ trên biển Đông, gây áp lực thêm cho khu vực. Theo ông Kazianis, khả năng áp đặt ADIZ là dễ xảy ra nhất.

 “Tuy nhiên, biển Đông rất rộng lớn, nên còn phải tính đến mặt hiệu quả khi lập ADIZ. Trung Quốc có làm điều này hay không vẫn là câu hỏi chưa có lời đáp. Nhưng theo tôi, việc tuyên bố áp đặt ADIZ sẽ là một nhân tố thay đổi cuộc chơi”, ông Kazianis nhận định.

 Một nhà phân tích hàng hải tại Viện Nghiên cứu chiến lược ở Đài Bắc, cho rằng, nếu Trung Quốc tuyên bố ADIZ trên biển Đông, đó sẽ là sự phản ứng với những đòi hỏi chiến lược và chiến thuật, chứ không phải với quyết định của Tòa trọng tài, nhưng chắc chắn sẽ vấp phải sự chỉ trích, lên án của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là phản ứng mạnh mẽ của Mỹ. 

“Washington đã cảnh báo kín với Bắc Kinh rằng, việc Bắc Kinh tuyên bố ADIZ hay cải tạo bãi cạn Scarborough (Trung Quốc chiếm quyền kiểm soát từ Philippines từ năm 2012) sẽ dẫn đến phản ứng không ngờ từ Mỹ”, nhà phân tích hàng hải thông tin.

Tính toán của mỹ

Hôm qua, trao đổi với phóng viên Tiền Phong, TS Vijay Sakhuja, Giám đốc Quỹ Biển quốc gia (Ấn Độ), cho rằng, Mỹ sẽ tiếp tục có quan điểm cứng rắn hơn chống lại Trung Quốc. “Mỹ có thể tăng tần suất tuần tra biển và giám sát trên không, phía trên các đảo nhân tạo. Những hoạt động này sẽ dẫn tới sự đối đầu thường xuyên giữa các tàu, máy bay Mỹ và Trung Quốc. Và điều này có khả năng làm leo thang căng thẳng trong khu vực”, ông Sakhuja nhận định.

Trong khi đó, TS Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược ngoại giao - Học viện Ngoại giao, cho rằng, thực ra, quan tâm của Mỹ là vấn đề luật pháp, là trật tự khu vực. Suy cho cùng, phán quyết của Tòa chỉ là một phần trong tính toán, trong chiến lược của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Nếu có lợi, Mỹ sẽ thúc đẩy, nếu không có lợi, họ sẽ lảng tránh. 

“Tôi nghĩ rằng phán quyết của Tòa phù hợp với lợi ích của Mỹ, nên Washington sẽ hoan nghênh và tiếp tục kêu gọi các bên tuân thủ và thực thi. Còn Mỹ sử dụng phán quyết như thế nào sẽ phụ thuộc vào nhiều nhân tố và nằm trong tính toán chung của Mỹ, chứ họ không dùng phán quyết này như một công cụ duy nhất để thúc đẩy lợi ích của họ”, TS Thái trao đổi với phóng viên Tiền Phong ngày 12/7.

Trung Quốc sẽ rút khỏi UNCLOS?

TS Sakhuja nhận xét, ngày 12/7, Tòa Trọng tài đã đưa ra một quyết định lịch sử có thể có tác động đáng kể đối với an ninh khu vực. “Phán quyết nghiêng về Philippines sẽ khuyến khích các nước có yêu cầu chủ quyền trên biển Đông sử dụng đến tòa trọng tài”, TS Sakhuja nhận định. 

Hồi tháng 3, Indonesia thông báo có thể kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế về hoạt động của tàu cá, tàu hải cảnh Trung Quốc trong vùng biển Indonesia tuyên bố chủ quyền. Tòa Trọng tài đã bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc, kết luận rằng, không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc yêu sách quyền lịch sử đối với tài nguyên tại các vùng biển phía bên trong đường 9 đoạn. Theo TS Sakhuja, cựu sĩ quan hải quân Ấn Độ, đây chính là động lực để các nước Đông Nam Á khác khởi kiện Trung Quốc trong tương lai.

