Chiều 21/11, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội họp phiên thứ 39, cho ý kiến và biểu quyết thông qua 8 dự thảo nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, xã của 8 tỉnh: Bắc Giang, Thái Nguyên, Hà Tĩnh, Điện Biên, Bình Thuận, Lạng Sơn, Phú Yên và Tuyên Quang.
Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, số lượng ĐVHC cấp xã thực hiện sắp xếp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có 40 đơn vị; đối với tỉnh Điện Biên, có 1 ĐVHC cấp huyện (thành phố Điện Biên Phủ) thuộc diện phải sắp xếp, mở rộng sang địa bàn huyện, và 3 xã trong diện sáp nhập. Với tỉnh Hà Tĩnh, có 1 ĐVHC cấp huyện (thị xã Hồng Lĩnh) thuộc diện sắp xếp trong giai đoạn 2019 - 2021 nhưng tỉnh đề nghị chưa sắp xếp trong đợt này. Còn với cấp xã, tỉnh Hà Tĩnh đề nghị thực hiện sắp xếp với 80 ĐVHC trong giai đoạn 2019 – 2021, song có 12 đơn vị cấp xã chưa tiến hành sắp xếp dù thuộc diện phải thực hiện...
Báo cáo thẩm tra tóm tắt, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với các phương án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã và phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy và bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị, những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã của 8 tỉnh như đã nêu trong các Tờ trình và Đề án của Chính phủ.
Tuy nhiên, Ủy ban Pháp luật nhận thấy, Chính phủ đề nghị trong giai đoạn 2019 – 2021, chưa thực hiện sắp xếp đối với thị xã Hồng Lĩnh và 12 ĐVHC cấp xã của tỉnh Hà Tĩnh, 10 ĐVHC cấp xã của tỉnh Lạng Sơn và 01 ĐVHC cấp xã của tỉnh Tuyên Quang. Nhưng một số nêu trong các Đề án của Chính phủ chưa thật sự thuyết phục; chưa xuất phát từ các đặc điểm nội tại của ĐVHC thuộc diện sắp xếp mà dựa trên định hướng phát triển của đơn vị đó trong tương lai.
Một số trường hợp mới chỉ giải trình chung chung, chưa cụ thể. Vì vậy, Ủy ban Pháp luật đề nghị, Chính phủ và chính quyền các tỉnh giải trình, làm rõ thêm các yếu tố đặc thù về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, truyền thống lịch sử, dân tộc, tôn giáo, cộng đồng dân cư và yêu cầu bảo đảm an ninh, quốc phòng… để chưa thực hiện sắp xếp ĐVHC.
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, việc khẩn trương trình Thường vụ xem xét, quyết định việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của các địa phương tại phiên họp này thể hiện sự quyết tâm chính trị, sự nỗ lực trách nhiệm cao của cấp ủy, chính quyền các địa phương và cả hệ thống chính trị của 8 tỉnh.
Qua ý kiến thảo luận, ý kiến thẩm tra, Uỷ ban Thường vụ đề nghị, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt đối với Bộ Nội vụ, các tỉnh, thành phố để sớm hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính theo quy định. Hiện mới có 10 tỉnh trình Đề án, còn 35 tỉnh, thành phố chưa trình Đề án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, xã giai đoạn 2019 – 2021.
Uỷ ban Thường vụ cũng đề nghị, Chính phủ tiếp tục tổng hợp nắm bắt khó khăn, vướng mắc của địa phương để kịp thời tháo gỡ khó khăn và tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết, sớm ổn định tổ chức chính quyền địa phương, mặt trận, các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội tại các địa phương được sắp xếp. Chú ý đến việc giải quyết cơ sở vật chất, trụ sở làm việc, trang thiết bị, phương tiện theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo hiệu quả tránh thất thoát lãng phí.
Với 100% các đại biểu có mặt biểu quyết tán thành, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua 8 dự thảo Nghị quyết sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, xã của 8 tỉnh. Các Nghị quyết này sẽ có hiệu lực thực hiện từ ngày 1/1/2020.