Con số 39 trong 63 nhà xuất bản có nguy cơ ngừng hoạt động vì không đáp ứng tiêu chí của Luật Xuất bản là có thật.
Không đủ điều kiện hoạt động
Trong hội nghị giao ban công tác xuất bản 6 tháng đầu năm (diễn ra gần đây tại Hà Nội), lãnh đạo Cục Xuất bản chỉ ra, theo tổng hợp báo cáo của các cơ quan chủ quản, trong số 63 nhà xuất bản (NXB), chỉ 24 đủ điều kiện hoạt động theo quy định của Luật Xuất bản, Nghị định số 195. Còn lại 39 đơn vị không đủ điều kiện hoạt động (chiếm 61,9%), do thiếu các tiêu chí hoạt động. Trong đó, 36 NXB thiếu vốn điều lệ là 5 tỷ đồng, thiếu biên tập viên cơ hữu, thiếu diện tích trụ sở, đối tượng thành lập không phù hợp.
Có thể kể một số NXB thiếu cả hai điều kiện như: Âm nhạc, Văn hóa-Thông tin, Tri thức, Đại học Huế, Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Quốc gia TPHCM; Đại học Công nghiệp TPHCM. Riêng NXB Công Thương thiếu cả 3 điều kiện: vốn hoạt động, nhân sự lãnh đạo và nhân sự biên tập viên. Không chờ đến báo cáo này, ông Nguyễn Thái Dũng, Giám đốc NXB Âm nhạc, nói: “Anh em nói với nhau, có đến 70% không đủ điều kiện”.
Theo báo cáo của Cục Xuất bản, năng lực hoạt động của các NXB còn nhiều hạn chế. Năm 2014, chỉ 13% đơn vị hoạt động ổn định và phát triển, 11% hoạt động thua lỗ, số còn lại hoạt động cầm chừng. Một số có năng lực xuất bản yếu kém, 6 tháng đầu năm 2015 chỉ xuất bản trên dưới chục đầu sách: NXB Đại học Công nghiệp TPHCM (3 cuốn), Đại học Nông nghiệp (5 cuốn), Sân khấu (8 cuốn), Công Thương (10 cuốn).
Hết 31/8 là thời hạn cuối để cơ quan chủ quản thực hiện thủ tục đề nghị Bộ Thông tin & Truyền thông cấp đổi giấy phép thành lập NXB trực thuộc. Đây là thời hạn khai tử 39 NXB? “Bộ không giải thể, mà do cơ quan chủ quản. Cục Xuất bản chỉ được phép cấp giấy phép hoạt động xuất bản hay không cấp. Nếu các NXB không đạt yêu cầu thì không được cấp giấy phép hoạt động”, Cục trưởng Cục Xuất bản Chu Văn Hòa nói.
Về tình trạng hoạt động èo uột của nhiều đơn vị xuất bản, Cục trưởng Cục Xuất bản thẳng thắn: “Bố mẹ đẻ ra nhưng không cho con đủ xương đủ cốt để có cơ hội phát triển. Có giám đốc thì không có tổng biên tập, có giám đốc có tổng biên tập thì không đủ biên tập viên. Đưa cán bộ sang đưa đầu thừa đuôi thẹo không biết bố trí vào đâu. Ngày xưa vốn toàn các ông có chữ mới được về làm xuất bản, kể từ ngày thành cơ quan dịch vụ ốm đói, nhiều ông không biết làm gì thì đẩy sang xuất bản”.
“Nếu không làm được thì cũng nên giải thể”
Nhà xuất bản Âm nhạc nằm trong số đơn vị thiếu vốn điều lệ. Do hoạt động theo mô hình doanh nghiệp nhà nước, theo cơ chế hiện tại của Luật ngân sách thì không có cơ chế cấp vốn cho doanh nghiệp. “Vì vậy, mặc dù các cơ quan chủ quản có ý muốn cấp đủ vốn cho chúng tôi, cũng không có cơ sở pháp lý”, Giám đốc Nguyễn Thái Dũng nói. Có thực tế là các NXB vẫn phải thực hiện nhiệm vụ chính trị và không thể coi kinh doanh sách “như bát bún bát phở”. “Đầu tư cho xuất bản là đầu tư cho đời sau, nó như dòng sông mà thế hệ trước thả vào đó những tài sản văn hóa”, ông Hòa nói.
Lãnh đạo Cục Xuất bản khuyến cáo: Từ bây giờ, cơ quan chủ quản phải gấp rút tăng cường chỉ đạo, điều hành, hỗ trợ tối đa cho NXB về những điều kiện cơ bản để duy trì hoạt động. Đồng thời NXB phải chủ động tham mưu, đề xuất cơ quan chủ quản khẩn trương kiện toàn, bổ sung các điều kiện còn thiếu để đảm bảo hoạt động theo quy định.
Bộ VHTT&DL tích cực nhất, có giải pháp cải tổ, kiện toàn các NXB, trong đó NXB Âm nhạc, Văn hóa-Thông tin sẽ sáp nhập NXB Văn hóa Dân tộc. “Nếu không làm được thì cũng nên giải thể để các cơ quan chủ quản khác, NXB khác có năng lực làm. Xã hội cần là cần chất lượng. Nếu sống èo uột, chỉ đi làm mấy việc bậy bạ như bán giấy phép, ra sách sai... thì ngành chỉ cần 20 NXB cũng được. Đó là 20 NXB chất lượng, nâng cao đời sống văn hóa cho xã hội bằng những sản phẩm tốt”, ông Hòa nói. Đến lúc các cơ quan chủ quản NXB không thể đem con bỏ chợ.
Quốc gia nào cũng có NXB Âm nhạc
“Theo tôi biết, không có quốc gia nào không có NXB Âm nhạc. Theo quan điểm cá nhân, NXB Âm nhạc hiện tồn tại được, đảm bảo đời sống cho cán bộ, công nhân viên, chưa đến mức dẹp bỏ”, ông Nguyễn Thái Dũng nói. Dù sự thật phải sáp nhập là khó tránh khỏi, nhưng lãnh đạo NXB Âm nhạc kiến nghị cơ quan quản lý tạo điều kiện để NXB hoạt động vì âm nhạc có sức tác động, ảnh hưởng lớn trong xã hội.