> Chính phủ không chủ trương ban hành chính sách gây hại cho dân
> Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 12-2012
> Một số quy định có hiệu lực từ tháng 11-2012
1. Xếp hạng cơ sở giáo dục đại học
Luật Giáo dục đại học gồm 12 Chương, 73 Điều, trong đó quy định 4 vấn đề mới cơ bản gồm: Phân tầng đại học; xã hội hóa giáo dục đại học; quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học và kiểm soát chất lượng đào tạo. Luật quy định, cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng nhằm đánh giá uy tín và chất lượng đào tạo; phục vụ công tác quản lý nhà nước và ưu tiên đầu tư từ ngân sách nhà nước. Kiểm định chất lượng là bắt buộc đối với các cơ sở giáo dục đại học để thực hiện quyền tự chủ.
2. Chỉ bảo hiểm tiền gửi đối với Việt Nam đồng
Theo Luật Bảo hiểm tiền gửi, chỉ bảo hiểm tiền gửi bằng đồng Việt Nam của cá nhân gửi tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi. Như vậy, ngoại tệ sẽ không được bảo hiểm tiền gửi.
Luật cũng quy định chỉ bảo hiểm tiền gửi của người gửi tiền là cá nhân mà không bảo hiểm tiền gửi của hộ gia đình, tổ hợp tác, doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh. Luật giao Thủ tướng Chính phủ quy định hạn mức trả tiền bảo hiểm theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong từng thời kỳ.
3. Tăng lương tối thiểu vùng
Theo Nghị định 103, từ ngày 1-1-2013, mức lương tối thiểu vùng tăng từ 1,4-2 triệu đồng lên 1,65-2,35 triệu đồng/tháng, tùy từng vùng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có thuê mướn lao động.
Nghị định nêu rõ, mức lương tối thiểu vùng là cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận tiền lương bảo đảm mức tiền lương tính theo tháng trả cho người lao động chưa qua đào tạo làm công việc đơn giản nhất trong điều kiện lao động bình thường, bảo đảm đủ số ngày làm việc tiêu chuẩn trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận không được thấp hơn mức lương tối thiểu.
Mức tiền lương thấp nhất trả cho người lao động đã qua học nghề (kể cả lao động do doanh nghiệp tự dạy nghề) phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng.
4. Nhà nước định giá đối với hàng hóa độc quyền
Điểm đáng lưu ý của Luật Giá là Nhà nước định giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước sản xuất, kinh doanh. Luật cũng quy định về danh mục hàng bình ổn giá và danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá gắn với các hình thức định giá.
Cụ thể, danh mục hàng hóa, dịch vụ Nhà nước thực hiện bình ổn giá gồm: Xăng, dầu thành phẩm; điện; khí dầu mỏ hóa lỏng; phân đạm; phân NPK; thuốc bảo vệ thực vật theo quy định của pháp luật; vắc-xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm; muối ăn; sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi; đường ăn (đường trắng và đường tinh luyện); thóc, gạo tẻ thường; thuốc phòng, chữa bệnh cho người thuộc danh mục thuốc chữa bệnh thiết yếu sử dụng tại các cơ sở khám, chữa bệnh theo quy định của pháp luật.
5. Cấm quảng cáo sữa dành cho trẻ dưới 24 tháng tuổi
Luật Quảng cáo quy định các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo bao gồm: thuốc lá, rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên, sữa dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi, sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ dưới 6 tháng tuổi, bình vú, vú ngậm nhân tạo; thuốc kê đơn, thuốc được cơ quan nhà nước khuyến cáo hạn chế sử dụng hoặc sử dụng có sự giám sát của thầy thuốc; sản phẩm hàng hóa có tính chất kích dục, kích động bạo lực; súng săn, đạn súng săn, vũ khí thể thao.
Đối với hành vi cấm quảng cáo, bổ sung thêm một số nội dung mới như: Quảng cáo thiếu thẩm mỹ, xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo, định kiến giới, về người khuyết tật, quảng cáo sử dụng phương pháp so sánh trực tiếp, quảng cáo có sử dụng các từ “nhất”, “duy nhất, tốt nhất”, số một hoặc các từ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh, vi phạm sở hữu trí tuệ, quảng cáo làm ảnh hưởng đến trẻ em…
6. Chỉ gửi tin nhắn quảng cáo khi người nhận đồng ý
Theo Nghị định 77/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 90/2008/NĐ-CP về chống thư rác, chỉ được phép gửi thư điện tử quảng cáo, tin nhắn quảng cáo đến người nhận khi có sự đồng ý một cách rõ ràng trước đó của người nhận.
