Rà soát 94 ứng viên GS, PGS:

Xử lý 31 cơ sở xác nhận hồ sơ không chuẩn xác

TP - Hôm qua, 5/4, Bộ GD&ĐT đã có văn bản chấn chỉnh và nâng cao trách nhiệm của các đại học, học viện, trường ĐH trong việc mời giảng viên thỉnh giảng, quản lý, đánh giá chất lượng hoạt động giảng dạy.

Kết quả kiểm tra hồ sơ của 94 ứng viên rà soát lại  cho thấy sai sót chủ yếu nằm ở các khâu: Ứng viên kê khai hồ sơ thiếu chuẩn xác, thiếu minh chứng cụ thể; Cơ sở giáo dục ĐH xác nhận thông tin do ứng viên kê khai chưa chặt chẽ; các Hội đồng Chức danh giáo sư cơ sở, Hội đồng Chức danh giáo sư ngành/liên ngành thẩm định hồ sơ ứng viên chưa kỹ càng.

Để chấn chỉnh và nâng cao trách nhiệm của ĐH, Học viện trong tổ chức quản lý và đánh giá chất lượng hoạt động thỉnh giảng, Bộ GD&ĐT yêu cầu các cơ sở đào tạo khẩn trương rà soát lại quy định, quy trình liên quan. Công khai số lượng và danh sách các bộ, công chức, viên chức, người lao động tham gia hoạt động thỉnh giảng hàng năm theo quy định trên website của cơ sở đào tạo.

Đồng thời, Bộ yêu cầu thủ trưởng 31 cơ sở đào tạo tổ chức kiểm điểm, xử lý vi phạm các tập thể, cá nhân để xảy ra sai sót khi xác nhận thời gian giảng dạy của các giảng viên thỉnh giảng liên quan đến công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2017.

Trong số 31 cơ sở đào tạo xác nhận hồ sơ không chuẩn xác có các trường ĐH Bách khoa TPHCM, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc ĐH quốc gia Hà Nội, ĐH Sư phạm Hà Nội… Tuy nhiên, các cơ sở đào tạo khối ngành y chiếm tỷ lệ lớn trong số 31 đơn vị này như ĐH Y Dược Hải Phòng, Học viện Quân y, ĐH Y Dược TPHCM...

Về phía Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước, hôm qua cũng đã có văn bản gửi các Hội đồng ngành/liên ngành, hội đồng cơ sở. Theo đó, Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước yêu cầu các Hội đồng chức danh giáo sư ngành, hội đồng chức danh giáo sư cơ sở năm 2017  rút kinh nghiệm sâu sắc. Đặc biệt là các Hội đồng Chức danh giáo sư cơ sở liên quan đến 41 hồ sơ ứng viên không đủ điều kiện cần tổ chức họp rút kinh nghiệm nghiêm túc đối với sai sót của từng hồ sơ cụ thể, gửi báo cáo về Hội đồng nhà nước trước 30/4.

Tuy nhiên, dư luận đặt câu hỏi trong hai văn bản chỉ đạo trên, dường như các ứng viên và Hội đồng giáo sư nhà nước vô can vì không thấy yêu cầu phải xử lý. Còn với các hội đồng ngành, hội đồng cơ sở chỉ yêu cầu rút kinh nghiệm mà không thấy có một giải pháp xử lý nào.