Hình ảnh các y bác sỹ vật lý trị liệu tại Trung tâm hồi phục chức năng – Bệnh viện Bạch Mai nhìn từ bên trong ra ngoài tại khu cách ly.
Là một trong những người trực tiếp tham gia công tác điều trị, phòng chống COVID-19 tuyến đầu, bác sỹ Đặng Văn Tú, cử nhân Vật lý trị liệu – Trung tâm phục hồi chức năng (Bệnh viện Bạch Mai) vẫn nhớ như in 14 ngày “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Tại ngôi nhà nhỏ nằm sâu trong hẻm trên phố Tôn Đức Thắng (Đống Đa, Hà Nội), bác sỹ Tú nhanh tay thay trang phục và khử trùng toàn bộ đồ dùng cá nhân sau ca trực từ bệnh viện trở về.
Nhớ lại những ngày Bệnh viện Bạch Mai là tâm dịch COVID-19, cả nước dõi theo, bác sỹ Tú vẫn bồi hồi, xúc động. Anh kể, những ngày đầu dịch bệnh xuất hiện tại Việt Nam, mọi hoạt động vẫn diễn ra bình thường, đến khi Bệnh viện Bạch Mai phát hiện nhiều ca nhiễm COVID-19, trong đó có trường hợp người nhà đến chăm sóc bệnh nhân cũng dương tính, tình hình dịch bệnh lúc này phức tạp hơn. Ngày 28/3, một ngày trước khi có lệnh phong tỏa, cách ly Bệnh viện Bạch Mai, anh cùng nhiều đồng nghiệp được điều động trực chăm sóc toàn diện các bệnh nhân 24/24 tại Trung tâm phục hồi chức năng trong vòng hai tuần.
Ngày đầu thực hiện nhiệm vụ, tại trung tâm có 18 ca bệnh nặng, trong đó đa số bệnh nhân liệt tứ chi, nằm bất động trên giường. Trong khi đó, tất cả bệnh nhân, y bác sỹ chưa được xét nghiệm, đều có nguy cơ trở thành F1. Ca trực đầu tiên, anh và đồng nghiệp tỏ ra lúng túng, lo lắng vì chưa từng chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân. Mỗi ca trực kéo dài 12 giờ, nhân viên chăm sóc bệnh nhân từ vệ sinh, ăn uống, điều trị vật lý trị liệu, thăm khám, hội chẩn…
Bác sỹ Đặng Văn Tú cũng chia sẻ, trong mấy ngày đầu cách ly, nhiều bệnh nhân không chấp nhận cho nhân viên trung tâm chăm sóc vì lo lắng bác sỹ không chu đáo như người thân họ. Nhiều người muốn có người thân bên cạnh chăm lo từng bữa cơm theo sở thích hay giúp họ tập các bài vật lý trị liệu. Tuy nhiên, tất cả mọi yêu cầu của bệnh nhân đều được anh và đồng nghiệp thực hiện ân cần, tận tụy như chăm sóc chính người thân của mình.
Không chỉ giúp bệnh nhân đánh răng, rửa mặt, vệ sinh cá nhân hay bón từng thìa cơm, chén rau, tập từng động tác hồi phục chức năng… mà ngay cả khi mọi người đi ngủ, anh và đồng nghiệp vẫn thức trực 24/24 bên giường bệnh. Ai ngủ không đúng tư thế, không đắp chăn hay thân nhiệt bất ổn, cơ thể đau nhức mệt mỏi đều được nhân viên y tế chăm sóc, hỗ trợ tận tình.
Sau vài ngày ổn định, nhân viên chăm sóc gọi video qua mạng cho bệnh nhân gặp người nhà. Nhiều bệnh nhân xúc động không cầm được nước mắt khi kể lại cho con cháu những ngày được các bác sỹ chăm sóc tốt, cách ly an toàn, sức khỏe ổn định, tiến triển tốt. Đặc biệt, khi tất cả mọi người hồi hộp chờ phiếu xét nghiệm, kết quả âm tính COVID-19, bệnh nhân liền khoe với người thân, tất cả đều vỡ òa sung sướng, vui mừng khôn xiết.
Theo lời bác sỹ Tú, điều anh ấn tượng nhất trong thời gian cách ly là hình ảnh ghi lại thời điểm Trung tâm phục hồi chức năng - Bệnh viện Bạch Mai bị phong tỏa. Lúc đó, cánh cửa sắt lớn đóng lại, bên trong đồng nghiệp anh vẫy tay, tươi cười và tự tin chiến thắng dịch bệnh.
Sau khi kết thúc hai tuần cách ly trở về nhà, thông qua báo đài anh được biết sau khi Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị số 16, cách ly toàn xã hội, rất nhiều cá nhân, tổ chức xã hội đã kêu gọi ủng hộ, giúp đỡ người nghèo, những vùng có dịch vượt qua khó khăn. Ngoài ra, công tác phòng chống dịch tại Việt Nam được các báo đài quốc tế cũng ghi nhận là một trong số ít quốc gia ngăn chặn sự lây lan, thiệt hại tốt nhất…