Trước đó, theo điều tra của cơ quan chức năng, ngày 22/3/2010, