5 trường hợp UFO giả mạo trong tài liệu không quân Mỹ

Trong hơn 20 năm, Không quân Mỹ điều tra và giải mã gần 13.000 báo cáo nhìn thấy vật thể bay không xác định (UFO), trong đó có trường hợp sử dụng kỹ thuật chụp ảnh hoặc chỉ là trò lừa bịp.

Dự án Blue Book của Không quân Mỹ được thực hiện trong giai đoạn 1947-1969, với con số thống kê 12.818 trường hợp liên quan. Sau nhiều năm đệ trình yêu cầu thu thập dữ liệu theo Luật Tự do Thông tin, John Greenewald, một người đam mê nghiên cứu UFO, đã đăng tải lên mạng tài liệu giải mật dài khoảng 130.000 trang từ Blue Book.

Trong hồ sơ của Không quân Mỹ, các chuyên gia chưa xác định 701 sự việc và nhận định nhiều trường hợp không phải UFO trên bầu trời.

1951 - New Zealand

Năm 1951, một nhiếp ảnh gia nói rằng đã chụp được hình ảnh đĩa bay khi đang chụp ảnh ngoại cảnh. Tuy nhiên, báo cáo này sau đó được xếp loại chỉ là một trò lừa bịp.

Các chuyên gia hình ảnh kết luận chiếc đĩa bay trên thực tế chỉ là đám mây có dạng thấu kính, không chuyển động, hình thành từ không khí ẩm tập trung trên cao.

1964 - Ohio, Mỹ

Hình ảnh được cho là nhiều đĩa bay xuất hiện trước một cái cây. Ảnh: news.com.au.

Ngày 31/10/1964, người quan sát tuyên bố chụp được nhiều đĩa bay kích thước nhỏ, bay lơ lửng trước một cái cây. Khu vực ghi nhận là làng South Charleston, bang Ohio, Mỹ. Báo cáo này không được giải thích.

Theo kết quả phân tích, các vật thể nhỏ này rất có thể được tạo ra từ chế độ phơi sáng phim trước khi lắp cuộn phim. Cũng có ý kiến cho rằng chúng là kết quả của hiện tượng phản xạ từ một nguồn ánh sáng khác biệt.

1965 - California, Mỹ

Một người đàn ông kể lại rằng anh ra nhìn thấy vật thể bay ở thành phố Santa Ana trong 15 giây và chụp được ba bức ảnh. Vật thể có đường kính 9 m. Ảnh được chụp qua cửa kính ôtô, từ vị trí cách xa khoảng 15 m.

Tương tự các trường hợp trên, sự việc này sau đó được nhận định là một trò đùa, và đó chỉ là một cái khay được ném tung lên không trung.

Một trong những bức ảnh được chụp ở Santa Ana, California, Mỹ, ngày 3/8/1965. Ảnh: AFSC.

1956 - California, Mỹ

Ngày 19/10/1956, tại khu vực Bostonia, một sinh viên xác nhận chụp được ảnh UFO khi đang làm dự án nhiếp ảnh.

Kết quả phân tích sau đó chỉ ra rằng nó được tạo ra bằng kỹ thuật phơi sáng kép, kết hợp một bức ảnh Mặt Trăng và một thiết bị chiếu sáng. Bên cạnh đó, có bằng chứng người chụp ứng dụng kỹ thuật dìm sáng, được sử dụng trong quá trình in để điều chỉnh độ phơi sáng của vùng ảnh được chọn.

1967 - Michigan, Mỹ

Theo lời hai nhân chứng, vật thể hình đĩa và có màu xám đen bay lơ lửng khoảng 10 phút ở tầm thấp, trước khi nhanh chóng bay đi. Các nhà điều tra không đủ dữ liệu và xác định trường hợp này không thể kiểm chứng, vì những người chụp ảnh từ chối cung cấp bản gốc.

Hình ảnh được cho là chụp vật thể có dạng đĩa, màu xám ở Michigan, ngày 9/1/1967. Ảnh: AFSC.

Theo Anh Hoàng

Theo VnExpress