Bước vào địa điểm tổ chức là phòng rộng thênh của khách sạn Willard inter-continental đã thấy Thủ tướng Phan Văn Khải, Phó Thủ tướng Vũ Khoan và một số Bộ - Thứ trưởng cùng vài thành viên của đoàn chĩnh chiện trong những bộ đồ lớn. Thoáng cảm giác có lỗi khi ngó lại bộ đồ tàu tàu của mình.
Tất cả các thành viên báo chí tháp tùng đều có mặt.
Cao niên là cụ Phạm Khắc Lãm, nguyên GĐ Đài THVN, đương đảm chức Tổng biên tập Tạp chí Việt Mỹ. Nguyễn Đỗ Cường, Thế Thuần (TTXVN), Đăng Học, Ngọc Tuấn (Đài THVN), Hoài Thu (Đài TNVN) Xuân Thùy (báo Nhân Dân), Hồ Quang Lợi (Báo Hà Nội mới), Trường Sinh, Minh Tú ( Đài TH TPHCM), Phạm Thị Thục (Báo Sài Gòn giải phóng), Nguyễn Anh Tuấn, Đoan Trang (Vietnamnet), Võ Như Lanh (Báo Tuổi trẻ), Lưu Vinh (Báo Công an ND), Nguyễn Quang Thông (báo Thanh Niên)… tổng cộng gần 20 nhà báo cả thảy.
(Khi biên cụ thể danh sách các đồng nghiệp ra như thế, không khỏi có cảm giác ngậm ngùi,… Bởi 15 năm qua, nhiều người đã thành đạt trở thành những quan báo này khác. Và vài người đã khuất núi!).
Đổng lý văn phòng Chính phủ Đoàn Mạnh Giao vui vẻ mở đầu, ngày hôm nay, Thủ tướng và các thành viên trong đoàn đến chúc mừng các nhà báo tháp tùng chuyến thăm Hoa Kỳ nhân ngày báo chí Việt Nam. Trong cái cười vui vẻ đủ mọi cung bậc, tôi loáng thoáng nghe có ai đó nói vui rằng Chính phủ chủ trì, còn Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh (thành viên đoàn thăm) chủ chi. Cụ Phạm Khắc Lãm ghé nhỏ sang tôi rằng có lẽ trong đời cầm viết, chưa khi nào ông được dự cái ngày 21 tháng 6 mà lại xôm tụ dường này. Sự có mặt của Thủ tướng, Phó Thủ tướng với nhiều Bộ trưởng và quan chức cao cấp đã nói lên tất cả. Mình thì già rồi nhưng các ông phải coi đây là thứ thử thách để báo chí nước mình phải gắng gỏi nhiều thứ trong đó có việc vươn lên tầm quốc tế nữa đấy nhá... Cứ như là cụ đang thay mặt các nhà báo phát biểu tổng kết?
Ngày hôm sau, sẽ là một ngày trọng đại của chuyến thăm, Thủ tướng Phan Văn Khải sẽ ngồi cùng Tổng thống Bush tại Nhà Trắng. Đang phải có biết bao thứ cần bàn soạn, thế mà Thủ tướng vẫn đến.
Nếu không có những anh bồi da đen sắc phục mũ áo trắng toát phục vụ và qua làn kính trong vắt kia, đang rực lên các kích cỡ đèn đêm của mấy cao ốc của Washington kế cận thì có hao hao cảm giác đang ngồi ở một phòng họp báo nào đó ở Hà Nội mà nghe Thủ tướng với cái nhìn cởi mở xuống các cử tọa với âm sắc trầm và vang của một bài nói chuyện không chuẩn bị trước. Tôi hiểu Thủ tướng đang hướng về phía hơn mười mấy ngàn nhà báo Việt Nam đang hành nghề trong nước và cả nước ngoài chứ không riêng mười mấy anh em chúng tôi.
Rằng những thông tin mà Thủ tướng đang chia sẻ kia là với cộng đồng đông đảo các nhà báo, phải lấy cái tâm mà ứng phó mà làm quy chuẩn trong việc hành nghề. Nhiều yếu tố làm nên sự hấp dẫn của báo chí, trong đó có điều tra chống tiêu cực, Đảng - Chính phủ khuyến khích nhân dân mong đợi nhưng phải chính xác phải công tâm. Phải có cái tâm trong sáng để đánh tiêu cực và ngay trong biểu dương cái tích cực phải luôn thường trực chữ Tâm. Có thế mới không vô tình lẫn hữu ý trở thành công cụ cho cái tiêu cực và biến thành công cụ cho nội bộ phe phái đấu đá nhau mượn báo chí để mà thanh trừng.
