Ám ảnh thất nghiệp 'ghì' sinh viên ra trường

Ám ảnh với tình cảnh lao động thất nghiệp trong năm 2013, nhiều sinh viên mới ra trường không khỏi e ngại, hoang mang về con đường tìm kiếm việc làm.

Sinh viên lo cạnh tranh không nổi

Tại chương trình “Chat với chuyên gia” về chủ đề “Những ngành bứt phá trong năm 2014” do Mạng Việc làm & Tuyển dụng CareerBuilder tổ chức, nhiều lao động trẻ bày tỏ nỗi lo về con đường kiếm việc làm của mình.

Tình trạng nhiều cử nhân ra trường không xin được việc, phải làm đủ thứ ngành nghề kiếm sống trở thành nỗi ám ảnh của nhiều sinh viên.

Tình cảnh SV ra trường thất nghiệp trong năm 2013 như một khối đá đè nặng lên vai họ. Qua các câu hỏi có thể thấy SV đang rất quan tâm đến nhu cầu tuyển dụng, xu hướng tuyển dụng cùng với sự hoang mang khi tìm cơ hội cho mình.

Một cử nhân vừa tốt nghiệp tại TPHCM băn khoăn: “Năm qua, nhiều doanh nghiệp cắt giảm nhân sự sẽ có một đội ngũ lao động kinh nghiệm thất nghiệp và đang tìm việc. Họ có nhiều kinh nghiệm mà SV ra trường làm sao có thể cạnh tranh nổi để kiếm việc?”.

Một số bạn lại khác quan tâm đến lợi thế của đội ngũ du học sinh đang có xu hướng về nước kiếm việc. Với những áp lực này, họ cho rằng cơ hội kiếm việc cho cử nhân trong điều kiện kinh tế hiện nay đã khó dường như lại càng bị bó hẹp hơn.

Nhiều sinh viên đang học và mới ra trường quan tâm đến cạnh tranh trên thị trường lao động. (Ảnh minh họa)

Nắm khá rõ tình hình tuyển dụng của thị trường, Ngọc Anh, sinh viên năm 3 Học viện Hành chính Quốc gia cơ sở TPHCM nhìn nhận doanh nghiệp có nhu cầu tuyển đội ngũ nhân sự chất lượng cao nhưng SV ra trường lại thất nghiệp do không đáp ứng ứng được nhu cầu. Cô nữ sinh mong muốn tìm được giải pháp trước thực tế này.

Sinh viên mới tốt nghiệp không thiếu lợi thế

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhân lực và Thông tin thị trường TPHCM cho rằng, năm 2013 khó khăn bao trùm, thất nghiệp, cắt giảm nhân sự là nỗi ám ảnh lớn với người lao động, nhất là các SV mới tốt nghiệp.

Một thực trạng dễ thấy, các doanh nghiệp rất cần đội ngũ nhân sự chất lượng cao nhưng ngược lại nhiều SV ra trường không đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. “Nhìn nhận một cách thẳng thắn thì có đến 70% SV tốt nghiệp chưa trang bị tốt về chuyên môn cũng như các kỹ năng mềm và trình độ ngoại ngữ”, chuyên gia này nói.

Sinh viên mới tốt nghiệp có nhiều lợi thế cần được rèn luyện ngay lúc đi làm thêm hay các hoạt động ngoại khóa.

Theo phân tích, năm 2014 thị trường TPHCM sẽ có một số ngành nghề phát triển tốt như nhóm ngành Du lịch - Nhà hàng - Khách sạn; Công nghệ thông tin; Cơ khí - Điện - Điện tử; Marketing - Nhân viên kinh doanh; Dệt may - da giày…

Tuy nhiên, thị trường lao động sẽ phát triển theo xu hướng hạn chế số lượng, tăng yêu cầu chất lượng trình độ. Theo ông Trần Anh Tuấn, bằng cấp cao không phải là yếu tố quyết định trong chuyện dễ hay khó xin việc. Nhân lực phù hợp với yêu cầu tuyển dụng, đảm bảo kiến thức chuyên môn và kĩ năng nghề mới là yếu tố chính giúp người lao động tự tin tìm việc.

Một điều mà nhiều SV ra trường cho là nghịch lý khi doanh nghiệp đòi hỏi ở họ kinh nghiệm. Trong khi họ chưa đi làm, lấy đây ra kinh nghiệm, nói chi đến việc “so đo” với những người đi trước.

Một chuyên gia trong lĩnh vực Tài chính ngân hàng ở TPHCM chia sẻ, nếu xét về kinh nghiệm SV không thể “đọ” được với những người đi làm 3 - 5 năm nhưng đó chỉ là kinh nghiệm chuyên môn.

Khi tuyển SV mới ra trường, điều doanh nghiệp cần ở ứng viên là kinh nghiệm mềm, các kỹ năng cơ bản có thích hợp với công việc hay không chứ không phải là kinh nghiệm chuyên môn.

Nếu người đi trước có kinh nghiệm chuyên môn nhưng lại bị sức ỳ, làm việc theo lối mòn thì SV mới ra trường hơn hẳn về sức trẻ, dám dấn thân, có nhiều ý tưởng lạ… - điều mà thị trường đang rất cần. Để phát huy tối đa lợi thế của mình, tăng khả năng cạnh tranh khi xin việc, theo các chuyên gia SV hãy thật sự chăm chỉ, dốc sức hết mình từ những công việc làm thêm, bán thời gian, hoạt động ngoại khóa để trau dồi kinh nghiệm, kỹ năng.

Những yếu tố SV mới ra trường cần trang bị để kiếm được việc làm:

- Nắm chắc chuyên môn và kiến thức về nghề nghiệp.

- Kĩ năng phải phù hợp với nghề được đào tạo. Một số kỹ năng chung cần có như: giao tiếp, làm việc nhóm, nắm bắt thông tin... Trình độ ngoại ngữ là một lợi thế.

- Hiểu biết về thông tin thị trường lao động, tìm hiểu kĩ về nhu cầu ngành nghề muốn tìm việc và các loại hình doanh nghiệp muốn tham gia ứng tuyển.

- Chuẩn bị tốt hồ sơ ứng tuyển, kĩ năng xin việc làm, đặc biệt là quy trình phỏng vấn. Chú trọng tính trung thực, thân thiện và khả năng hòa nhập.

- Nên theo xu hướng chọn công việc phù hợp với năng lực bản thân, phấn đấu từ việc thấp, trải nghiệm, hoàn thiện và nâng cao năng lực làm việc.

Ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Dự báo nhân lực và Thông tin thị trường TPHCM

Theo Theo Dân trí