Chúng tôi đến nhà cha con “người rừng” Hồ Văn Thanh và Hồ Văn Lang ở thôn Trà Nga, xã Trà Phong (huyện Tây Trà, Quảng Ngãi) khi chỉ còn mấy ngày nữa là Tết Nguyên đán. Nhà anh cách trung tâm hành chính huyện không xa lắm.
Phó Chủ tịch huyện Hoàng Như Lâm dẫn chúng tôi đến trước ngôi nhà mới còn mùi vôi, nói: “Nhà của một đơn vị tài trợ xây cho hai cha con tranh thủ làm xong trước Tết đó”.
Dường như đã quen với những đoàn khách ghé thăm nhà, thấy chúng tôi đến, anh Hồ Văn Tri, em trai anh Hồ Văn Lang trải tấm chiếu tinh tươm ra giữa nhà tiếp khách. Câu chuyện xoay quanh chủ đề Tết bên ly trà ấm xua tan cái giá lạnh ngày mùa đông trên núi cao.
Không biết tiếng Kinh, anh Lang tóm tém miếng trầu đỏ miệng, nhoẻn nụ cười bẽn lẽn thay lời chào. Nhờ anh Tri làm “phiên dịch viên”, chúng tôi hỏi: “Anh Lang có biết Tết là chi không?”.
Người rừng Hồ Văn Lang nói chưa từng biết Tết. 40 năm trước, kể từ khi bị người cha trong cơn hoảng loạn giữa bom đạn chiến tranh ôm chạy vào rừng sâu, anh Lang mới là một đứa trẻ còn ẵm ngửa trên tay. Bởi vậy cả đời anh chưa một lần có khái niệm Tết Nguyên đán.
Trong nhận thức của “người rừng” Hồ Văn Lang, chỉ có một cái Tết là Tết ngả rạ của người đồng bào Cor (một trong những lễ lớn của người Cor thường tổ chức vào khoảng tháng 10 âm lịch-PV).
Anh Lang nói với giọng thỏ thẻ ngượng nghịu kể chuyện cha bày mâm cúng trong ngôi nhà trên cây giữa rừng có cả cơm nếp, bánh ống, thịt chuột. Hỏi cha thì được cha cho biết đó là mâm cơm cúng Tết ngả rạ của người Cor mình.
Suốt từ đầu buổi ngồi lặng lẽ co ro ở một góc nghe chúng tôi chuyện trò, nghe con kể tới đây, cụ Hồ Văn Thanh bất giác quay sang nhìn con cười trìu mến.
Anh Tri kể, mấy hôm trước đã dẫn cha và anh trai ra chợ xã mua áo mới mặc Tết. Anh Lang vui lắm; riêng cụ Thanh thì vẫn lặng lẽ nhớ rừng.
"Người rừng" Hồ Văn Lang biểu hiện sớm hòa nhập với cộng đồng.
Ai cũng nói anh Lang giỏi làm ruộng, trồng keo, hái lồ ô.
Chúng tôi theo chân hai anh em ra tận nương rẫy, chứng kiến anh Lang bỡ ngỡ với cuộc sống mới giữa cộng đồng nhưng rất thạo việc làm ruộng, trồng keo, hái lá lồ ô…
Cũng nhờ lên nương rẫy cùng em trai làm lụng với người làng mà anh Lang chóng hòa nhập với cộng đồng. Anh Tri chia sẻ, Tết này gia đình sum vầy, lại được nhiều người cho gạo, gia đình anh sẽ cố lo một cái Tết thật đủ đầy.