Chào mừng đại hội đại biểu đảng bộ tỉnh bạc liêu lần thứ XV

Ấn tượng Bạc Liêu

TP - Từ “vùng trũng”, Đại hội Đảng bộ Bạc Liêu lần thứ XV (nhiệm kỳ 2015-2020) quyết định đưa Bạc Liêu thành tỉnh phát triển khá của khu vực. Nhìn lại chặng đường 5 năm qua, diện mạo từ thành thị đến nông thôn thay đổi, kinh tế - xã hội phát triển bền vững, đời sống xã hội cải thiện rõ nét.
Biểu tượng văn hóa Bạc Liêu Ảnh: T.H

Những công trình đột phá

Trên vùng ven biển Bạc Liêu hoang sơ, vắng vẻ, đìu hiu thành “cánh đồng điện gió”, với những tua-bin gió của Nhà máy điện gió Bạc Liêu, sừng sững, vươn cao. Dự án Điện gió Bạc Liêu đã đưa vào vận hành 30 trụ turbine, hòa vào điện lưới quốc gia công suất 48MW. Bất chấp thời tiết, khí hậu khắc nghiệt vùng ven biển, hàng trăm chuyên gia, kỹ sư và công nhân bám biển thi công những turbine tiếp theo của dự án.

Dự án Nhà máy điện gió Bạc Liêu xây dựng hơn 500 ha đất hoang ven biển, với quy mô 62 turbine điện gió, tổng công suất là 99 MW và điện năng sản xuất mỗi năm hơn 320 triệu kWgiờ, sẽ hoàn thành giữa năm 2016. Từ mùa gặt trên “cánh đồng điện gió” tại Bạc Liêu, ông Tô Hoài Dân, Chủ tịch HĐQT Cty Xây dựng - Thương mại - Du lịch Công Lý đang xúc tiến các dự án điện gió ven biển miền Tây.

Trong những ngày chuẩn bị Đại hội Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu, vào ngày 22/10, tại ấp Giồng Nhãn, xã Hiệp Thành (thành phố Bạc Liêu), Tập đoàn Việt - Úc khởi công xây dựng khu phức hợp sản xuất tôm chất lượng cao, với quy mô 315 ha, trong đó trên 90% để nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao trong nhà kính. Từ nay đến cuối năm 2017, Tập đoàn Việt- Úc triển khai xây dựng, tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng và khi hoạt động sẽ tạo việc làm cho hơn 2.000 người.

Ông Lương Thanh Văn, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn Việt - Úc, cho biết việc áp dụng kỹ thuật hiện đại vào mô hình nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao trong nhà kính sẽ cho năng suất rất cao, kiểm soát được vùng nuôi và dịch bệnh, giảm rủi ro, tác động đến môi trường, hướng phát triển bền vững.

Đầu năm 2015, Tập đoàn Việt - Úc đã đầu tư 180 tỷ đồng vào khu nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao trong nhà kính, quy mô 50 ha tại xã Vĩnh Thịnh (Hòa Bình, thả nuôi tôm, đạt hiệu quả cao. Mỗi ao nuôi tôm khoảng 500 m2, mật độ thả nuôi 200- 500 con/m2, năng suất đạt 2- 4 tấn/ao, tương đương 40- 80 tấn/ha/vụ.

Bạc Liêu không có lợi thế về địa hình, địa lý và vị trí nhưng Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu thu hút ngoại lực, cải thiện môi trường đầu tư, chỉ tiêu năng lực cạnh tranh giai đoạn 2010-2015, tăng 55 lần so với 5 năm trước. Đồng thời, năng lực nội tại được huy động tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 39.786 tỷ đồng, chiếm 27,85% so với GRDP.

Diện mạo mới từ thành thị đến thôn quê

Những năm qua, tỉnh Bạc Liêu đã gây ấn tượng với diện mạo của thành phố Bạc Liêu, huyện Giá Rai thành thị xã, huyện Phước Long đang chuyển mình thành huyện nông thôn mới đầu tiên trong vùng ĐBSCL…

Nằm giữa trung tâm tỉnh Bạc Liêu, Quảng trường Hùng Vương với Biểu tượng văn hóa Bạc Liêu, Tượng đài Mậu Thân, Đài tượng niệm các anh hùng liệt sĩ...thành quần thể văn hóa, kiến trúc độc đáo làm cho khách quên “tỉnh lẻ” Bạc Liêu. Đặc biệt, Khu lưu niệm nghệ thuật đờn ca Tài tử Nam bộ và Nhạc sĩ Cao Văn Lầu có kiến trúc đẹp, đặc sắc và trang nghiêm làm rạng danh nơi sinh ra bài “Dạ cổ hoài lang” bất hủ.

Những điểm đến Đền thờ Bác Hồ ở Châu Thới (Vĩnh Lợi), Di tích lịch sử văn hóa Đồng Nọc Nạng (Giá Rai), Di tích lịch sử chùa Xiêm Cán, Khu nhà Công tử Bạc Liêu, Khu Du lịch Nhà Mát, Khu Du lịch Sinh thái Hồ Nam, Sân chim Bạc Liêu, Vườn nhãn Bạc Liêu… níu chân khách du lịch đến Bạc Liêu. Hiệp hội Du lịch ĐBSCL công nhận Bạc Liêu là một trong năm địa phương trọng điểm về du lịch của vùng, có 6 sản phẩm du lịch được công nhận là điểm du lịch tiêu biểu, chiếm 1/3 sản phẩm vùng.

