Xung đột thế hệ nảy lửa tại 'Giai điệu tự hào' tháng 5

TPO - Nếu như Giai điệu Tự hào số 3 tạc tượng người thương bình, số 4 vinh danh những con người vô danh làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ, thì ở số 5 này, "Giai điệu Tự hào" muốn khắc họa hình ảnh trẻ em thời chiến.
Hội đồng bình luận trẻ của "Giai điệu Tự hào" tháng 5.

Không giống những chương trình ca nhạc cho thiếu nhi đơn thuần, "Giai điệu Tự hào" số 5 với chủ đề “Bé bé bằng bông” là góc ký ức của những người từng là trẻ em, đã nghe, yêu và lớn lên cùng những ca khúc thiếu nhi kinh điển.

Mặc ốm, Xuân Bắc đóng vai hiệp sĩ của trẻ nhỏ

Không chỉ là khách mời bình luận, nghệ sĩ Xuân Bắc kiêm luôn chức vụ hoạt náo viên cho ca sĩ nhí, hòa giải viên khi không khí tranh luận gay cấn và cả huấn luyện viên trong màn đấu súng bẹ chuối – kỷ vật lịch sử của chương trình "Giai điệu Tự hào" số 5.

Nhìn anh nhảy nhót, bình luận nhiệt tình trên sân khấu, không ít người bất ngờ khi biết, lúc ấy Xuân Bắc đang sốt cao, đau đầu, chóng mặt.

Hơn 20 năm kinh nghiệm làm việc, nghiên cứu thiếu nhi, Xuân Bắc tự nhận mình có ưu thế nhất trong hai hội đồng khách mời bình luận của "Giai điệu Tự hào".

Lắng nghe quan điểm của anh, chắc hẳn không ít người có suy tưởng, Xuân Bắc như một hiệp sĩ của các em nhỏ. Anh bênh vực khi có những lời phê bình trẻ em ngày nay quá ích kỷ; phê bình khi bố mẹ chưa thực sự là tấm gương cho các con noi theo và đề nghị bỏ tù phụ huynh vì tội đánh cắp mùa hè của trẻ em…

Xuân Bắc đóng vai hiệp sĩ của trẻ nhỏ.

Ngay khi Hội đồng bình luận tỏ ý ngao ngán, tại sao số lượng ca khúc cho thiếu nhi ngày nay quá ít ỏi, Xuân Bắc vội lên tiếng thanh minh. Anh ép nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến ngẫu hứng, hát ca khúc thiếu nhi của mình để chứng minh cho điều ngược lại.

Cùng với Xuân Bắc, nhiếp ảnh gia Na Sơn, nhà báo Quỳnh Hương, nhạc sĩ Trần Lập cũng thường xuyên có những màn “khẩu chiến” với khách mời bình luận lớn tuổi về quan điểm nuôi dạy trẻ, ý nghĩa phong trào kế hoạch nhỏ, liệu có nên dạy cho thiếu nhi hát các ca khúc về chiến tranh, thù hận…

Xung đột thế hệ lên tới đỉnh điểm

Số phát sóng này, Quốc Trung sẽ quay trở lại làm Giám đốc âm nhạc của chương trình.

Lắng nghe bản phối mới mà anh đưa vào các tác phẩm kinh điển, sự xung đột trong quan điểm thưởng thức nghệ thuật của hai hội đồng bình luận đẩy lên cao trào.

“Phá cách” hay “Phá nát” ca khúc? “Có nên kết liễu các ca khúc thiếu nhi rao giảng về chiến tranh, đổ máu?”…Chưa bao giờ "Giai điệu Tự hào" nhiều tiếng cười, cũng như nhiều lúc “căng như dây đàn” đến như vậy.

Mẹ con Mỹ Linh, Mỹ Anh sẽ tham gia 'Giai điệu tự hào' tháng 5.

Nhiếp ảnh gia Na Sơn chia sẻ: “Nhiều khi, chúng tôi – những khách mời bình luận trẻ - cảm tưởng, phía hội đồng già bực bội tới mức không thể ngồi chung sân khấu với đám trẻ. Xem chương trình, chắc chắn khán giả sẽ gặp cảnh từ khách mời bình luận lẫn khán giả lớn tuổi đồng thanh phản đối sự phá cách, trong khi giới trẻ cứ một mực: như vậy mới là hay!”.

Những khán giả đi qua tuổi thơ đầy gian khó chắc chắn sẽ bất ngờ khi được gặp lại “chị” Bích Ngọc – người dẫn chương trình đầu tiên của “Những bông hoa nhỏ” năm nào; Nhà giáo nhân dân Nguyễn Đức Thìn – thành viên của Đội du kích thiếu niên Đình Bảng, người bước ra từ cuốn sách cùng tên của nhà văn Xuân Sách, hay họa sĩ Lê Phi Hùng – tác giả của hai nhân vật Bút Thép – Bóng Nhựa, lớn lên cùng biết bao thế hệ độc giả báo Thiếu niên Tiền phong…