62 năm báo Tiền phong ra số đầu tiên (16/11/1953 - 16/11/2015)

16 năm đeo 2 vụ án

TP - Từ năm 2000 đến nay, tôi (bút danh khác là Huy Anh, Nhuệ Giang) và phóng viên Hồ Việt Khuê (bút danh khác là Nguyễn Huỳnh, Nguyễn Hồng Liêm, Phương Thảo) đã viết rất nhiều bài báo, vạch ra sự sai trái trong việc điều tra, xét xử các bị can trong vụ án vườn điều và vụ Huỳnh Văn Nén.  
Phóng viên Nguyễn Đình Quân và phóng viên Hồ Việt Khuê (thứ nhất và thứ 3 từ trái sang) cùng các đồng nghiệp và luật sư ngày 12/3/2005, sau khi bản án sơ thẩm (lần 2) vụ án vườn điều bị tuyên hủy.

Chứng minh nạn nhân không thể viết “lá thư định mệnh”

Cuối tháng 1/2000, giáp Tết Canh Thìn, cố Tổng Biên tập báo Tiền Phong Đinh Văn Nam (khi đó đã nghỉ hưu nhưng vẫn giúp việc cho Ban bạn đọc của báo Tiền Phong) gửi cho tôi một tập hồ sơ vụ bà Dương Thị Mỹ bị chém chết đêm 18 rạng ngày 19/5/1993 ở thôn 2, xã Tân Minh (nay là thị trấn Tân Minh, Hàm Tân, Bình Thuận), sau này được gọi là vụ án vườn điều. 

Từ tháng 12/1998, đã có 9 người thuộc 3 thế hệ trong một gia đình ở xã Tân Minh bị khởi tố, trong đó 6 người bị bắt giam do bị nghi tổ chức giết bà Mỹ. Bị can thứ mười trong vụ án này là Huỳnh Văn Nén, bị bắt giam ngày 17/5/1998 do bị coi là thủ phạm giết bà Lê Thị Bông ở thôn 2, Tân Minh đêm 23/4/1998. Trong trại giam, ông Nén khai rằng, đã cùng nhiều người trong gia đình bên vợ giết bà Mỹ, từ đó Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Bình Thuận phục hồi điều tra vụ án vườn điều, vốn đã bị đình chỉ điều tra ngày 22/9/1993…

Khi đó, tôi đang là phóng viên thường trú tại tỉnh Phú Yên, tỉnh Bình Thuận cách Phú Yên khoảng 400km, không phải địa bàn của tôi. Tuy nhiên, trong tập hồ sơ có cả bút phê của Tổng Biên tập Dương Xuân Nam “nhắn tin, chuyển đồng chí Quân xem xét”, cho thấy sự tin cậy của lãnh đạo báo đối với tôi. Sáng thứ Hai 14/2/2000, vừa qua Tết mấy ngày, tôi vào Tân Minh.    

Theo kết luận điều tra (KLĐT), án mạng có nguồn gốc từ việc ông Trần Văn Sáng có quan hệ tình ái với bà Dương Thị Mỹ. Khoảng 9 giờ ngày 18/5/1993, vợ ông Sáng là bà Nguyễn Thị Nhung giặt đồ, thấy trong túi quần ông Sáng mảnh thư ghi: “Mỹ muốn gặp anh Sáng vào 1 giờ đêm nay tại vườn điều ông Hai Hoàng”. Đêm đó bà Nhung cùng mẹ, hai con trai, hai em trai, hai em gái và em rể là Huỳnh Văn Nén đi phục ở vườn điều… Ông Sáng, cô Huỳnh Thị Ngọc Hạnh, con gái bà Mỹ và ông Nguyễn Thận, Chủ tịch UBND xã Tân Minh đều nói bà Mỹ không biết chữ. Ông Thận còn nêu một nghi vấn về động cơ giết bà Mỹ, vì đêm 18/5/1993 chính là đêm trước ngày TAND huyện Hàm Tân xử vụ ly hôn của vợ chồng bà Mỹ. Trong khi đó, KLĐT và bài “Qua 6 năm truy tìm thủ phạm” do một sĩ quan công an viết, đăng trên báo Bình Thuận ngày 3/12/1999 nêu khá chi tiết quá trình điều tra vụ án vườn điều nhưng không nêu việc bà Mỹ mù chữ, còn ngày Tòa xử vụ ly hôn của vợ chồng bà Mỹ là ngày 23/5/1993. Có căn cứ nào để khẳng định bà Mỹ không biết chữ, Tòa xử ly hôn ngày nào? Đầu giờ chiều ngày 14/2/2000 tôi bắt xe ôm đến TAND huyện Hàm Tân, xin đọc hồ sơ vụ ly hôn của bà Mỹ.

