Một số công nhân làm việc tại đây cho biết, họ từng là thợ hồ ở các tỉnh và được người quen giới thiệu vào TPHCM làm việc nên chưa hề trải qua trường lớp đào tạo nghiệp vụ cũng như an toàn lao động.
Anh Nguyễn Văn Diện (quê Nghệ An) cho biết, trước đây anh cùng một nhóm thợ thường nhận xây nhà ở cho người dân ở quê. Mới đây, anh được một người thân giới thiệu vào TPHCM làm việc cho một nhà thầu nhỏ cũng chuyên nhận xây nhà ở nên anh rủ cả nhóm thợ vào cùng làm. “Cái nghề thợ hồ này chủ yếu dựa vào kinh nghiệm chứ mấy ai trải qua trường lớp. An toàn hay không là do mình, nhiều khi biết là không đúng quy định nhưng mình cảm giác thấy an toàn là được chứ mặc mấy cái đồ bảo hộ vừa nóng lại vướng víu khó làm việc”, anh Diện nói.
Không chỉ các công trình nhỏ lẻ, tại TPHCM cũng không khó để bắt gặp những công trình thi công thiếu an toàn tại các dự án lớn như xây dựng nhà cao tầng. Nhiều công trình với những chiếc cần cẩu cao chọc trời, vắt vẻo trên nóc nhà dân, phần tay cẩu vắt ngang đường, còn phần đầu móc kéo treo lơ lửng trên không trung, mỗi khi gặp gió mạnh lại lắc lư.
Công trình xây dựng trên đường Tạ Quang Bửu, phường 4, quận 8, TPHCM với nhiều cần cẩu hạng nặng liên tục quay vòng trên cao, phần đuôi cần cẩu với những khối bê tông lớn nằm ngay trên đầu người đi đường. Bên cạnh đó, việc rào chắn bảo vệ công trình cũng được thực hiện khá sơ sài, nhiều tấm lưới bảo vệ trên các tầng đang thi công rách nát.
Tuy nhiên, nhiều công nhân làm việc tại đây không hề lo lắng vì cho rằng chưa có sự cố nào lớn xảy ra tại công trình này. “Người ngoài nhìn vào thấy sợ, còn công nhân trong công trình thì quen rồi, mình làm việc dưới đất mà cần cẩu kéo sắt thép, vật liệu lơ lửng trên đầu là bình thường. Việc ai nấy làm thôi. Chúng tôi làm việc cho nhà thầu lớn nên lâu lâu cũng được phổ biến những kiến thức về an toàn lao động, trang bị dụng cụ bảo hộ thường xuyên”, một công nhân nói.
Không chỉ các công trình xây dựng cao tầng, nhiều công trình thi công các dự án chống ngập, nâng đường trên địa bàn TPHCM cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ khi rào chắn sơ sài, thi công bầy hầy. Ghi nhận tại dự án mở rộng đường Nguyễn Xí, quận Bình Thạnh, nhiều máy khoan cỡ lớn làm việc liên tục trong khi người dân vẫn buôn bán ngay bên cạnh, bùn lầy từ công trình tràn ra đường. Một dự án khác trên đường Phạm Thế Hiển, quận 8, TPHCM cũng là nỗi ám ảnh của người dân địa phương khi nhiều rào chắn công trình nằm suốt thời gian dài vừa gây ùn tắc giao thông, vừa uy hiếp sự an toàn của người dân.
Khoảng trống chết người
Tại Hà Nội, mỗi ngày đều có khá nhiều công trình riêng lẻ được cấp phép, khởi công xây dựng. Tuy nhiên, việc đảm bảo an toàn lao động, an toàn công trình khi thi công xây dựng vẫn chưa thực sự được chú ý.
