> Động thổ tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng
Nhất nước!
Ông Đinh Hài - Giám đốc Sở VHTT&DL Quảng Nam cho hay, dự kiến công trình tượng đài Bà mẹ VNAH đã đội lên con số 411,2 tỷ đồng- tức gấp 5 lần so với dự toán ban đầu. Điều này khiến dư luận đặt nghi vấn xung quanh việc xây dựng đài, và liệu có lãng phí hay không, với một tỉnh nghèo như Quảng Nam. Ông Hài giải thích: Đây không chỉ là công trình của tỉnh mà nó mang tầm vóc quốc gia.
Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý đưa công trình này vào danh sách công trình quốc gia, vì thế phải tính toán thật kỹ lưỡng, làm sao cho hoành tráng, xứng tầm với một biểu tượng của đất nước! Tượng lấy nguyên mẫu mẹ Thứ, nhưng giờ đây, tượng là biểu hiện cho gần 50.000 Bà mẹ VNAH cả nước. Du khách khắp nơi khi nhìn vào tượng, có thể nhìn thấy được cái hồn của mẹ Việt Nam.
Ông Lê Quốc Bảo - nhà phê bình mỹ thuật, nói: Tôi đi nhiều nơi, thẩm định và chiêm ngưỡng hàng chục tượng đài trong và ngoài nước, đây đúng là tượng đài Bà mẹ VNAH lớn nhất, hoành tráng nhất và cũng được đầu tư kinh phí nhiều nhất nước ta. Và cũng có thể, đây là một trong những công trình tượng đài lớn nhất của thế giới! Theo ông Bảo, số tiền ấy là xứng đáng, bởi trước nay, biểu tượng của Việt Nam cái gì cũng nhỏ bé. Với sự vĩ đại của người mẹ Việt Nam, nhất thiết phải làm một công trình lớn, hoành tráng.
Cùng ý kiến, nhà điêu khắc Phạm Hồng cho rằng, nếu làm hoàn hảo, đầy đủ hơn nữa như những ý kiến đóng góp của Hội đồng nghệ thuật, chắc chắn số tiền không dừng lại ở 411,2 tỷ.
“Ngay từ đầu, xem qua phác thảo ban đầu của tác giả Đinh Gia Thắng, tôi đã nói không ổn, nhưng anh Thắng bảo tỉnh duyệt 81 tỷ thì làm chừng đó. Sau nhiều cuộc họp, với sự góp ý, đội chi lên chừng đó là bình thường”.
Tượng đài Bà mẹ VNAH ban đầu cao 18m, dài 81m theo đường thẳng, dự toán kinh phí 130 tỷ (ban đầu 81 tỷ). Nhưng sau 3 lần phác thảo lấy ý kiến, tượng uốn cong, dài từ 81m lên 120m, cộng thêm thay đổi nguyên vật liệu, nhân công nen đội chi lên 411,2 tỷ.
Phương án còn mù mờ
Ông Đinh Hài cho hay, dự toán 411,2 tỷ nhưng kỳ thực, tỉnh Quảng Nam chưa cầm số tiền đó trong tay, mà phải làm từng giai đoạn, có tiền đến đâu làm đến đó. Đến thời điểm này, Trung ương hỗ trợ 50 tỷ, tỉnh Quảng Nam bỏ ra 20 tỷ, các tổ chức xã hội, cá nhân ủng hộ 11 tỷ. Như vậy còn cần hơn 300 tỷ để hoàn thành công trình này vào cuối năm 2013 như kế hoạch đề ra.
Các phóng viên hỏi: Nhỡ đâu Chính phủ không phê duyệt số tiền lớn như vậy trong thời điểm khó khăn chung hiện nay, đặc biệt cả nước đang quyết liệt cắt giảm đầu tư công? Vậy công trình có bị đình lại, hay vẫn tiếp tục ? Tiếp tục như thế nào?
Ông Nguyễn Văn Hàm – Phó GĐ Sở VHTT&DL, đáp: Tôi tin trung ương và các ban ngành vào đây xem xét sẽ phê duyệt ngay. Nếu không thể có số tiền đó, chúng tôi vẫn làm, nhưng quy mô sẽ khác, chất liệu sẽ khác. Có tiền thì làm đá hoa cương, không tiền thì xi măng cốt thép, rồi cắt giảm vật liệu, dùng những thứ rẻ tiền, rồi cũng xong hết!
Theo ông Hài, vì đây là công trình đặc biệt- bảo tàng trong tượng đài nên giá cao. Riêng phần tượng tốn 240 tỷ, số còn lại là giá nhân công, xây nhà, trượt giá... Ông Lê Quốc Bảo cho rằng, có xứng đáng với số tiền 411,2 tỷ hay không, hãy đợi hoàn thành rồi mới nhận xét. Hãy đợi đến sự đánh giá của dư luận, của các ban ngành, của hiệu quả về kinh tế du lịch, đặc biệt là về tầm ảnh hưởng tâm linh, mang tầm vóc vĩ đại của một biểu tượng thì mới thấy, số tiền đó có xứng đáng hay không.
“Tiền quan trọng, nhưng không thể đo được bằng giá trị nghệ thuật, giá trị tâm linh. Chúng ta nhất thiết phải làm công trình có sự chiếm lĩnh không gian hoành tráng như thế này” - ông Bảo nói.
Ông Hài cho hay, dù Quảng Nam đang nghèo, nhưng với một công trình có ý nghĩa tầm quốc gia, lãnh đạo tỉnh cũng rất thận trọng, bàn bạc kỹ mới dám quyết định làm, với sự giúp sức của Trung ương và rất mong được sự ủng hộ của dư luận.
Lúc đầu, phác thảo của tôi là đơn giản hơn bây giờ nhiều, chủ yếu tập trung vào tượng người Mẹ. Sau này, quá nhiều ý kiến đưa ra, tôi cũng phân vân lắm vì tiền quá ít. Khi thay đổi hình mẫu, làm đá granit thay vì sa thạch, rồi thêm nhiều công trình phụ trợ, tôi cũng lo. Với số tiền 411,2 tỷ, nói lãng phí hay không thì tôi không thể trả lời được. Các Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài Chính... đã tính toán kỹ rồi”. Họa sĩ Đinh Gia Thắng- tác giả phác thảo công trình phân trần