Theo quyết định số 03/TA ngày 3/5/1993 của TAND huyện Hàm Tân, vụ ly hôn của vợ chồng bà Mỹ sẽ được xét xử lúc 13 giờ ngày 19/5/1993. Trong biên bản lấy lời khai ngày 9/2/1993, bà Mỹ khai không biết chữ, bà là người chủ động đòi ly hôn. Ở chỗ chữ ký của bà Mỹ là dấu lăn tay đỏ chót! Có thể khẳng định bà Mỹ không thể viết thư hẹn hò, vì bà không hề biết chữ.

Vạch trần nhân chứng giả

Từ ngày 7/3/2001 đến ngày 6/8/2004, đã có 2 phiên tòa xét xử sơ thẩm, 2 phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án vườn điều. Từ ngày 9/3/2005 đến ngày 11/3/2005, vụ án vườn điều được xét xử phúc thẩm lần 3, với nhân chứng mới là Trần Thị Kim Yến. Bà Yến khai viết thư hẹn ông Sáng giùm bà Mỹ 20 ngày sau khi sinh đứa con thứ ba là N.T., nhưng bà không trưng ra được văn bản xác thực ngày sinh cháu N.T. Do còn nhiều vấn đề trong vụ án chưa được làm rõ, hội đồng xét xử phiên tòa phúc thẩm (lần 3) tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm (lần 2), giao hồ sơ cho cấp sơ thẩm điều tra lại từ đầu.

Nghi ngờ về nhân chứng Kim Yến, tôi đến xã Diên Thọ (Diên Khánh, Khánh Hòa), nơi gia đình bà Yến đang tạm trú. Cán bộ UBND xã nói, không có giấy tờ gì về ngày sinh của cháu N.T. Không chịu bó tay, tôi tìm đến trường THCS Nguyễn Huệ ở xã Diên Phước (Diên Khánh), nơi cháu N.T. đang học. Giấy khai sinh của cháu N.T. lưu tại đây cho biết, cháu sinh ngày 12/3/1993, hơn 2 tháng trước ngày xảy ra vụ án vườn điều, không phải 20 ngày như bà Yến khai. Nhân chứng bị vạch trần là khai gian, không còn cơ sở nào để kết tội các bị cáo, ngày 26/12/2005 Cơ quan CSĐT Bộ Công an ra các quyết định đình chỉ điều tra đối với các bị can trong vụ án vườn điều.

Theo đến cùng vụ Huỳnh Văn Nén

Phóng viên Nguyễn Đình Quân phỏng vấn ông Huỳnh Văn Nén ngày 23/10/2015, sau khi ông Nén được tại ngoại.

Sau khi xác minh việc anh Nguyễn Phúc Thành tố cáo Nguyễn Thọ và Hồ Văn Việt cùng ở xã Tân Minh là thủ phạm giết bà Lê Thị Bông, không phải ông Huỳnh Văn Nén, phóng viên Hồ Việt Khuê viết bài “Huỳnh Văn Nén có giết người?”, đăng trên báo Tiền Phong số ra ngày 28/10/2000. Từ đó, hai phóng viên báo Tiền Phong theo dõi vụ án vườn điều luôn theo sát các thông tin liên quan đến vụ và Bông (vụ Huỳnh Văn Nén).


Báo Tiền Phong số ra ngày 2/7/2001 đăng tiếp bài “Những câu hỏi quanh vụ bà Bông bị giết” của chúng tôi, đề nghị phục hồi điều tra xét xử vụ này theo trình tự giám đốc thẩm, vừa để làm rõ nhiều vấn đề trong vụ Huỳnh Văn Nén, vừa để làm sáng tỏ sự thật vụ án vườn điều.

Khi vụ án vườn điều đã được kết luận là vụ án oan sai, ngày 11/4/2006 chúng tôi lại có bài “Hậu” vụ án vườn điều - Huỳnh Văn Nén bị oan?”. Tháng 11/2006, tôi cùng 6 nhà báo khác ký đơn gửi kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XI, Ủy ban Pháp luật và Ủy ban Dân nguyện Quốc hội, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, đề nghị can thiệp trường hợp kêu oan của phạm nhân Huỳnh Văn Nén. 

Từ tháng 9/2014, tôi tiếp tục có hàng chục bài báo về vụ Huỳnh Văn Nén, về cụ Huỳnh Văn Truyện, người nay đã sang tuổi 91 vẫn miệt mài đi kêu oan cho con trai, về thân phận, tâm sự tủi hờn của vợ con ông Nén. Tất cả những bài báo 16 năm qua của chúng tôi về vụ án vườn điều và vụ Huỳnh Văn Nén đều được viết với trách nhiệm rất cao của nhà báo, với mong muốn các cơ quan pháp luật công tâm, khách quan khi điều tra, xét xử, để người dân không mất niềm tin vào công lý.    

Tất cả những bài báo 16 năm qua của chúng tôi về vụ án vườn điều và vụ Huỳnh Văn Nén đều được viết với trách nhiệm rất cao của nhà báo, với mong muốn các cơ quan pháp luật công tâm, khách quan khi điều tra, xét xử.