5 lý do “hạt nhân Iran” khó có thể lặp lại ở Triều Tiên

Sự kiện Iran cùng 6 cường quốc hạt nhân đạt được thỏa thuận sơ bộ nhằm kiềm chế chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Tehran, đã làm dấy lên câu hỏi liệu chuyện tương tự có xảy đến với Triều Tiên?

Tờ Aljazeera cho hay theo thỏa thuận được công bố tại thành phố Lausanne của Thụy Sĩ hôm 2/4, các quan chức Iran cùng 6 cường quốc hạt nhân trên thế giới là Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nga và Trung Quốc đã đạt được một thỏa thuận ban đầu về chương trình hạt nhân của Iran đồng thời tiến tới xây dựng một hiệp ước chính thức trong vòng 3 tháng tới. 

Theo đó, Tehran đã đồng thuận giới hạn năng lực hạt nhân trong khi cộng dồng quốc tế xóa bỏ các lệnh cấm vận kinh tế áp đặt lên quốc gia này.  Cụ thể là, Iran sẽ cho giới hạn hoạt động tại nhà máy hạt nhân Natanz, giảm số lượng máy ly tâm, hạn chế làm giàu nguyên liệu hạt nhân và không làm giàu plutonium ở cấp độ vũ khí. 

Khác với Iran, Triều Tiên không mấy mặn mà tham gia các cuộc đối thoại hạt nhân.

Thỏa thuận hạt nhân mang tính lịch sử giữa Iran và 6 cường quốc hạt nhân đã làm dấy lên câu hỏi liệu rằng thế giới có thể áp dụng bước tiến này đối với Triều Tiên? 

Tuy nhiên, theo The Wall Street Journal, có 5 lý do ngăn thế giới đạt được một thỏa thuận hạt nhân với Bình Nhưỡng:

Triều Tiên đã có vũ khí hạt nhân

Một trong những mục tiêu trong bản thỏa thuận sơ bộ giữa Iran với 6 cường quốc là nhằm kéo dài khoảng thời gian phát triển một quả bom hạt nhân của Tehran. Theo lý thuyết, Iran có thể chỉ phải mất từ 2 - 3 tháng để cho ra đời một quả bom hạt nhân. Do đó, bản thỏa thuận sẽ kéo dài khoảng thời gian này thành một năm. Trong khi đó, lâu nay, Bình Nbưỡng đã sở hữu hơn chục loại vũ khí hạt nhân quy mô nhỏ.  

Triều Tiên muốn đảm bảo an ninh quốc gia

Lý do khiến Iran quyết định tiến tới một thỏa thuận hạt nhân sơ bộ là vì Tehran muốn cộng đồng quốc tế gỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế áp đặt với nước này. Còn với Triều Tiên, an ninh quốc gia mới là điều quan trọng nhất. Theo đó, nếu một bản thỏa thuận ra đời, chắc chắn, Triều Tiên sẽ đặt ra yêu cầu quốc tế phải đảm bảo sự an toàn cho bộ máy lãnh đạo quốc gia và khả năng các lực lượng quân sự của Mỹ phải rút khỏi Hàn Quốc. 

Ngoài ra, lâu nay, Bình Nhưỡng vẫn luôn coi chương trình hạt nhân quốc gia là một “thanh gươm báu” giúp quốc gia này chống lại những thế lực tấn công từ bên ngoài. 

Triều Tiên có nhiều cơ sở hạt nhân bí mật

Bản thảo thuận ký kết hồi năm 1994 giữa Mỹ và Triều Tiên liên quan tới việc đóng băng chương trình hạt nhân của quốc gia này đã bị phá vỡ do Bình Nhưỡng vẫn bí mật làm giàu uranium. 

Các chuyên gia Mỹ từng tới thăm nhà máy làm giàu uranium của Triều Tiên hồi năm 2010 cho rằng Bình Nhưỡng hiện vẫn đang vận hành nhiều cơ sở bí mật chưa từng công bố. Ngoài ra, Bình Nhưỡng cũng đã có lịch sử ngăn không cho giới giám sát viên của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hợp Quốc tới làm việc. 

Triều Tiên không mặn mà đàm phán 

Theo một số nguồn tin, trong những tháng gần đây, Mỹ đã có nhiều nỗ lực trong việc mời Triều Tiên tham gia vào các cuộc đàm phán hạt nhân sơ bộ. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng tỏ ra không mấy mặn mà. 

Hồi tháng Hai, một quan chức Hàn Quốc phụ trách vấn đề hạt nhân của Triều Tiên cho hay 5 quốc gia từng tham gia các cuộc đàm phán trước đây với Bình Nhưỡng đã đồng thuận tiến hành “các cuộc đối thoại mang tính thăm dò” nhưng tới nay, chưa có một động thái nào diễn ra. 

Mỹ ưu tiên giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran

Những hy vọng của Mỹ nhằm mở rộng đối thoại để làm dịu tình hình căng thẳng liên quan tới chương trình hạt nhân của Triều Tiên đã bất thành cùng sự sụp đổ của một hiệp ước mang tên “Thỏa thuận Ngày Nhuận” vào ngày 29/2/2012 sau khi Bình Nhưỡng cho phóng một quả tên lửa tầm xa. 

Trong khi đó, với những bước tiến ban đầu trong thỏa thuận hạt nhân sơ bộ với phía Iran, chắc chắn, chính phủ Mỹ sẽ nỗ lực tập trung tổ chức các cuộc đàm phán tới cùng nhất là tại thời điểm Tổng thống Mỹ Barack Obama sắp hết nhiệm kỳ.

Theo Theo infonet.vn