Anh Nguyễn Anh Tuấn (giám đốc một công ty xây dựng) cho biết, công ty anh đã thực hiện 20 công trình nhà phố 30m2 - 100m2. Tuy nhiên, việc mua bảo hiểm hay chế độ cho công nhân chưa bao giờ thực hiện. Theo anh Tuấn, công nhân của anh đa số ở cùng quê, mỗi khi có công trình thì gọi lên làm, lương trả theo ngày công, hết việc thì về. Nhân viên chính thức thì có hợp đồng, đóng bảo hiểm đầy đủ. Hiện công ty xây dựng của anh có 5 nhân viên chính thức, còn lại 50 công nhân thời vụ.
Thực tế, trong số lao động này không ít người mới lên làm xây dựng lần đầu, chưa qua đào tạo. Do đó, không ít trường hợp sử dụng máy cắt, máy hàn xì gây tai nạn cho chính mình.
Đối với các công trình xây dựng đơn lẻ, nhà phố thì việc đảm bảo an toàn lao động vẫn bị “thả nổi”. Đa số các công trình nhà dân không có hợp đồng, trừ khi có việc xảy ra thì mới làm hợp đồng. Do đó, các công nhân làm tại nhà riêng lẻ cũng thường không có hợp đồng, bảo hiểm. Theo thanh tra xây dựng các quận, huyện, theo luật, công trình xây dựng gia đình tự làm sẽ được miễn thuế. Khi lực lượng đi kiểm tra, họ nói không thuê ai, nhờ anh em họ hàng làm, rất khó để xử lý cũng như tuyên truyền.
Ông Tạ Văn Dưỡng, Trưởng Ban chính sách pháp luật, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội cho biết, thực tế hiện nay gần như 100% các công nhân ở các công trình riêng lẻ đều không được đóng bảo hiểm. Trong số đó nhiều người không được đào tạo, hoặc đào tạo sơ sài về an toàn lao động. Mỗi khi có sự cố tai nạn xảy ra, nhà thầu tự thương lượng với công nhân và gia đình công nhân bị nạn để bồi thường một khoản tiền.
Các biện pháp triển khai tại công trình chưa triệt để, thậm chí nhiều nơi không tuân thủ theo đúng quy chuẩn mà Nhà nước đã ban hành, hoặc mang tính đối phó. Ví dụ như quy định về hệ thống giàn giáo lắp đặt như thế nào, đỡ được bao nhiêu cân… đều rất rõ ràng nhưng hiếm trường hợp tuân thủ.
Theo ông Dưỡng, ở đây có 3 vấn đề gây mất an toàn lao động: Thứ nhất là ý thức của người lao động, thứ hai là ý thức của chủ thầu và cuối cùng là việc quản lý của cơ quan nhà nước. Chính quyền địa phương, phường xã, quận huyện sẽ nắm rõ nhất các công trình xây dựng trên địa bàn. Cần có biện pháp quản lý chặt chẽ hơn để tránh các tai nạn đáng tiếc xảy ra. “Luật cũng đã quy định về vi phạm an toàn lao động nghiêm trọng dẫn đến người có thể khởi tố vụ án để xử lý. Tuy nhiên, tai nạn nhiều nhưng xử lý theo luật chỉ tính trên đầu ngón tay”, ông Dưỡng nói.
Đại diện Sở LĐ,TB&XH Hà Nội cho biết thêm, đối với các công trình xây dựng người lao động phải được mua 1 trong 2 loại bảo hiểm. Bảo hiểm công trình xây dựng đối với người lao động thời vụ. Bảo hiểm này người lao động thời vụ sẽ được mức 100 triệu đồng/người nếu xảy ra tai nạn. Lao động dài hạn thì phải có bảo hiểm tai nạn lao động bắt buộc.
Hiện nay, trên 50% các tai nạn tử vong vì an toàn lao động chủ yếu trên công trình xây dựng. Tai nạn do hàn hơi, hàn điện, điện công trường; các thiết bị nghiêm ngặt như bình hàn, khí nén; nguy cơ vật rơi… đang diễn ra hết sức phức tạp.