Đối mặt khả năng bị kiện liên tiếp như vậy, Trung Quốc có thể cân nhắc việc rút khỏi Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, nhiều nguồn tin nói rằng, một số quan chức Bộ Ngoại giao và/hoặc học giả Trung Quốc đã đề xuất với quan chức cấp cao hơn rằng, Trung Quốc nên rút khỏi UNCLOS để tránh những hệ quả, hậu quả mà nước này phải đối mặt sau phán quyết của Tòa trọng tài. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia quốc tế cho rằng, Trung Quốc sẽ không làm như vậy vì nhiều lý do.

Người dân Philippines hoan nghênh phán quyết của Tòa Trọng tài ngày 12/7(ảnh nhỏ). Nguồn: PLAAF  - Philsta

“Việc rút khỏi UNCLOS sẽ làm suy yếu đáng kể chỗ đứng của Trung Quốc trong cộng đồng quốc tế. Nó cũng sẽ khiến người ta gia tăng quan ngại rằng Trung Quốc có thể rút khỏi hoặc bội ước các cam kết của nước này đối với các công ước quốc tế khác, bao gồm cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc”, GS Thayer khẳng định. 


Nếu Trung Quốc rút khỏi UNCLOS, nước này sẽ phải tuân thủ các điều khoản của Điều Thái An - Thu Loan 317 về tuyên bố bãi ước. Trung Quốc sẽ phải viết thư cho Tổng thư ký Liên Hợp Quốc và thông báo rằng, họ sẽ rút khỏi công ước. 

Điều này sẽ diễn ra trong vòng 1 năm hoặc muộn hơn tùy thuộc quyết định của Trung Quốc. Trung Quốc vẫn sẽ phải chịu trách nhiệm hoàn thành các nghĩa vụ tài chính và khế ước hiện tại theo UNCLOS. Ngoài ra, nếu Trung Quốc rút khỏi UNCLOS, nước này vẫn phải chịu trách nhiệm cho “tình trạng pháp lý hoặc nghĩa vụ” mà họ đã đồng ý khi tham gia UNCLOS, GS Thayer cho biết.

Chiêu trò đối phó

TS Vijay Sakhuja nhận định, “Bắc Kinh chắc chắn sẽ tận dụng các công cụ ngoại giao tốt nhất của họ để làm các nước nản chí, không kiện tụng họ”. Theo ông, Trung Quốc có thể mua chuộc họ bằng quyền lợi vật chất, hoặc ép buộc họ phải nhượng bộ. Trước mắt, Bắc Kinh có thể vận động, dụ dỗ hoặc ép buộc họ không ra tuyên bố về phán quyết của Tòa Trọng tài; không thúc giục, gây ảnh hưởng để ASEAN ra tuyên bố chung về phán quyết; không sử dụng phán quyết để gây sức ép với Trung Quốc khi đàm phán song phương về tranh chấp trên biển Đông…

Theo các chuyên gia, trên thực địa, Trung Quốc sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng trên 7 đảo nhân tạo xây dựng trái phép trên biển Đông, thử nghiệm máy bay cất, hạ cánh trên đó, cũng như thử nghiệm các cơ sở lưỡng dụng khác như radar. Khi cơ sở hạ tầng cơ bản trên các đảo hoàn thiện, Trung Quốc sẽ xây dựng kho tàng, bến bãi, trạm phát điện, nhà ở để chứa nhiên liệu, trang thiết bị sửa chữa, bảo dưỡng, nhân lực để phục vụ mục đích quân sự. Cuối cùng, Trung Quốc sẽ đưa máy bay quân sự, tàu chiến ra đồn trú ở Trường Sa, nhiều chuyên gia dự đoán.