Dũng cảm - cảnh giác - công tâm, đó là tố chất luôn đeo bám các nhà báo trong hành nghề và suốt cả cuộc đời làm báo... Và gì nữa, Thủ tướng cười, nhân văn nhân bản nhưng cũng phải hết sức thận trọng khi viết về đời tư. Chuyện đời tư của chính khách các văn nghệ sĩ các yếu nhân... phải thận trọng bởi không sẽ sa đà vào việc câu khách gợi mở thị hiếu tò mò thấp hèn và phạm luật báo chí.
Ngồi ở xứ người tít tắp mà có cảm giác đang ngồi ở nhà bởi những việc mà Thủ tướng đang nói kia là thứ sát sườn? Bay bổng trên chín tầng giời hay xa đất nước hàng chục ngàn cây số mà những bộn bề dưới mặt đất và tít tận bên nước kia luôn bận bịu, níu kéo?
Thủ tướng xin phép về trước để nhường lời cho Phó Thủ tướng Vũ Khoan. Có lẽ đọc được tâm trạng hơi bị sốt ruột của các nhà báo về cuộc Hội đàm ngày mai ở Nhà Trắng nhưng chất giọng của Phó Thủ tướng cứ nhẩn nha… Rằng những nội dung cốt yếu của chuyến thăm đã được các cơ quan hữu trách của cả hai bên bàn soạn kỹ càng và đi đến nhất trí. Rằng cái khung cho một Tuyên bố chung đã được sự hoàn tất của cả hai bên.
Chẳng hạn Hoa Kỳ và Việt Nam coi nhau là đối tác làm ăn cơ bản lâu dài, tôn trọng lẫn nhau bình đẳng cùng có lợi... Hoa Kỳ coi vai trò của Việt Nam có vị thế quan trọng ở khu vực Đông Nam Châu Á. Hoa Kỳ cam kết và ủng hộ mạnh mẽ Việt Nam vào tổ chức WTO. Những vấn đề cơ bản khác như thuế, các hình thức dịch vụ hai bên đã thỏa thuận gần xong. Các vấn đề cơ bản của một Hiệp định khung như mở nguồn vốn ODA, nông nghiệp, vấn đề con nuôi, hàng hải... cũng đã hoàn tất.
Bữa cơm có bia lẫn rượu. Nhưng để ý chỉ vài anh nhấp gọi là. Bởi tất tật ai cũng đang khư khư cái Laptop. Tin tức thu lượm cùng việc săn tìm ráo riết mấy ngày qua phục vụ cho bài vở truyền về nhà lúc này là mục đích tối thượng. Chưa thấy cuộc liên hoan nào dịp 21-6 mà thấy các thực khách ký giả lại thờ ơ với các thứ đồ uống như vậy?
Về phòng, tôi mở máy hí húi gõ bài để truyền về nhà những tin tức cần thiết thì đã ba giờ sáng! Ba giờ sáng Washington D.C là tầm ba giờ chiều của một ngày mới xứ mình. Và cũng là giờ thuận tiện cho cánh thư ký toà soạn bên nhà xử lý bài vở.
Tôi toát mồ hôi khi nhận ra cái jắc cắm Internet trong phòng lại không tương thích với ổ cắm trong máy tính xách tay tôi mang từ nhà đi! Trời ơi, tầm ba giờ sáng này, quầy Busenis Center (B.C) của khách sạn ở tầng trệt chẳng còn làm việc nữa? Thôi cũng đành liều xuống xem sao.
Tôi ấn thang máy xuống tầng trệt. Nhấn liên tục nhưng cánh cửa thép cứ im lìm lìm... Giật bắn cả người khi ngay bên tai có một chất giọng ồm ồm. Thì ra một nhân viên an ninh đen sì, com lê cà vạt chĩnh chiện không biết ngả nào chui ra. Hồi chặp tối tới đây mỗi tầng như thế đều có ba, bốn nhân viên an ninh làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh cho đoàn. Mỗi cửa thang máy như thế đều có người đứng.
Anh nhân viên an ninh đưa tôi xuống tận quầy Busenis Center. Báo hại anh phải tìm người trực mất một lúc. Ở đây cứ như trích đoạn của một trung tâm báo chí quốc tế vậy. Rộng rinh. Các màn hình thứ to thứ vừa vừa, thứ nhỏ tuỳ theo sở thích của các loại khách. Internet tốc độ cao nên chỉ hơn nửa tiếng tôi đã truyền được bài về Hồ Xuân Hương.
