Bà Quyết Tâm, ông Tiến Lộc thử ăn cơm, làm công nhân một lần

Bàn về giờ làm thêm, nhiều ý kiến cho rằng bà Nguyễn Thị Quyết Tâm chưa ăn bữa cơm công nhân bao giờ, ông Vũ Tiến Lộc cũng cần đi làm công nhân 1 tháng.

Có hàng trăm phản hồi của bạn đọc với các ý kiến khác nhau trước những tranh luận về giờ làm thêm của nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm với Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc trong phiên thảo luận dự thảo bộ luật Lao động (sửa đổi) sáng qua.

Bạn Nguyễn Mạnh ủng hộ ý kiến của bà Quyết Tâm và cho rằng, những phát biểu này vừa có tình, có lý.

Bạn Nguyễn Mạnh nói phát biểu của bà Nguyễn Thị Quyết Tâm vừa có tình, có lý. Ảnh: Minh Quang

“Cũng từng đó giờ nhưng muốn hiệu quả tăng lên thì đó là trách nhiệm của nhà quản lý. Bắt công nhân bỏ hết thời giờ cho doanh nghiệp thật bất công. Ai cũng có gia đình nhỏ của mình”, bạn Mạnh nêu ý kiến.

Khẳng định phát biểu của bà Quyết Tâm là đúng, bạn đọc Dương Dương nói, không có công nhân nào muốn làm việc 12h/ngày cả, sức người có hạn.

Mà chỉ vì lương 8 tiếng không đủ trang trải thì công nhân mới phải làm thêm, chứ đó không phải điều mong muốn của công nhân.

Bạn Thieu Quang đặt vấn đề: “Chúng ta có cần đẩy mạnh tăng trưởng bằng việc vắt kiệt sức lao động không? Bài học của nước Nhật, đất nước giàu có nhưng số người tự vẫn vì áp lực công việc lại rất nhiều. Hãy để người lao động (NLĐ) có thời gian được nghỉ ngơi thích hợp”.

Còn với phát biểu của ông Vũ Tiến Lộc, bạn Lê Hằng đánh giá, ông Lộc phát biểu đứng trên quan điểm doanh nghiệp và không đứng về phía công nhân.

Theo bạn, nếu vào các khu nhà ở cho công nhân, hiểu cuộc sống của NLĐ thì ông mới biết được sự vất vả mưu sinh, hy sinh của gia đình họ. Nói NLĐ năng suất thấp thì đó là sản phẩm của chủ doanh nghiệp và xã hội.

Vì vậy nên đầu tư, phát triển cho giáo dục, khoa học công nghệ, hạ tầng nhiều hơn nữa chứ không phải là tăng năng suất, thâm canh trên người lao động.

Bạn Mr Ly hỏi ông Vũ Tiến Lộc đã từng xuống các khu công nghiệp xem tình cảnh người công nhân như thế nào chưa.

“Đầu tắt mặt tối tăng ca nhưng không đủ tiền trang trải cuộc sống. Lợi thế cạnh tranh là nguồn nhân lực, là nâng cao nguồn nhân lực chứ không phải vắt kiệt nguồn nhân lực mà không cho họ tái tạo sức lao động”, Mr Ly nêu thực trạng.

Bạn Hoàng Chuyên bảo ông Vũ Tiến Lộc nên trực tiếp đi làm công nhân lao động 1 tháng thì sẽ biết nên tăng lương hay tăng giờ làm đối với công nhân.

Nói như bà Quyết Tâm thì quá tốt, nhưng tiền ở đâu ra

Tuy nhiên, cũng có những bạn đọc không đồng tình với ý kiến của bà Tâm mà lại ủng hộ ông Lộc.

Bạn đọc Đoàn Phong cho rằng, những lý lẽ mà ông Vũ Tiến Lộc đưa ra là phản logic. Ảnh: Minh Quang

Bạn Hữu Nữu nói: “Nước thì nghèo, năng suất lao động thấp, tài nguyên cạn kiệt… mà không chăm chỉ thì làm sao mà sung túc được”.

Bạn Nguyen Bien nêu ý kiến, năng suất lao động của công nhân Việt Nam hiện nay mới chỉ tạm đủ trang trải cuộc sống, nếu tiết kiệm thì còn ít để tích cóp. Cho nên có giảm giờ làm mà vẫn giữ mức lương đó thì NLĐ cũng sẽ không nghỉ mà đi kiếm việc làm thêm để tăng thu nhập.

Còn chuyện ông bà vẫn phải trông cháu như bà Quyết Tâm nói thì dù có giảm giờ làm các ông bà vẫn phải giúp con cái trông cháu vào các ngày đi làm.

“Có lẽ bà Quyết Tâm không hiểu được tình cảnh của những người phải rời quê, bỏ con cái ở quê cho bố mẹ già để chính bản thân mình đi kiếm ăn nơi xứ người.

Họ mong tranh thủ thời gian để có thể kiếm được nhiều tiền nhất để gửi về nuôi con, phụng dưỡng cha mẹ.

Với họ, một tuần làm việc 7 ngày hay 5,5 ngày có thành vấn đề gì lớn đâu. Tôi nghĩ khuyến khích họ làm thêm giờ để có thêm thu nhập nhưng họ cần phải biết căn cứ vào thực tế tình hình sức khỏe của chính bản thân họ”, bạn Đoàn Văn Phúc nêu quan điểm.

“Bà Tâm có bao giờ ăn bữa cơm công nhân đâu. Chúng tôi cần việc làm để trang trải cuộc sống”, bạn Khoi Lê Dinh chia sẻ.

Bạn Lục thì “nói như bà Quyết Tâm thì quá tốt. Nhưng tiền ở đâu ra, ai cho nếu không làm?”.

Trước những ý kiến trái ngược, theo bạn Lê Tuấn Anh, ai nói cũng có cái đúng và sai, chứ không ai đúng hẳn.

Việc này phải xét ở các yếu tố chính xác đầu vào như điều kiện - môi trường làm việc, tiền lương, sức khỏe, hoàn cảnh, chính sách ưu đãi của doanh nghiệp, lĩnh vực lao động,... của người lao động, được khảo sát và đánh giá trên cơ sở khách quan và khoa học.

Bạn Lê Cải đề xuất có thể giảm giờ làm còn 40h/tuần, còn làm thêm là do nhu cầu của doanh nghiệp nhưng phải đáp ứng được tiền công làm thêm giờ và số giờ làm thêm trong 1 tuần, và được NLĐ đồng ý.

Bạn Lục đề nghị nên để NLĐ và doanh nghiệp tự thỏa thuận thời gian làm thêm, tiền lương làm thêm. Người có nhu cầu thì làm thêm, người không thì nghỉ. Xã hội đa dạng, hãy để cơ chế mở.

“Bà Quyết Tâm nói trên lập trường người lao động, còn ông Vũ Tiến Lộc là theo doanh nghiệp, nên mới mâu thuẫn nhau. Hai đại biểu nên ngồi lại với nhau để thống nhất góp ý cho luật”, bạn Mai Thu đề xuất.

Theo Theo VietnamNet