Đó là đánh giá của bà Phạm Khánh Phong Lan- Trưởng Ban quản lý ATTP TPHCM khi đi kiểm tra về ATTP hôm 13/1.
Tràn ngập thực phẩm rẻ
Hằng ngày, từ 23 giờ trở đi, khu vực hai bên đường Quản Trọng Linh (đường vào cổng chợ Bình Điền) nhộn nhịp kẻ mua người bán. Cả trăm quầy sạp xếp thành dãy dài buôn bán quanh khu vực chợ; xe tải liên tục xuống hàng, người bán ra giữa đường chào mời các loại thực phẩm từ rau củ, thịt cá, thủy hải sản… có giá rẻ hơn từ 20-30%, thậm chí tới 50% so với các mặt hàng cùng loại tại chợ. Khách hàng có nhu cầu chỉ cần dừng xe, có người phục vụ tận nơi. N. (kinh doanh thủy hải sản) tiết lộ: “Hàng mua tận gốc bán tận ngọn, lại không phải thuê mướn mặt bằng trong chợ nên bán rẻ cho khách”.
Tại khu vực xung quanh chợ đầu mối Hóc Môn, từ đầu Quốc lộ 22 rẽ vào đường Nguyễn Thị Sóc, các hoạt động mua bán nông sản hết sức tấp nập, các loại rau củ quả, trái cây được đóng túi lớn 10-20 kg để bán sỉ; một số xe lôi phát loa để bán lẻ cho người đi đường. Bà Võ Thị Hoa, chủ sạp thịt heo Thuận Hoa than thở, buôn bán cả chục năm ở chợ đầu mối nhưng chưa bao giờ rơi vào tình cảnh ế ẩm như lúc này. Mỗi đêm, bà Hoa chỉ nhập về khoảng chục con heo, giảm sâu so với trước dịch và rất vắng khách mua. Thịt heo có truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Trong khi đó, các quầy sạp kinh doanh tự phát phía ngoài chợ càng gây thêm nhiều khó khăn cho tiểu thương trong chợ. “Tôi mong chợ tự phát bên ngoài được dẹp, chợ đầu mối mở chính thức, người vào mua hàng được dễ dàng để việc buôn bán ổn định như trước” - bà Hoa bày tỏ.
Không chỉ chợ đầu mối bị chợ tự phát bao vây, các chợ truyền thống cũng chịu chung số phận “bên trong ế ẩm, bên ngoài đắt khách”. Gần chợ Bà Chiểu, khu vực đường Vũ Tùng, Bùi Hữu Nghĩa (quận Bình Thạnh), nhiều người bày rau củ, thịt cá la liệt dưới lòng đường, mặc nắng mưa, gió bụi cả ngày chờ khách. “Nhiều lần tôi cũng tấp vào vỉa hè để mua rau cá vì nhanh và tiện lợi, trong khi vào chợ ngoài gửi xe lích kích còn phải khai báo y tế, quẹt thẻ QR, đưa giấy tiêm ngừa vắc xin rất rắc rối” - chị Thu Trang (ngụ quận 3) nói.
Trên nhiều tuyến đường như Võ Văn Kiệt, Hồ Học Lãm… (quận Bình Tân), khu công nghiệp Tân Tạo… chợ tự phát cũng vô tư họp giữa đường đi. Chỉ cần kê một chiếc bàn nhỏ, “tiểu thương” di động bày nào thịt gà, giò heo, thịt bò với giá rẻ tới 1/3 so với hàng bán trong chợ, siêu thị.
Tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch
Theo đại diện Cty Quản lý và Kinh doanh chợ Bình Điền, hàng hóa kinh doanh ở khu tự phát không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo ATTP, mất vệ sinh môi trường và ảnh hưởng việc lưu thông hàng hóa, mất an ninh trật tự, an toàn giao thông trước cổng chợ.
Theo một cán bộ UBND huyện Bình Chánh, huyện đã phối hợp UBND quận 8 và chợ Bình Điền lên kế hoạch ra quân xử lý tình trạng buôn bán tự phát xung quanh chợ. “Ngày nào lực lượng chức năng gồm cán bộ quản lý đô thị, công an cũng xuống kiểm tra, xử lý. Theo kế hoạch, huyện sẽ mở đợt cao điểm xử lý tình trạng buôn bán tự phát xung quanh chợ Bình Điền đến đầu năm 2022 âm lịch” - vị này cho biết.
Tuy nhiên, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Tô Hoàng Giang, Chủ tịch UBND phường An Lạc (quận Bình Tân) thừa nhận, mặc dù phường thường xuyên ra quân kiểm tra, quận cũng triển khai xử lý các tuyến đường chính thường xuyên có hàng rong như An Dương Vương, Hồ Học Lãm, Kinh Dương Vương nhưng vẫn chưa dẹp được triệt để. “Nguyên nhân có phần do lực lượng mỏng; người bán hàng rong đối phó bằng cách tản ra khi có đoàn kiểm tra, nhưng sau đó tiếp tục họp chợ; vận động người dân vào chợ kinh doanh nhưng không ai vào... Mặt khác, người dân cũng tiếp tay bằng cách mua hàng khiến cho cơ quan chức năng càng khó dẹp chợ tự phát”- ông Giang nêu khó. Ông Giang cũng cho biết, quận đã chỉ đạo rà soát lại các điểm kinh doanh tự phát có nguy cơ gây mất ATTP.
Theo PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban quản lý ATTP TPHCM, chợ tự phát tồn tại đến thời điểm này do tiện lợi, tiết kiệm cho người dân như giá thành rẻ, có thể mua ngay mà không cần gửi xe vào chợ… “Có một thực tế, trong chợ đầu mối, thời gian chống dịch, chúng ta đóng cửa chợ, khi cho hoạt động trở lại, các tiểu thương ở cả 3 chợ đầu mối đều phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc phòng chống dịch, từ xét nghiệm lấy mẫu, khử khuẩn, chích ngừa, và kể cả người đến chợ cũng phải tuân thủ nên có đôi lúc không được thoải mái. Nhưng có nghịch lý, xung quanh vỉa hè thì chẳng phải xin phép ai, và chẳng có biện pháp phòng ngừa dịch bệnh gì cả. Chúng ta phải lập lại trật tự và không để tiếp diễn, vì nó tiềm ẩn nhiều nguy cơ, kể cả nguy cơ về bùng phát dịch bệnh” - bà Lan nhấn mạnh.
Hàng trăm tiểu thương mắc COVID-19, bảo vệ an toàn các chợ dịp cận Tết
Những ngày qua, Đà Nẵng liên tục ghi nhận tiểu thương tại các chợ như chợ Cồn, chợ Non nước, chợ Bắc Mỹ An, chợ Cẩm Lệ… nhiễm COVID-19. Riêng chợ Cồn, chợ giữa trung tâm thành phố đã có 140 ca. Nhiều chợ phải tạm đóng cửa để thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến nhìn nhận, đây là thời điểm mua sắm sôi động do còn hơn hai tuần nữa là đến Tết Nguyên đán. Vì vậy các địa phương cần tập trung bảo vệ an toàn cho các chợ trên địa bàn.
Gần một tuần qua, số ca mắc COVID-19 tại Đà Nẵng liên tục tăng, từ hơn 400 ca đến hơn 700 ca/ngày. Hơn một nửa là ca cộng đồng. Kể từ khi dịch bùng phát tới nay, đây là lần đầu tiên Đà Nẵng ghi nhận số ca mắc kỷ lục (765 ca ngày 14/1).
THANH TRẦN