Ngày 23/11, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã có hướng dẫn triển khai quản lý, điều trị người lao động mắc COVID-19 tại nơi làm việc. Nguyên nhân, do tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn ra phức tạp và khó lường, các ca mắc có chiều hướng gia tăng, giảm áp lực cho cơ sở điều trị COVID-19.
Theo đó, đối tượng cách ly tại nơi làm việc là người nhiễm COVID-19 (được xét nghiệm khẳng định dương tính bằng kỹ thuật RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên) không có triệu chứng lâm sàng hoặc có triệu chứng lâm sàng ở mức độ nhẹ như sốt, ho khan, đau họng, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ, tê lưỡi; không có các dấu hiệu của viêm phổi hoặc thiếu ôxy; nhịp thở = 20 lần/phút, SpO2 96% khi thở khí trời, không có dấu hiệu bất thường trong khi thở. Đồng thời, đáp ứng thêm tối thiểu 1 trong 2 tiêu chí đã tiêm đủ liều vắc xin (tiêm 1 liều vắc xin phòng COVID-19 sau 14 ngày) hoặc dưới 50 tuổi, không có bệnh nền, không đang mang thai.
Địa điểm được chọn để thiết lập nơi quản lý, điều trị người lao động nhiễm COVID-19 tại nơi làm việc là khu công nghiệp (bao gồm nhiều nhà máy, doanh nghiệp); nhà máy, cơ sở sản xuất có bộ phận y tế với ít nhất 1 bác sỹ và 2 y sỹ; nhà máy, cơ sở sản xuất có số lượng công nhân 21.000 người với ít nhất 1 bác sỹ và nhân viên y tế khác.
Nơi điều trị người lao động nhiễm COVID-19 tại nơi làm việc phải có phòng cấp cứu với 2 giường, bình oxy, trang thiết bị, thuốc thiết yếu và phương tiện vận chuyển như quy định của Bộ Y tế đối với trạm y tế lưu động; có nơi tiếp nhận, phân luồng người bệnh và khách hàng; có các công trình phụ bảo đảm 1 phòng tắm, 1 nơi làm việc vệ sinh cho mỗi 10 giường bệnh; có nước sạch, ấm và đủ để sử dụng tắm, giặt; có nơi cho bệnh nhân thể dục, vận động nhẹ hàng ngày.
Trong phòng cách ly phải có thùng đựng chất thải lây nhiễm và thùng đựng chất thải sinh hoạt. Thùng đựng chất thải lây nhiễm có nắp đậy, mở bằng đạp chân, có lót túi màu vàng đựng chất thải (như khẩu trang, khăn, giấy lau mũi miệng...), có dán nhãn “Chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2”. Thùng đựng chất thải sinh hoạt có nắp đậy, mở bằng đạp chân và có lót túi màu xanh.
Đồng thời, nhà máy có thể bố trí nhà ăn cho người bệnh nhưng tốt nhất là phát tại giường từng suất ăn riêng đựng trong hộp và dụng cụ ăn dùng 1 lần. Bố trí bàn trước cửa phòng cách ly hoặc đầu mỗi dãy giường bệnh để cung cấp suất ăn riêng, nước uống và các nhu yếu phẩm khác cho người nhiễm.
UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu giao Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp, Sở Công Thương phối hợp với Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện hướng dẫn tạm thời ban hành kèm theo văn bản này đến các khu công nghiệp, các nhà máy, doanh nghiệp trực thuộc.
Sở Y tế phối hợp Sở Công thương, Ban Quản lý các khu công nghiệp hướng dẫn các đơn vị, địa phương, nhà máy, doanh nghiệp triển khai thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế và theo quy định của tỉnh; phối hợp Công an tỉnh, các đơn vị liên quan kiểm tra, giám sát việc triển khai quản lý, điều trị công nhân, người lao động nhiễm COVID-19 tại nơi làm việc, bảo đảm an toàn phòng chống dịch.
Việc triển khai quản lý, điều trị công nhân, người lao động nhiễm COVID-19 tại nơi làm việc trên địa bàn tỉnh sẽ được đánh giá, rút kinh nghiệm định kỳ mỗi tháng một lần và sẽ điều chỉnh các nội dung cho phù hợp tình hình thực tế.
Tăng thêm 1.000 giường
Trước đó, tại cuộc họp vào ngày 17/11, ông Phạm Viết Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu đã đồng ý với phương án từ ngày 25/11 sẽ tổ chức quản lý, điều trị người mắc COVID-19 nhẹ tại nhà, nhằm giảm tải cho các cơ sở điều trị. Để làm tốt việc này, ông Thanh yêu cầu các địa phương cần chuẩn bị chu đáo về nhân lực, trang thiết bị y tế, thuốc men và tuyên truyền, hướng dẫn thật tốt về cách thức điều trị để người dân yên tâm và không hoang mang. Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu yêu cầu UBND tỉnh rà soát cơ sở vật chất, tăng thêm 1.000 giường bệnh để đáp ứng công tác theo dõi, điều trị cho bệnh nhân COVID-19 trên địa bàn tỉnh.