> Vẫn 'nể nang' khi xử người đứng đầu để xảy ra tham nhũng
Còn nể nang, né tránh
Chính phủ nhận định, nhìn chung công tác phòng, chống tham nhũng chưa đạt yêu cầu và mục tiêu đề ra là ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng.
“Tham nhũng vẫn diễn ra nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, diễn ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành, gây bức xúc, bất bình trong xã hội; tiếp tục là thách thức lớn đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước”- Báo cáo của Chính phủ nêu.
Chính phủ thừa nhận, việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng chưa đạt yêu cầu.
Theo Báo cáo, năm 2012 các cơ quan thanh tra nhà nước đã phát hiện 49 vụ, 67 người có hành vi liên quan đến tham nhũng với giá trị tài sản là 132,7 tỷ đồng.
Cục Điều tra thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã khởi tố 18 vụ, 20 bị can về các tội danh tham nhũng, viện kiểm sát các cấp đã truy tố 244 vụ, 601 bị can.
Tòa án các cấp đã xét xử sơ thẩm 167 vụ, 338 bị cáo về các tội danh tham nhũng, trong đó tỷ lệ tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng chiếm 44,1%.
Số vụ tham nhũng được khởi tố điều tra, truy tố đều tăng hơn so với năm 2011, song tình hình tội phạm tham nhũng chưa có dấu hiệu giảm, đặc biệt trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, xây dựng cơ bản, quản lý đất đai và ở một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Số lượng vụ án, vụ việc về tham nhũng được phát hiện và điều tra chưa tương xứng với thực tế tham nhũng xảy ra.
Việc điều tra, giải quyết các vụ án nghiêm trọng, phức tạp gặp khó khăn, thời gian điều tra phải kéo dài, phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung, một số vụ án chưa giải quyết dứt điểm phải tạm đình chỉ điều tra do bị can bỏ trốn...Các vụ việc, vụ án tham nhũng có quy mô lớn được phát hiện, xử lý còn ít.
Đáng lưu ý, theo Chính phủ, một bộ phận cán bộ, công chức, trong đó có những người giữ vị trí lãnh đạo, quản lý thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu, quên trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước nhân dân.
Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng chưa nghiêm. Mới có 44 trường hợp người đứng đầu bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng (giảm 34% so với cùng kỳ năm trước).
Chính phủ cho rằng, cần sớm sửa đổi, bổ sung Nghị định về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng.
Cần rõ địa chỉ
Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Tư pháp cho rằng, Chính phủ chưa chỉ rõ các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, đơn vị đã làm tốt hoặc chưa tốt công tác phòng chống tham nhũng.
Những lĩnh vực, ngành nào còn để xảy ra nhiều tham nhũng, nguyên nhân để xảy ra tham nhũng và phương hướng phòng, chống cũng như các giải pháp đột phá để tăng cường hiệu quả công tác này cũng cần làm rõ hơn.
Thực trạng xử lý chưa nghiêm minh đối với một số vụ án có biểu hiện tham nhũng hiện nay đã gây bất bình, bức xúc, chưa tạo được lòng tin của nhân dân vào công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng.
Điểm tên một số vụ việc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nhưng vẫn chưa có biện pháp khắc phục (vụ tham ô tài sản tại Công ty sửa chữa tàu biển Vinalines thiệt hại hàng trăm tỷ đồng; tham nhũng và lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại phòng giao dịch Điện Biên Phủ và Ngân hàng Công thương chi nhánh Nhà Bè TPHCM thiệt hại trên 2.000 tỷ đồng…), cơ quan thẩm tra quan ngại về tỷ lệ xử phạt tù nhưng cho hưởng án treo cao.
“Còn tình trạng không công khai những nội dung cần phải công khai, minh bạch, hoặc chỉ công khai trong phạm vi hẹp…” - Ủy ban Tư pháp nhận xét.
Thiếu quy định bãi miễn, bãi nhiệm, cách chức
“Vẫn chưa hình thành “văn hóa” cũng như cơ chế pháp luật về từ chức; còn thiếu quy định cụ thể về miễn nhiệm, bãi nhiệm, cách chức đối với người đứng đầu thiếu trách nhiệm, còn để xảy ra nhiều tham nhũng”- Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp.