20 năm Mỹ ‘sa lầy’ tại Afghanistan

TPO - Việc các lực lượng Mỹ hoàn toàn rời khỏi Afghanistan ngày 30/8 đánh dấu sự kết thúc của gần 2 thập kỷ can thiệp quân sự của nước ngoài vào quốc gia Nam Á này, để lại dấu vết của sự tàn phá và lãng phí khó có thể lường hết được.

Các chuyến vận tải quân sự cuối cùng của Mỹ đã rời sân bay Hamid Karzai vào cuối ngày thứ Hai, ngay trước thời hạn rút quân hoàn toàn vào ngày 31/8. Các phương tiện truyền thông mô tả cuộc xung đột ở Afghanistan là sự bế tắc kéo dài gần hai thập kỷ, tiêu tốn tới hơn 2.000 tỷ USD và hứa hẹn những bất ổn và nghiệt ngã trong tương lai.

85 tỷ USD vũ khí và thiết bị của Mỹ rơi vào tay Taliban

Các chiến binh Taliban ở Kabul, Afghanistan. Ảnh: AP

Theo Nghị sĩ Jim Banks, do "sự sơ suất" của chính quyền Tổng thống Joe Biden, Taliban đang sở hữu 75.000 phương tiện, hơn 200 máy bay và trực thăng, 600.000 vũ khí hạng nhẹ cũng như kính nhìn đêm và áo giáp do Mỹ sản xuất.

Nghị sĩ này ước tính những thiết bị quân sự mà Mỹ để lại ở Afghanistan có tổng trị giá khoảng 85 tỷ USD, nhưng một số người cho rằng con số này cao hơn nhiều.

Ít nhất 47.000 dân thường thiệt mạng

Hiện trường vụ không kích của Mỹ ở Kabul. Ảnh: Reuters

Dự án Chi phí Chiến tranh của Đại học Brown đã tính toán rằng ít nhất 47.000 người Afghanistan đã thiệt mạng trong cuộc chiến kéo dài gần 20 năm. Ngay cả khi giao tranh đã dừng lại, người ta vẫn còn cảm nhận được hậu quả của cuộc xung đột: những quả bom mìn chưa nổ sót lại từ cuộc chiến vẫn có thể tiếp tục làm bị thương và giết hại dân thường, đặc biệt là trẻ em. Chiến tranh cũng đã làm trầm trọng thêm tác động của sự nghèo đói, điều kiện vệ sinh kém và thiếu chăm sóc y tế ở quốc gia Nam Á này.

Gần 6 triệu người Afghanistan phải dời khỏi quê hương

Cuộc xung đột do Mỹ dẫn đầu ở Afghanistan đẩy thế giới rơi vào một cuộc khủng hoảng người tị nạn nghiêm trọng. Tại quốc gia có 38 triệu dân, khoảng 5,9 triệu người Afghanistan đã phải rời khỏi quê hương hoặc phải chạy trốn khỏi đất nước kể từ khi chiến tranh nổ ra vào tháng 10/2001.

Chỉ trong ba năm qua, hơn 395.800 người Afghanistan đã phải rời khỏi nơi cư trú, theo số liệu của chính phủ Afghanistan công bố vào đầu tháng 7.

Hơn 2.400 quân nhân Mỹ thiệt mạng và 20.000 người bị thương

Quan tài phủ cờ của các thành viên quân đội thiệt mạng được đưa lên máy bay vận tải tại sân bay Kabul, Afghanistan vào ngày 27/8/2021. Ảnh: Reuters

Số liệu thống kê của Mỹ cho thấy hơn 2.400 binh sĩ nước này thiệt mạng, trong khi 20.000 người khác bị thương kể từ khi Mỹ đưa quân đến Afghanistan.

Khoảng 3.800 nhà thầu tư nhân đã chết trong cuộc chiến tranh 20 năm. Hơn 1.100 thành viên quân đội đồng minh, bao gồm cả những người từ các quốc gia NATO, cũng không thể trở về.

Ít nhất 64.000 quân đội và cảnh sát Afghanistan thiệt mạng

Lực lượng cứu hỏa cố gắng dập tắt một xe cảnh sát bị trúng bom từ trường ở Kabul, Afghanistan. Ảnh: Reuters

Hơn 64.000 thành viên của Quân đội Quốc gia Afghanistan (ANA) do Mỹ huấn luyện và lực lượng cảnh sát của nước này đã thiệt mạng trong chiến tranh.

Hàng nghìn quả bom và đạn dược của Mỹ ném xuống Afghanistan

Máy bay B-52H Stratofortress đang thả bom. Ảnh: Reuters

Khi cuộc chiến bước vào những năm cuối cùng, quân đội Mỹ đã tăng cường mạnh mẽ chiến dịch ném bom ở Afghanistan. Năm 2019, các máy bay chiến đấu của Mỹ đã thả 7.423 quả bom và các loại bom, đạn khác xuống đất nước này, tăng gần gấp tám lần so với năm 2015.

Hàng trăm nghìn ha cây thuốc phiện

Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, sản lượng thuốc phiện của Afghanistan ước đạt 6.300 tấn vào năm 2020. Năm đó, tổng diện tích trồng cây thuốc phiện ở Afghanistan ước tính đạt 224.000 ha, tăng 37% so với năm 2019. Afghanistan một lần nữa đứng đầu thế giới nguồn cung cấp cây thuốc phiện hàng đầu. Dưới sự cai trị của Taliban, mùa màng đã gần như bị xóa sổ hoàn toàn vào tháng 5/2000.

Những kẻ trục lợi từ chiến tranh

Với hơn 2.000 tỷ USD đổ vào cuộc chiến ở Afghanistan, đã xuất hiện nhiều nhà thầu Mỹ trục lợi từ cuộc chiến kéo dài 20 năm này.

Năm 2007, Không quân Mỹ đã trả 18 triệu USD cho một công ty tư nhân để xây dựng doanh trại tại Trại Phoenix, một cơ sở quân đội ở Afghanistan. Một nhà thầu phụ của công ty này đã khấu trừ lương của công nhân và sau đó đã bỏ trốn khỏi đất nước với số tiền 2 triệu USD. Các công nhân nhà máy này đã quyết định tự trả lương bằng cách lấy đi máy phát điện và các vật liệu khác lấy từ trại quân sự. Sự chậm trễ dẫn đến việc hàng trăm binh sĩ NATO không có đủ nhà ở trong hơn một năm.

Đây chỉ là một trong hàng chục trường hợp tương tự. Vào năm 2019, một tố giác tuyên bố rằng một công ty quốc phòng, Navistar Defense, đã lừa Lầu Năm Góc 1,3 tỷ USD bằng cách chi quá mức cho Thủy quân lục chiến đối với các thành phần của các phương tiện được bảo vệ chống mìn (MRAP) được sử dụng bởi quân đội Iraq và Afghanistan.

Ảnh: Thủy quân lục chiến Mỹ