7 thay đổi của thế giới trong 100 ngày đầu nhiệm kỳ của Trump

Sau khi Trump vào Nhà Trắng, cẳng thẳng hạt nhân ở châu Á gia tăng, quan hệ Nga - Mỹ phức tạp hơn và tương lai thương mại tự do trở nên bấp bênh.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AFP

Trong ba tháng cầm quyền của Donald Trump, mối quan hệ của Mỹ với phần còn lại của thế giới đã có những thay đổi đáng kể.

Gia tăng căng thẳng về vấn đề hạt nhân ở châu Á

Ngay từ khi bắt đầu nhiệm kỳ, Trump đã coi Triều Tiên như một trong những vấn đề cấp bách nhất trong chính sách đối ngoại. Ông nhấn mạnh "Triều Tiên là mối đe dọa với thế giới, là vấn đề của thế giới".

Ông nói rằng ông phải kế thừa "mớ hỗn độn ở Triều Tiên" từ Obama và chỉ trích chính sách đối với Triều Tiên của người tiền nhiệm, được biết đến là "sự kiên nhẫn chiến lược". Chính sách này tập trung vào việc chờ Bình Nhưỡng thể hiện thiện chí đồng thời gia tăng trừng phạt và sức ép lên nước này. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson trong chuyến thăm Hàn Quốc vào tháng ba cho rằng chính sách kiên nhẫn chiến lược đã kết thúc.

Đòn tấn công 59 tên lửa Tomahawk vào căn cứ của Syria được coi là lời cảnh báo đến Triều Tiên. Việc chính quyền Trump tuyên bố "tất cả phương án đều được cân nhắc" làm nhiều người lo sợ về nguy cơ nổ ra xung đột. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng các động thái của Washington chủ yếu mang tính răn đe còn khả năng Mỹ tấn công phủ đầu là rất khó. Chính quyền Trump đang trở lại trọng tâm là gây áp lực và ngoại giao và kinh tế với Triều Tiên, thúc giục Trung Quốc tác động đến đồng minh thất thường của mình.

BBC nhận xét không rõ bước tiếp theo của Trump trong vấn đề Triều Tiên là gì, nhưng những nỗ lực đầu tiên của tổng thống khó đoán này trong việc đối phó với quốc gia khó lường nhất thế giới đã phơi bày một điểm nóng mà có thể sẽ liên tục căng thẳng trong những năm tới.

Quan hệ Nga - Mỹ thêm phức tạp

Dưới thời Tổng thống Obama, quan hệ Nga - Mỹ căng thẳng vì vấn đề Ukraine và Syria. Quan hệ hai nước được cho là rơi xuống mức thấp nhất kể từ Chiến tranh Lạnh.

Dưới thời Trump, Nga - Mỹ được cho có thể nồng ấm hơn vì lãnh đạo hai bên liên tục bày tỏ quan điểm cải thiện quan hệ.

Tuy nhiên, mối quan hệ này ngày càng đi xuống với việc Mỹ cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống và rơi vào rạn nứt rõ nét khi Mỹ không kích căn cứ Syria vì chính quyền Assad bị cáo buộc tấn công vũ khí hóa học. Nga là đồng minh hậu thuẫn cho chính quyền Syria và lính Nga cũng hiện diện trên quốc gia này. Moscow chỉ trích cuộc tấn công không khác gì "sự gây hấn nhằm vào một quốc gia có chủ quyền, vi phạm các chuẩn mực quốc tế, dựa trên cái cớ tự nghĩ ra".

Ngoại trưởng Mỹ Tillerson, sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Nga cùng Tổng thống Nga Putin ngày 12/4, phải thừa nhận mối quan hệ Nga - Mỹ "đang xuống thấp". Ở Washington, Trump thậm chí còn bi quan hơn khi nhận xét rằng quan hệ với Moscow "có lẽ đang ở mức thấp nhất từ trước tới nay".

Tập trung hơn vào NATO

Ông Trump từng chỉ trích gay gắt NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) là "lỗi thời" và coi các thành viên như những "đồng minh vô ơn" hưởng lợi từ sự hào phóng của Mỹ.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cảnh báo các thành viên NATO vào tháng hai rằng Washington sẽ giảm cam kết nếu các thành viên không đáp ứng yêu cầu tăng chi tiêu quốc phòng lên mức tương đương 2% GDP của họ.

Ông Trump tuyên bố những lời cứng rắn của mình đã giúp "tiền đổ thêm vào", mặc dù các nhà phân tích chỉ ra rằng các nước đã tăng đóng góp theo một thỏa thuận năm 2014.

Tuy vậy, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã cảm ơn Tổng thống Mỹ Trump về mối quan tâm của ông cho vấn đề này. "Chúng tôi đang nhìn thấy những tác động từ sự tập trung của ông trong việc chia sẻ gánh nặng trong liên minh", ông nói.