... Hóa ra trong lúc tôi kỳ cạch, cụ Lãm cùng phòng tận giờ này vẫn chưa ngủ. Tôi ân hận ngỏ ngay cái việc xin lỗi cụ chắc do âm thanh lạch xạch của bàn phím, cộng với khói thuốc lào đã quấy phiền cụ và ngỏ ý hay là từ mai tôi xin đổi sang phòng khác… Cụ cười không sao không sao, cậu cứ ở với tôi. Một lát im lặng rồi lại vóng sang giường tôi cái chất giọng tỉnh rụi ... Hồi tối nghe ông Khoan mình thấy lạ cậu ạ... Lúc mới tới đây, không nói ra nhưng tớ cứ nghĩ khó mà ra được cái Tuyên bố chung bởi cái ông Hoa Kỳ thường chỉ có Tuyên bố chung với những đồng minh thân cận của mình...
(Điều cụ Lãm cùng chúng tôi hồi chiều thấp thỏm, ngày hôm sau đã không diễn ra và được thực hiện bởi những hanh thông may mắn của chuyến đi).
Thấy mình quá may mắn khi được hành nghề cùng cụ trong chuyến đi xa như thế này. Riêng cái việc nghiên cứu, việc viết về nước Mỹ của cụ đã tiến hành từ cái hồi lứa tôi chưa học… vỡ lòng!
Tôi có biết ông nhà báo cộm cán Hoàng Tùng rất khen một cuốn sách của cụ Lãm và thân viết lời bạt cho cuốn Nước Mỹ trong chiến tranh xâm lược Việt Nam, một cách nhìn của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia.
Ông Hoàng Tùng viết thế này.
Trong số hơn 7.000 đầu sách của nhiều tác giả trên thế giới viết về cuộc chiến tranh có phần khó hiểu của Mỹ ở Việt Nam, cách nhìn từ Hà Nội về nước Mỹ của Phạm Khắc Lãm là cách nhìn khách quan phản ánh cách nhìn chung của người Việt Nam về Hoa Kỳ. vv…
Không hổ danh người con trai của cụ Đổng lý văn phòng triều Nguyễn Phạm Khắc Hòe, tốt nghiệp trường báo chí Bắc Kinh, từng là Vụ trưởng một Vụ lớn ở Ban Tuyên huấn TW thông thạo tiếng Anh Trung Pháp. Từng là chuyên gia nghiên cứu về Mỹ và phương Tây mãi sau mới ở chức GĐ Đài truyền hình rồi Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội người Việt ở nước ngoài, Tổng Biên tập Tạp chí Việt Mỹ bây giờ.
(Hôm sau ở khách sạn Wardotf Astoria của New York, có 2 người Mỹ đã luống tuổi đến thăm cụ Lãm. Sau mới biết cụ ông chính là Seymour Topping, một cây viết lừng danh nguyên Tổng Biên tập tờ New York Times kiêm Chủ tịch Giải thưởng Pulittzer. Còn bà vợ là phóng viên ảnh của tờ ấy. Cụ quen vợ chồng họ dịp cả hai sang Việt Nam có chuyến công cán. Khách của cụ suốt chuyến đi Mỹ không nhà báo thì là học giả tiếng tăm của xứ Hoa Kỳ!).
Giấc ngủ lệch múi giờ chả chịu đến. Tôi đâm tỉnh hơn khi chất giọng nhẩn nha từ giường bên… Cụ Lãm đang rủ rỉ về cái duyên khi trục trặc khi hanh thông của mối quan hệ Việt Mỹ. Về một ông Bùi Viện dưới triều Tự Đức từng mất hàng tháng để chờ yết kiến Tổng thống Mỹ là Abraham Lincon và đã thất bại ra sao. Chuyện Cụ Hồ làm bồi tàu, việc Cụ đến Tượng Nữ Thần Tự Do, chuyện Cụ hơn hai năm ở tầng hầm khách sạn Omni Parker House ở Boston. Ta cứ hay chăm chắm vào cái căn cước đời sống và quên mất cái căn cước văn hóa của Cụ Hồ. Mục đích của Cụ không chỉ kiếm sống mà ở môi trường ấy được gặp được học nhiều điều. Hai địa danh nổi tiếng ấy trong chuyến đi Mỹ này chúng mình sẽ tranh thủ mà đến. Mình muốn các cậu nên giương nên mở hết các chiều kích thính nhạy của cái nghề ký giả mà thu nhận...
Tôi khẽ ướm kéo cánh rèm cửa sổ. Ánh ngày một buổi bình minh Washington DC đã chan hòa.
Một ngày mới xứ người đã bắt đầu. Ngày 21/6/2005. Chỉ lát nữa thôi, cụ Lãm và cánh báo chí chúng tôi được vô Nhà Trắng để chứng kiến ông tổng thống thứ 34 của Hoa Kỳ và Thủ tướng Phan Văn Khải khẳng định trước bàn dân thiên hạ một vận hội mới cho nước Việt...