16 tác phẩm hội họa nổi tiếng của hai danh họa Áo lần đầu trưng bày tại Việt Nam. Ảnh: VCCA
Các tác phẩm này lần đầu được bày tại Việt Nam trong khuôn khổ triển lãm “Hình ảnh và khoảng cách: Các tác phẩm của Gustav Klimt và Egon Shiele trong thời kỳ biến chuyển”. Triển lãm từ 31/5 đến 31/7 tại Trung tâm Nghệ thuật Đương đại Vincom.
Kiệt tác được chọn giới thiệu của hai danh họa người Áo như Nụ hôn, Chân dung Adele Bloch Bauer I, Cây đời, Sự sống và cái chết (Klimt), Tự họa đầu nghiêng, Bốn cây, Đức Hồng ý và nữ tu sĩ của Schiele. Các tác phẩm ra đời đầu thế kỷ 20, đánh dấu bước chuyển của lịch sử nói chung và lịch sử nghệ thuật nói riêng, cũng là thời đại dịch cúm Tây Ban Nha cướp đi hơn 50 triệu người. Hai danh họa này đều qua đời năm 1918 vì đại dịch.
Tác phẩm "Tự họa với cây hoa lồng đèn Trung Quốc" của Egon Schiele. Ảnh: VCCA
Toàn bộ tác phẩm lần này được trưng bày theo dạng số. Ảnh tác phẩm được hiển thị với độ phân giáo cao. Không gian triển lãm được sắp xếp được tạo ra sự thay đổi liên tục trong khoảng cách vật lý giữa người xem và hình ảnh để đem tới trải nghiệm thị giác và cảm xúc mới mẻ.
"Hoa hồng dưới tán cây" của Gustav Klimt. Ảnh: VCCA
Trong khuôn khổ này, Trung tâm triển lãm cũng tổ chức các sự kiện nghệ thuật, workshop để công chúng hiểu thêm về phong cách nghệ thuật của Gustav Klimt và Egon Schiele.
"Cây đời" của Gustav Klimt. Ảnh: VCCA
Gustav Klimt (14/7/1862 - 6/2/1918) theo trường phái Tượng trưng người Áo. Là người sáng lập nên nhóm Ly khai Vienna, được công nhận là họa sĩ vĩ đại nhất của phong trào Tân Nghệ thuật. Klimt tiên phong phát triển nên một phong cách nghệ thuật đặc biệt mang tính trang trí và đầy gợi cảm. Ông kết hợp những hình dạng cách điệu hóa và màu sắc phi tự nhiên mang tính biểu tượng theo quan điểm cá nhân của ông về những chủ đề mang tính phổ quát như cái đẹp, tình yêu, vẻ đẹp của người phụ nữ, sự già đi và cái chết.
"Vườn quê và hoa hướng dương" của Gustav Klimt
Egon Schiele (12/6/1890 - 31/10/1918) là một trong những gương mặt quan trọng nhất của trường phái Biểu hiện đầu thế kỷ 20, với những bức tranh mang cảm xúc mãnh liệt có khả năng chạm đến giá trị mang tính bản thể của con người. Họa sĩ này có lối thể hiện vô cùng bạo liệt. Các dáng vẻ cơ thể xoắn vặn và những đường nét biểu cảm là đặc điểm nổi bật trong tranh ông. Với cái nhìn độc đáo, lối miêu tả cơ thể tự nhiên và kỹ thuật tạo hình cực kỳ điêu luyện. Tác phẩm của Schiele góp phần vô cùng quan trọng cho sự phát triển của nghệ thuật hiện đại.