Ngoài ra, ngay sau khi nhận được yêu cầu từ chối, người quảng cáo hoặc nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo phải gửi ngay thông tin xác nhận đã nhận được yêu cầu từ chối và phải chấm dứt việc gửi loại thư điện tử, tin nhắn quảng cáo đã bị từ chối đến người nhận đó.
Nghị định mới cũng giới hạn không được phép gửi quá 1 tin nhắn quảng cáo có nội dung tương tự nhau tới một số điện thoại trong vòng 24 giờ và chỉ được phép gửi trong khoảng thời gian từ 7 giờ đến 22 giờ mỗi ngày trừ trường hợp đã có thoả thuận khác với người nhận.
Hành vi giả mạo tên hoặc giả mạo địa chỉ điện tử của tổ chức, cá nhân khác khi gửi thư điện tử, tin nhắn sẽ bị phạt tiền từ 60- 80 triệu đồng.
7. Không cấp quá 1 giấy phép kinh doanh bán lẻ rượu/1.000 dân
Theo Nghị định 94/2012/NĐ-CP về sản xuất, kinh doanh rượu, giấy phép kinh doanh bán lẻ sản phẩm rượu tại cửa hàng bán lẻ trên địa bàn một quận, huyện, thị xã được xác định theo nguyên tắc không quá 1 giấy phép/1.000 dân và phù hợp theo quy hoạch hệ thống kinh doanh bán lẻ sản phẩm rượu.
Giấy phép kinh doanh phân phối sản phẩm rượu được xác định theo số dân trên cả nước theo nguyên tắc không quá 1 giấy phép/400.000 dân; giấy phép kinh doanh bán buôn sản phẩm rượu được xác định trên địa bàn tỉnh theo nguyên tắc không quá 1 giấy phép/100.000 dân.
Rượu thuộc nhóm hàng hóa nhà nước hạn chế kinh doanh. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm rượu (phân phối, bán buôn, bán lẻ) phải có giấy phép, trừ trường hợp sản xuất rượu thủ công để bán cho các doanh nghiệp có Giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại.
8. Không được khuyến mại đối với cước hòa mạng
Theo Thông tư 14/2012/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông, giá cước hòa mạng di động được quy định là 35.000 đồng/1 thuê bao trả sau và 25.000 đồng/1 thuê bao trả trước. Giá cước hòa mạng thu một lần và thanh toán ngay khi khách hàng ký hợp đồng sử dụng dịch vụ thông tin di động trả sau khi khách hàng mua SIM thuê bao sử dụng dịch vụ thông tin di động trả trước.
Đặc biệt, các nhà cung cấp dịch vụ không được tăng, giảm giá và khuyến mại đối với giá cước hòa mạng trên. Đồng thời, không được nạp sẵn tiền vào tài khoản đối với tất cả SIM thuê bao đang lưu thông trên thị trường hoặc chưa hòa mạng.
9. Hỗ trợ giải quyết việc làm cho lao động bị thu hồi đất nông nghiệp
Theo Quyết định 52/2012/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người lao động bị thu hồi đất nông nghiệp, đối tượng áp dụng là người lao động thuộc các hộ gia đình trực tiếp sản xuất nông nghiệp bị Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp mà không có đất để bồi thường có đủ 3 điều kiện: Có hộ khẩu thường trú tại hộ gia đình có đất nông nghiệp bị thu hồi; Trong độ tuổi lao động; Có nhu cầu học nghề, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm, vay vốn tạo việc làm.
Người lao động bị thu hồi đất nông nghiệp theo quy định nêu trên được hưởng chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm trong thời hạn 3 năm, kể từ khi có Quyết định thu hồi đất.
10. Cấm hát nhép, trang phục biểu diễn không phù hợp
Theo Nghị định 79/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu, nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân biểu diễn, tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp, người mẫu sử dụng trang phục hoặc hóa trang không phù hợp với mục đích, nội dung biểu diễn và thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam.
Đồng thời, không được sử dụng bản ghi âm để thay cho giọng thật của người biểu diễn hoặc thay cho âm thanh thật của nhạc cụ biểu diễn.
Hà Nhân
tổng hợp