Ông Trump sau đó thay đổi giọng điệu và nói rằng NATO đã "không còn lỗi thời". Ông cho biết mối đe dọa của khủng bố đã nhấn mạnh tầm quan trọng của liên minh và kêu gọi các thành viên phải làm nhiều hơn để giúp Iraq và Afghanistan.

Sử dụng vũ lực

Tổng thống Obama đã chấm dứt các cuộc chiến của Mỹ ở Iraq và Afghanistan. Ông cực kỳ miễn cưỡng tham gia vào một cuộc xung đột khác ở Trung Đông. Ngay cả khi cuộc chiến ở Syria ngày càng trở nên quyết liệt, ông vẫn tin rằng can thiệp quân sự sẽ là một thất bại tốn kém.

Thay vào đó, chính quyền Obama tập trung vào việc cung cấp viện trợ nhân đạo, tài trợ cho các phe quân sự Syria, thúc đẩy đàm phán ngừng bắn và chính trị với mong muốn Tổng thống Syria Assad rời ghế.

Donald Trump cũng từng phản đối hành động quân sự của Mỹ tại Syria, kêu gọi tập trung nhiều hơn vào các chính sách trong nước. Tuy nhiên, điều đó đã hoàn toàn thay đổi khi ông Trump ra lệnh tấn công căn cứ Syria.

Đây là lần đầu tiên Mỹ nhắm mục tiêu trực tiếp vào chính quyền Syria kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu và được xem như một sự thay đổi chính sách ngoạn mục của ông Trump.

Chính quyền Trump ngay sau đó lại thể hiện sức mạnh quân sự khi dùng siêu bom tấn công chiến binh Hồi giáo ở Afghanistan.

Khi Mỹ đang xem xét gia tăng chi phí quốc phòng, Washington, ít nhất là trong thời gian này, dường như có một vai trò mạnh mẽ hơn trong các cuộc xung đột nước ngoài.

Biến đổi khí hậu

Ông Trump đã nói rằng ông sẽ hủy bỏ Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu (chi phối các biện pháp giảm carbon dioxide từ năm 2020) trong vòng 100 ngày kể từ khi nhậm chức. Điều này đã không xảy ra và các cố vấn cao cấp của ông giờ đang chia rẽ.

Ông đã ký kết một sắc lệnh vào tháng ba để đảo ngược Clean Power Plan, chính sách của Obama đòi hỏi các bang điều chỉnh các nhà máy điện để giảm khí thải. Ông Trump nói rằng sắc lệnh của ông là cần thiết để đảm bảo sự độc lập của Mỹ về năng lượng và việc làm. Tuy nhiên, các tổ chức môi trường cảnh báo rằng việc này sẽ có hậu quả nghiêm trọng trong và ngoài nước.

Tương lai không chắc chắn của thương mại tự do

Với chính sách thương mại của mình, Donald Trump đã bắt tay vào việc mang lại sự thay đổi lớn nhất trong cách Mỹ giao dịch với phần còn lại của thế giới.

Vào ngày đầu tiên nhậm chức, ông đã rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và bắt đầu quá trình xem xét lại Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA).

Động lực thúc đẩy chính sách thương mại này là tạo công ăn việc làm ở Mỹ, giảm thâm hụt thương mại, và có được "những thỏa thuận tốt" cho người Mỹ.

Tuy nhiên, ông đã quay lưng lại với lời hứa trong chiến dịch tranh cử là gọi Trung Quốc là bên thao túng tiền tệ và áp thuế nhập khẩu cao với hàng hóa nước này - động thái mà các chuyên gia cảnh báo có thể gây ra một cuộc chiến tranh thương mại.

BBC nhận xét hiện chưa rõ ông Trump sẽ đi xa đến đâu trong vấn đề này, khiến tương lai của thương mại tự do là điều khó đoán định.

Xem xét lại thỏa thuận hạt nhân Iran

Đối với Tổng thống Obama, thoả thuận hạt nhân Iran (xóa bỏ biện pháp trừng phạt chống lại Iran nhằm đổi lấy việc Iran đảm bảo sẽ không theo đuổi vũ khí hạt nhân) mang tính lịch sử. Nhưng đối với Donald Trump, đó là "thỏa thuận tồi tệ nhất mà tôi từng thấy".

Ông Trump nói rằng việc dỡ bỏ nó sẽ là "ưu tiên hàng đầu" nhưng không nói rõ ông muốn làm gì.

Giờ đây, chính quyền Trump đã tuyên bố xem xét lại toàn bộ chính sách của Mỹ đối với Iran, không chỉ việc Tehran có tuân thủ thỏa thuận hạt nhân hay không mà còn cả hành động ở Trung Đông, nơi họ là một bên chủ chốt trong cuộc chiến Syria. Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Iran sau khi nước này tiến hành một cuộc thử tên lửa đạn đạo.

"Iran đang đùa với lửa", Trump viết.

Theo Theo Vnexpress