Tàu sân bay lớn nhất của Hải quân Hoàng gia Anh
Ngày 26/6, Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth lớn nhất của Hải quân Hoàng gia Anh chính thức được thử nghiệm trên biển, trước khi được biên chế cho hải quân vào cuối năm 2017.
Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth có lượng giãn nước 65.000 tấn và mặt boong có diện tích 16.000 mét vuông, gấp 2,5 lần diện tích sân vận động Wembley.
Đây là chiếc đầu tiên của lớp Queen Elizabeth và là một trong hai tàu chiến lớn nhất lịch sử hải quân Anh, cùng với tàu HMS Prince of Wales. Tàu HMS Prince of Wales hiện đang trong quá trình hoàn thiện và dự kiến được biên chế cho hải quân Anh vào năm 2020.
Tàu sân bay lớp Queen Elizabeth của Anh không sử dụng động cơ hạt nhân, thay vào đó, hải quân Anh chọn động cơ điện tích hợp kiểu truyền thống. Lớp Queen Elizabeth được thiết kế để vận hành máy bay cất hạ cánh thẳng đứng (STOVL) với sự hỗ trợ của cầu nhảy và sử dụng máy bay tiêm kích F-35B.
HMS Queen Elizabeth được trang bị hai động cơ turbine khí Rolls-Royce Marine Trent MT30, mỗi chiếc có công suất 48.000 mã lực, cùng 4 máy phát diesel công suất 15.000 và 12.000 mã lực, giúp tàu đạt tốc độ tối đa 46 km/h.
HMS Queen Elizabeth có khả năng chở tối đa 36 máy bay F-35B và 4 trực thăng cảnh báo sớm Crowsnest. Đặc biệt, nó có thể được bổ sung tới 12 trực thăng Chinook hoặc Merlin và 8 trực thăng tấn công AH-64 Apache.
Tàu HMS Queen Elizabeth có hai đài chỉ huy riêng biệt, khác những thiết kế hiện nay. Đài phía trước được sử dụng cho nhiệm vụ định vị và điều khiển hoạt động trên tàu, trong khi đài chỉ huy thứ hai kiểm soát hoạt động bay. Thủy thủ đoàn của HMS Queen Elizabeth lên tới 1.600 người, bao gồm cả phi công và nhân viên kỹ thuật thuộc không đoàn tàu sân bay.
Anh đưa tàu sân bay tới Biển Đông giữa lúc nước sôi lửa bỏng
Khi phát biểu tại thành phố Sydney trong chuyến thăm Australia, Ngoại trưởng Anh Boris Johnson ngày 26/7 tuyên bố: "Vương Quốc Anh có kế hoạch điều động hai hàng không mẫu hạm mới nhất tới Biển Đông để thực hiện hoạt động đảm bảo tự do hàng hải".
Tờ Financial Times dẫn lời ông Johnson cho hay: "Điều đầu tiên chúng tôi muốn làm với hai hàng không mẫu hạm mới mà chúng tôi vừa đóng là gửi chúng tới khu vực để tiến hành hoạt động đảm bảo tự do hàng hải".
Cũng theo Ngoại trưởng Anh Boris Johnson, mục đích của việc gửi hàng không mẫu hạm của Anh là xác nhận niềm tin của London rằng hệ thống quốc tế dựa trên luật pháp và tự do hàng hải trong các tuyến đường biển là hoàn toàn cần thiết cho thương mại toàn cầu.
Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon cũng cho biết, chính quyền London có kế hoạch điều một tàu chiến tới Biển Đông để thực hiện quyền tự do hàng hải ở Biển Đông vào năm 2018.
Dù không nói rõ loại tàu chiến cũng như khu vực cụ thể, song ông Fallon nhấn mạnh: “Chúng ta sẽ không bị Trung Quốc cản trở khi đi qua Biển Đông. Chúng ta có quyền tự do hàng hải và sẽ thực hiện quyền này”.
Theo các chuyên gia phân tích, mục đích của Anh khi tuyên bố đưa tàu sân bay lớn nhất tới Biển Đông là nhằm "khôi phục thời kỳ huy hoàng của Đế chế Anh" sau khi quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).
Ngoài ra, hải quân là một trong những mũi nhọn trọng điểm của ngành công nghiệp quân sự quốc phòng Anh. Hiện tại, Anh là một trong bốn quốc gia ngoài Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ đang tiến hành đóng tàu sân bay. Mục tiêu chiến lược của Anh là tận dụng thực lực khoa học công nghệ cao hùng hậu để duy trì địa vị hàng đầu thế giới trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng vũ khí đỉnh cao.
Đặc biệt, ủng hộ duy trì quyền tự do hàng hải tại Biển Đông là một trong những phương thức để nước Anh nhấn mạnh mối quan hệ với châu Á-Thái Bình Dương.
Châu Á-Thái Bình Dương hiện tại là khu vực có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất, và có nền kinh tế sôi động nhất thế giới. Tuy nhiên, khu vực này cũng đang phải đối mặt với các cuộc tranh chấp kéo dài liên quan tới vấn đề lịch sử, tôn giáo, lãnh thổ và chủ quyền biển đảo. Tình hình an ninh khu vực thường xuyên trong trạng thái căng thẳng.
Do đó, với một nước Anh đang tiến gần tới việc rời khỏi EU, việc tuyên bố điều tàu sân bay tới Biển Đông là nhằm mục đích mở rộng mối quan hệ kinh tế-thương mại và quân sự với các nước trong khu vực. Đồng thời qua đó khẳng định được vị thế là cườn quốc công nghiệp quân sự hàng đầu thế giới.