Ý tưởng xây dựng công viên sách giữa thành phố: Lùi hay tiến?

TP - Đã có nhà sách, thư viện sách, đường sách… nghe đâu Đà Nẵng đang có ý tưởng xây dựng công viên sách giữa thành phố.

 Một số độc giả mới nghe đã “bàn lùi”: “Còn chút khoảng xanh khu trung tâm. Vui lòng để yên”. Song cứ cho là sẽ có một đến vài công viên sách hoành tráng ra đời, liệu có kích thích được tinh thần ham đọc sách? Thông thường người đã ham đọc sách, ở đâu cũng có thể đọc được.

Như một nghệ sỹ từng có màn biểu diễn gây sốc, tụt quần, đọc sách kinh điển trong toilet. Không riêng nghệ sỹ thị giác, nhiều người vẫn có thói quen đọc sách trong nhà vệ sinh, chẳng qua họ ngại không thú nhận. Ngay GS Nguyễn Lân Dũng cũng giữ thói quen này.

Có một người viết từng tiết lộ công khai, trong phòng vệ sinh của giáo sư có cuốn sách “Biên niên ký chim vặn dây cót” của Murakami Haruki cùng cặp kính trắng. Vị giáo sư nổi tiếng thú nhận, ông phải tranh thủ khi đi vệ sinh để đọc truyện. Mỗi lần ông tranh thủ đọc một chương. Một nhà khoa học xác nhận:  Nhà vệ sinh tạo ra không gian yên tĩnh rất tuyệt vời cho việc đọc sách.

Công viên sách dù sao vẫn đang nằm ở dạng ý tưởng. Còn đường sách đã hiện hữu. Hiện nay, không ít đường sách trên toàn quốc đã được khai trương, đi vào hoạt động. Trong 5 năm tới, các tỉnh, thành phố lớn đều sẽ có đường sách.

Song đường sách có thật sự phát huy hiệu quả xốc lại văn hóa đọc đang tụt dốc hay không, chẳng ai dám chắc. Chẳng hạn, không ít người cho rằng phố sách ở Hà Nội ra đời chỉ góp phần cung cấp thêm một điểm check-in sang chảnh của giới trẻ, hoặc nơi dạo mát của người dân.

Nếu có thành phố sách giữa “thành phố đáng sống” biết đâu lại gia tăng thêm lượng khách du lịch là những người trẻ tuổi đến đây để “check-in”? Theo một khảo sát quốc tế năm 2016, chỉ có 30% người Việt đọc sách thường xuyên, 44% thỉnh thoảng mới đọc sách, 26% hoàn toàn không đọc sách. Đường sách, thư viện sách, cà phê sách… mọc lên ngày càng nhiều song tỉ lệ đọc sách của người Việt lại càng ngày càng đi xuống, là sao?

Có lẽ không gian đọc sách cũng quan trọng song thói quen đọc sách còn quan trọng hơn và cần được rèn từ thời thơ ấu. Một trong những “chiêu” được các nhà giáo dục mách phụ huynh có con nhỏ: Nên để những cuốn sách ở gần vị trí đứa trẻ, hoặc ở nơi chúng dễ quan sát, để dụ chúng tự tìm đến với “người bạn” này.

Nhưng bao nhiêu bậc phụ huynh đã làm như vậy? Con số chắc không nhiểu, bởi chính họ còn đang mắc “bệnh lười đọc”. Mà “bệnh lười đọc” lại đến từ nhiều nguyên nhân, như thiếu những cuốn sách hấp dẫn.

Dịch giả Trần Đình Hiến  từng có lần than ngay trong mảng sách văn học: “Lâu nay, tôi không kiếm được tác phẩm nào “hay” trọn vẹn đúng nghĩa, mặc dù sách của nhà văn được in rất nhiều”. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam còn khó chọn sách văn học “hay trọn vẹn đúng nghĩa” thì độc giả bình thường biết phải làm sao?