Nghiên cứu lấn khoảng 300 ha biển
Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh vừa ký tờ trình gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định trước khi trình Thủ tướng xem xét phê duyệt Đề án thành lập Khu Thương mại tự do.
UBND thành phố Đà Nẵng cho biết, quy mô diện tích của Khu Thương mại tự do Đà Nẵng đến giai đoạn hoàn chỉnh hạ tầng và đồng bộ các khu chức năng đạt khoảng hơn 2.317ha, trong đó bao gồm vị trí lấn biển khoảng hơn 300 ha.
Đà Nẵng nghiên cứu lấn khoảng 300ha biển để làm khu thương mại tự do. Ảnh: Nguyễn Thành. |
Khu Thương mại tự do cũng sẽ được bố trí tại 10 vị trí không liền kề, gắn kết với Cảng biển Liên Chiểu và Sân bay quốc tế Đà Nẵng. Các khu chức năng thuộc 4 khu chức năng chính theo định hướng tại Nghị quyết số 136 năm 2024 của Quốc hội.
Trong đó, đối với vị trí lấn biển và khu vực Cảng biển Liên Chiểu, UBND thành phố Đà Nẵng cho biết, đang triển khai nghiên cứu, đánh giá một cách toàn diện để đưa ra định hướng, lộ trình đầu tư xây dựng hạ tầng và phát triển phù hợp, đảm bảo đáp ứng đầy đủ các điều kiện trước khi đưa vào hoạt động.
Khu Thương mại tự do Đà Nẵng được kỳ vọng sẽ là mô hình đầu tiên của Việt Nam tích hợp các chức năng như logistics cảng biển và sân bay, cùng với các hoạt động thương mại, dịch vụ, công nghiệp chế xuất.
Chính quyền Đà Nẵng kỳ vọng Khu Thương mại tự do có thể đóng góp 8-9% vào tổng sản phẩm quốc nội (GRDP) của Đà Nẵng vào năm 2030 và lên đến 25% vào năm 2050. Đồng thời, sẽ thu hút khoảng 41.000 lao động vào năm 2030 và 137.000 lao động vào năm 2050.
Cần hơn 40.300 tỷ đồng để làm khu thương mại tự do
Theo tờ trình, lộ trình đầu tư xây dựng và phát triển Khu thương mại tự do Đà Nẵng sẽ được chia làm 2 giai đoạn. Trong đó, tổng vốn đầu tư dự kiến cho 2 giai đoạn của khu thương mại tự do khoảng 40.300 tỷ đồng.
Trong đó, giai đoạn 1 từ khi được phê duyệt đến năm 2029 sẽ xây dựng mới khu bến Liên Chiểu và các khu hậu cần cảng đảm bảo tiếp nhận tàu 100.000 tấn hoặc lớn hơn; hoàn thành giải phóng mặt bằng toàn bộ các vị trí, lựa chọn nhà đầu tư chiến lược để xây dựng hạ tầng ở các khu chức năng.
Khái toán mức đầu tư bên trong khu thương mại tự do cho giai đoạn này gần 36.000 tỷ đồng, bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng hơn 20.700 tỷ đồng (chiếm 58% tổng vốn) và chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng hơn 15.100 tỷ đồng (42% tổng vốn).
Cảng biển Liên Chiểu đang được Đà Nẵng đầu tư xây dựng. Ảnh: N. Thành. |
Giai đoạn 2 triển khai sau năm 2029 với định hướng mở rộng Khu Thương mại tự do tại các khu vực cảng Tiên Sa (dưới chân bán đảo Sơn Trà, sau khi chuyển đổi công năng thành cảng du lịch), tái thiết đô thị tại nhà ga đường sắt tại trung tâm thành phố... Ước tính chi phí là hơn 4.300 tỷ đồng từ nguồn vốn ngoài ngân sách.
Về phương thức huy động vốn triển khai, Đà Nẵng đề xuất nhà nước sẽ cân đối phân bổ ngân sách cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng đến ranh giới Khu Thương mại tự do chịu trách nhiệm giải phóng mặt bằng hoặc khấu trừ tiền thuê đất trong trường hợp nhà đầu tư chiến lược thực hiện giải phóng mặt bằng và đầu tư hạ tầng.
Nhà đầu tư chiến lược sẽ đầu tư cơ sở hạ tầng bên trong Khu Thương mại tự do như xây dựng đường sá, hệ thống cấp thoát nước, điện lực và các cơ sở hạ tầng dùng chung khác.
Khu Thương mại tự do Đà Nẵng là mô hình đầu tiên của cả nước, được tích hợp các chức năng logistics cảng biển, sân bay gắn với các hoạt động thương mại, dịch vụ, công nghiệp chế xuất và các chức năng phụ trợ khác. Đây cũng là Khu Thương mại tự do hoạt động theo mô hình phức hợp đa chức năng theo cơ chế liên thông “khu trong khu”.
Trước đó, ngày 26/6, Quốc hội đã có Nghị quyết tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng có hiệu lực từ 1/1/2025. Trong đó, thành phố được lập Khu Thương mại tự do gắn với cảng biển Liên Chiểu, thí điểm cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, tài chính, thương mại, du lịch và dịch vụ chất lượng cao.
Theo chỉ đạo UBND thành phố Đà Nẵng hoàn thành xây dựng đề án, hồ sơ thành lập Khu Thương mại tự do trong tháng 12/2024, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, sau đó trình Thủ tướng quyết định vào đầu năm 2025.