Những nỗ lực quảng bá, giới thiệu về hình ảnh đất nước và con người Bạc Liêu phóng khoáng, hào hiệp, nghĩa tình, khoan dung…đã thu hút khách du lịch đến Bạc Liêu. Ông Trần Minh Huấn, Phó GĐ Sở VH-TT-DL Bạc Liêu nói: “Lượng khách đến Bạc Liêu tăng bình quân 20%/năm vào những năm gần đây. Riêng năm 2015, có khoảng 1,1 triệu lượt khách, trong đó 35 ngàn lượt khách quốc tế”.

Điện gió Bạc Liêu.

Thành phố Bạc Liêu về đích đô thị loại II trước một năm với những tuyến phố xanh, sạch, đẹp và văn minh. Nhiều khu dân cư mới Hồ Nam, Thiên Long, Hoàng Phát, Tràng An…càng làm cho đô thị rộng mở, xứng tầm thành phố trung tâm tỉnh Bạc Liêu. Huyện Giá Rai thành thị xã Giá Rai, huyện nghèo Phước Long chuyển mình thành huyện nông thôn mới, huyện Đông Hải vươn tầm nhìn ra biển… đã tạo thế cho Bạc Liêu phát triển.

Xóa “cho không”, giảm nghèo bền vững

Theo thống kê, tỉnh Bạc Liêu giảm từ 22,7% (32.479 hộ nghèo) năm 1997 xuống còn 9,39% cuối năm 2013, 4% (9.127 hộ nghèo) vào năm 2014 và hiện nay còn 2% hộ nghèo. Ông Nguyễn Bình Tân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Bạc Liêu nói: “Đời sống người dân cải thiện, giảm hộ nghèo nhanh, bền vững là nét mới của Bạc Liêu”.

Thành phố Giá Rai tạo cho người nghèo có việc làm ổn định để xóa nghèo. Các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể liên hệ với các doanh nghiệp tìm việc làm cho con em hộ nghèo với chính sách đãi ngộ. Việc hỗ trợ về y tế, miễn giảm học phí cho con em hộ dân tộc và bà con ở vùng đặc biệt khó khăn, ưu đãi tín dụng cho hộ nghèo, cận nghèo làm kinh tế gia đình.

Ở huyện Đông Hải có sáng kiến tuyên truyền các mô hình, cách làm hay trong phát triển kinh tế gia đình để hộ nghèo học tập và làm theo. Cán bộ, đảng viên nhận đỡ đầu, giúp đỡ hộ nghèo làm ăn. Từ năm 2006 đến nay, huyện Đông Hải xóa nghèo hơn 2.000 hộ.

Trong điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, tỉnh Bạc Liêu huy động và đề ra giải pháp an sinh xã hội, chính sách giảm nghèo. Các loại bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với trẻ em, người có công, người hưởng chính sách, người cao tuổi được ưu đãi. Đặc biệt, tỉnh Bạc Liêu vận động cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Trong vòng 5 năm qua, tỉnh Bạc Liêu vận động “Quỹ vì người nghèo và An sinh xã hội” hơn 700 tỷ đồng. Trung bình mỗi năm, đảng viên nhận đỡ đầu hội nghèo, cơ quan, doanh nghiệp giúp đỡ 6.500 hộ nghèo và có hơn 3.200 hộ cận nghèo thoát nghèo. Hiện nay, tỉnh Bạc Liêu không còn gia đình chính sách nghèo, 100% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của dân cư trên địa bàn.

Ông Võ Văn Dũng, Phó Trưởng ban nội chính T.Ư, khi đảm nhiệm Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu nói về thu hút đầu tư: “Xử sự có văn hóa sẽ được đối xử bằng văn hóa. Chúng tôi luôn nói để nhân dân hiểu rằng, không nên nhìn doanh nghiệp đến Bạc Liêu như những người đến chỉ để tìm kiếm lợi nhuận, mà còn phải xem doanh nghiệp như những người góp phần cho Bạc Liêu phát triển, làm cho bộ mặt tỉnh nhà đổi thay và làm cho mỗi người dân có cuộc sống tốt hơn”.

Kết quả nhiệm kỳ 2010-2015, tỉnh Bạc Liêu có 13 chỉ tiêu vượt và đạt, 8 chỉ tiêu gần đạt. Những chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2020, về kinh tế, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 6,2- 6,5%/năm (cơ cấu kinh tế: nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản 40,82%, dịch vụ 41,89%, công nghiệp, xây dựng 16,36%), tổng sản phẩm trong tỉnh bình quân đầu người 54,2 triệu đồng, thu ngân sách trong cân đối tăng 7,5%/năm, đầu tư xã hội 19.050 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu đến năm 2020 đạt 785 triệu USD, sản lượng lúa 1,1triệu tấn, sản lượng thủy sản 370 ngàn tấn (147 ngàn tấn tôm), chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) vào tốp 20 tỉnh, thành; Về xã hội: có 50% xã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2%, hộ sử dụng điện 99,8%, lao động qua đào tạo 65%, 100% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế, bao phủ bảo hiểm xã hội toàn dân 80% vào năm 2020, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia 62,5%...(Trích báo cáo)