>> Mây phóng xạ có thể đến Việt Nam
còn cách xa Việt Nam (X), vùng mây đen sẫm được cho là
có nhiều phóng xạ.
Nếu đến, sẽ bay qua Trung và Nam Bộ
Câu hỏi đặt ra là nếu đám mây phóng xạ đến, chúng có thể lan đến vùng nào của nước ta? Theo dõi biểu đồ diễn biến của đám mây phóng xạ đang di chuyển trên Thái Bình Dương, TS Trịnh Văn Giáp, Viện trưởng Viện Khoa học&Kỹ thuật Hạt nhân, nhận định, đám mây phóng xạ nếu đến chỉ có thể ảnh hưởng đến một số tỉnh phía nam Việt Nam, tức từ miền Trung trở vào.
Cụ thể hơn, mây phóng xạ có đến Việt Nam hôm nay, như đài quan sát của Na Uy dự đoán hay không? Bộ KH&CN không thấy bình luận gì. Thay vào đó, tổ công tác Bộ KH&CN chỉ nhận định chiều hôm qua: “Theo hình ảnh mô phỏng cho vùng Đông Nam Á, đám mây phóng xạ đang có xu hướng di chuyển xuống phía tây nam đối với vị trí của nhà máy điện Fukushima I”.
Các ý kiến “đến hay không đến” vẫn khác nhau. Quan chức Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia (KTTVQG) vẫn kiên trì quan điểm như trong báo cáo gửi lãnh đạo Bộ Tài nguyên&Môi trường ngày 18-3. Theo đó, đám mây phóng xạ sẽ không bay đến Việt Nam dựa trên nghiên cứu điều kiện hoàn lưu khí quyển chi phối khu vực phía Bắc Châu Á-Thái Bình Dương từ nay đến hết tháng 4-2011.
Về vị trí địa lý, nước Việt Nam ta nằm ở xa về phía tây nam của Nhật Bản và nằm ở vĩ độ rất thấp so với vị trí của nhà máy điện hạt nhân Daiichi ở Fukushima (thuộc khu đông bắc Nhật Bản). Ông Phạm Văn Đức, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm KTTVQG, “khẳng định khu vực Việt Nam không bị ảnh hưởng của tro bụi và phóng xạ do sự cố nhà máy điện nguyên tử tại Nhật Bản gây ra”.
Trong khi đó, dựa trên các dữ liệu quan trắc quốc tế về tình hình phát tán chất phóng xạ vào môi trường, đám mây phóng xạ được xác định lan tỏa ngày càng rộng. Ngày 21-3, mới thông báo có sáu trạm phát hiện thấy hạt nhân phóng xạ rò rỉ từ các lò phản ứng hạt nhân của nhà máy điện hạt nhân Fukushima.
Các trạm quan trắc hạt nhân phóng xạ này nằm trong mạng lưới quan trắc hạt nhân phóng xạ quốc tế của tổ chức Hiệp ước Cấm thử Vũ khí Hạt nhân Toàn diện CTBTO.
Ngày 22-3, con số thông báo tăng lên 11 trạm. Và ngày 23-3, lên đến 15 trạm, trải rộng ở các nước Nhật Bản, Hoa Kỳ, Canada, Nga, và Iceland (Tân Đảo). Mấy lý do chính được Trung tâm KTTVQG viện dẫn gồm, cuối tháng 3-2011 là thời kỳ cuối của mùa đông ở khu vực phía Bắc Châu Á, do vậy hoàn lưu chủ yếu chi phối khu vực này là các hệ thống gió thổi theo hướng từ phía tây sang phía đông.
Vì hướng gió chủ đạo có hướng di chuyển từ tây sang đông nên các khối không khí trong khí đoàn cũng di chuyển theo hướng đó, chính vì vậy khó có khả năng để cho các khối không khí chứa các chất bụi lơ lửng (trong đó có bụi phóng xạ) có thể di chuyển ngược lại và ảnh hưởng tới khu vực Việt Nam.
Còn trong tháng 4 và tháng 5-2011, hoàn lưu gió trên khu vực Đông Bắc Châu Á vẫn tiếp tục duy trì di chuyển theo hướng chủ đạo từ tây sang đông. Vì thế, trong thời gian tới không có khả năng những tro bụi hoặc các chất thải độc hại (kể cả bụi phóng xạ) chứa trong các khối không khí có thể di chuyển ngược lại về phía tây và tây nam để ảnh hưởng đến khu vực Đông Nam Châu Á.
Không nên hoang mang
Đó là ý kiến của Phó Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Nhị Điền – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt trong cuộc trao đổi với báo Tiền Phong ngày 24-3.
Ông Điền cho biết vài ngày trước, một số đài khí tượng nước ngoài dự báo khoảng từ 25 đến 26-3, đám mây nhiễm phóng xạ từ Nhật sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam, cụ thể là vùng biển sát đất liền một số tỉnh, thành ở miền Nam.
Thế nhưng hiện nay hướng gió đã lệch so với thời điểm người ta đưa ra dự đoán: Gió đang thổi theo hướng Đông và Đông Nam, nghĩa là thổi từ đất liền ra biển và chỉ chệch một chút về phía Nam nên mây phóng xạ hầu như không vào đến đất liền của Việt Nam.
Các đài khí tượng của Nhật, Mỹ, Philippinnes đã dỡ bỏ cảnh báo, chỉ riêng đài Na Uy vẫn cảnh báo một vệt nhỏ nguy cơ mây phóng xạ vào Việt Nam.
Cũng theo Viện trưởng, công tác quan trắc phóng xạ môi trường của Trạm đo phóng xạ ở Đà Lạt được đẩy lên mức cao nhất, nghĩa là theo dõi 24/24 giờ một ngày và cứ 2 hoặc 3 tiếng đồng hồ lại lấy mẫu để đo. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa ghi nhận bất cứ dấu hiệu bất thường nào về phóng xạ ở phía Nam nước ta. Kết quả đo nồng độ các nhân phóng xạ trong bụi khí tại Đà Lạt cũng chưa có gì dị biệt.
Năm 1986, khi xảy ra thảm họa tại Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl, Trạm Đà Lạt đã từng phát hiện đám mây phóng xạ lan tới Việt Nam.
Hiện, Trạm vẫn liên tục quan sát theo chỉ đạo của bộ ngành chức năng và sẽ thông báo chính thức nếu có dấu hiệu khác thường. Tuy nhiên, theo nguyên tắc, đám mây càng phát tán đi xa thì độ phóng xạ càng giảm. Nước ta cách Nhật hàng ngàn km. Do đó nếu những đám mây phóng xạ từ Nhật có đến Việt Nam thì mức phóng xạ cũng rất thấp, không ảnh hưởng tới sức khỏe con người.
Tiêu chuẩn quốc tế qui định mức phóng xạ cho phép với người dân không quá 1 milisivert/năm, còn người thường xuyên làm việc, tiếp xúc với phóng xạ là không quá 20 milisivert/năm.
Trong trường hợp xảy ra sự cố thì mức phóng xạ cho phép có thể cao hơn vài lần và nếu chỉ tiếp xúc trong thời gian ngắn sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe. Bởi thế, theo Tiến sĩ Điền, hiện nước ta chưa cần các biện pháp phòng chống đặc biệt như uống thuốc để giảm thiểu ảnh hưởng của phóng xạ.