Năm 1997, chị Phạm Thị Hằng bắt đầu tham gia hoạt động tình nguyện vì trẻ em khuyết tật ở Việt Nam, giúp các em phục hồi khả năng vận động và tự tin hòa nhập vào cộng đồng. Mỗi năm, chị Hằng và những người bạn có mặt hầu khắp mọi nẻo đường từ thành thị đến nông thôn tìm kiếm những hoàn cảnh các trẻ khuyết tật bẩm sinh như hở hàm ếch, khuyết tật về cơ xương khớp, biến dạng chân tay… để tìm cách hỗ trợ và đưa các trẻ đi phẫu thuật. “Trung bình mỗi năm chúng tôi có thể giúp được 30 – 60 trẻ được phẫu thuật chỉnh hình tái tạo và phục hồi một phần khả năng vận động cho các cháu”, chị Hằng nói.
Trong một lần về Thanh Hóa, chị Hằng bắt gặp hình ảnh một bé trai bị bỏng nặng và biến dạng tay chân đang chơi đùa với bạn. Chị Hằng được chị Lê Thị Hoa, mẹ của bé trai có tên Đào Ngọc Minh, sinh năm 2006, bị tai nạn năm 6 tuổi khi đứng chơi gần đống rơm đang cháy, chia sẻ về tình trạng của cháu.
Hình ảnh của cậu bé thôi thúc chị Hằng phải hành động và giúp đỡ để cháu sinh hoạt và hòa nhập vào cộng đồng.
“Nhiều đêm trằn trọc cứ nghĩ về đứa bé đi lại khó khăn, bị bỏng nặng và hoại tử phải tháo khớp, khắp người bị bỏng mà lòng tôi cứ nghẹn lại”, chị Hằng tâm sự. Sau đó, vợ chồng chị Hằng quyết định sẽ giúp bé tối đa bằng chính nguồn lực của mình. Chị đưa Minh đi phẫu thuật vào tháng 7/2014 với nguyện vọng giúp cháu có thể đi lại được dễ dàng hơn. Mới đây, một tổ chức thiện nguyện ở Pháp đồng ý tài trợ chi phí phẫu thuật và đưa Minh sang Pháp điều trị, phẫu thuật phục hồi chức năng vận động và phẫu thuật thẩm mỹ.
Theo chị Hằng, cháu Đào Ngọc Minh đã lên đường sang Pháp để điều trị từ 3 - 6 tháng từ đầu tháng 4. “Tôi chỉ mong sao nụ cười của cháu sẽ được toàn vẹn hơn”, chị nói.
Kể về kỷ niệm trong quãng thời gian từ thiện gắn bó vì trẻ em khuyết tật ở Việt Nam chị luôn canh cánh về những phận đời, những trẻ em khuyết tật ở những vùng sâu vùng xa hẻo lánh. “Mình chỉ mong được đi nhiều, được biết thêm nhiều trường hợp trẻ em bị khuyết tật để có thể giúp các em. 18 năm rồi, mình không nhớ đã giúp được bao nhiêu trẻ, chỉ biết khi một em được giúp đỡ thành công là tiếp thêm một động lực để mình hăng hái với công việc thiện nguyện phía trước”, chị Hằng tâm sự.
Chia sẻ về động lực đến với công việc tình nguyện, chị Hằng cho biết mình được gia đình giúp sức rất nhiều. Đặc biệt là từ người chồng, anh Malski Richad-quốc tịch Pháp sinh sống tại Việt Nam. “Anh ấy luôn đứng sau ủng hộ và giúp đỡ tôi trong công việc tìm kiếm và hỗ trợ trẻ em khuyết tật. Đôi khi những ca mổ phức tạp cần sang Pháp để thực hiện, anh là người tạo điều kiện xin visa nhờ vào Lãnh sự quán Pháp ở Việt Nam”, chị Hằng chia sẻ.