Bắc Giang muốn tiếp cận công nghệ sản xuất của các đại gia FDI

TPO - Theo Sở Công thương tỉnh Bắc Giang, nhiều doanh nghiệp tỉnh Bắc Giang mong muốn tiếp cận công nghệ sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của tập đoàn lớn trên thế giới.

Trao đổi với phóng viên báo Tiền Phong, lãnh đạo Phòng Công nghiệp, Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang cho biết, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang hiện có khoảng trên 300 doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đầu tư vào tỉnh Bắc Giang chủ yếu là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (vốn FDI) chiếm khoảng 90%, sản xuất các sản phẩm phụ kiện cho điện thoại di động, linh kiện điện tử, máy tính, tấm pin năng lượng mặt trời… Số lượng các doanh nghiệp cũng còn hạn chế, tập trung chủ yếu tại các khu công nghiệp.

Theo Sở Công thương tỉnh Bắc Giang, điều đáng quan tâm hiện nay trong phát triển công nghiệp hỗ trợ ở tỉnh Bắc Giang là các doanh nghiệp của tỉnh hiện vẫn chưa tiếp cận được công nghệ sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của tập đoàn lớn trên thế giới. Với những sản phẩm doanh nghiệp đã làm được hoặc có sản xuất, chủ yếu cũng là liên danh với một nhà đầu tư nước ngoài hoặc cũng mới chỉ sản xuất được những sản phẩm có tính chất đơn giản, có giá thành thấp.

“Số lượng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ có vốn đầu tư trong nước trên địa bàn tỉnh Bắc Giang còn ít, cơ bản là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, trình độ sản xuất chưa cao, máy móc thiết bị còn lạc hậu, nguồn tài chính eo hẹp, chưa có nhiều sản phẩm đáp ứng được chuỗi cung ứng phụ kiện cho các doanh nghiệp lắp ráp các sản phẩm có giá trị cao cho các tập đoàn lớn của nước ngoài”, lãnh đạo Phòng Công nghiệp, Sở Công Thương Bắc Giang cho hay.

Bắc Giang muốn tiếp cận công nghệ sản xuất của các đại gia FDI

Theo nhận định của Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, nguyên nhân khiến công nghiệp hỗ trợ ở địa phương chưa phát triển xứng tầm là còn nhiều doanh nghiệp chưa hiểu hết được các nội dung được hỗ trợ khi sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển.

Hiện các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của tỉnh Bắc Giang còn tập trung chủ yếu vào hoạt động động sản xuất, kinh doanh thuần túy, chưa quan tâm đúng mức đến các lĩnh vực mới, các sản phẩm mới trong danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ được ưu tiên. Đồng thời, nguồn ngân sách cho công nghiệp hỗ trợ còn hạn chế, nhân lực phục vụ có thể làm chủ được các công nghệ hiện nay vẫn còn thiếu.

“Do điều kiện ngân sách còn hạn hẹp nên việc ban hành các cơ chế hỗ trợ riêng cho các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của tỉnh Bắc Giang chưa được quan tâm đúng mức, vẫn cơ bản mới thực hiện được ưu đãi tiền thuế đất và thủ tục hành chính và áp dụng các chính sách chung của Trung ương”, đại diện Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang cho hay.

Tạo quỹ đất “sạch” thu hút nhà đầu tư

Theo UBND tỉnh Bắc Giang, tổng vốn đầu tư thực hiện của các dự án FDI trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2024 đạt khoảng 5,9 tỷ USD, chiếm tỷ lệ 71% tổng vốn đầu tư thu hút (bao gồm cả hình thức đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp). Lũy kế đến nay trên địa bàn tỉnh có 601 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với số vốn đăng ký là 12,3 tỷ USD.

Các dự án đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh Bắc Giang tập trung nhiều nhất trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; công nghiệp điện tử, còn lại là các dự án có mục tiêu chính thuộc ngành thương mại dịch vụ.

Bắc Giang đã thu hút được nhiều 'đại bàng' công nghiệp điện tử đến “làm tổ" với hàng loạt tên tuổi lớn như: Luxshare-ICT, Foxconn, Hana Micron và các vendor cấp 1, cấp 2… của các doanh nghiệp FDI. Chiến lược thu hút đầu tư hiệu quả đã góp phần thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh, giúp các doanh nghiệp tại địa bàn tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu.

Theo Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, để phát triển công nghiệp hỗ trợ trong thời gian tới, tỉnh Bắc Giang tập trung cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng các khu, cụm công nghiệp để tạo thêm quỹ đất sạch cho thu hút các nhà đầu tư thứ cấp; nhất là các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ cho các tập đoàn kinh tế lớn, như về lĩnh vực điện tử, năng lượng, ô tô, dệt may.

Đồng thời, tỉnh Bắc Giang rất mong Trung ương quan tâm giới thiệu các nhà đầu tư lớn đến đầu tư tại tỉnh, do có vị trí địa lý, hạ tầng giao thông thuận lợi, lực lượng lao động dồi dào và chính sách thông thoáng. Bộ Công Thương nên cụ thể hơn các nội dung hỗ trợ, tổ chức các lớp tập huấn cho công chức làm công tác triển khai các nội dung về công nghiệp hỗ trợ. Trung ương tiếp tục bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ cho các dự án phát triển công nghiệp của tỉnh Bắc Giang trong thời gian tới.

Về phía địa phương, tỉnh Bắc Giang cần tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp như hoàn thiện các cơ chế chính sách về đất đai, nhất là công tác bồi thường giải phóng mặt bằng các khu, cụm công nghiệp, tạo sẵn quỹ đất có đầy đủ hạ tầng kỹ thuật để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp. Các trường cao đẳng nghề trên địa bàn tỉnh Bắc Giang nâng cao công tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho nhu cầu của các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, nhất là các công nhân có tay nghề cao.

“Thời gian qua, tỉnh Bắc Giang đã hỗ trợ các các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ bằng các chính sách của Trung ương như miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; kinh phí đầu tư ứng dụng máy móc thiết bị đối với các doanh nghiệp trong nước sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thông qua nguồn kinh phí khuyến công của địa phương”, lãnh đạo Phòng Công nghiệp, Sở Công nghiệp tỉnh Bắc Giang cho biết.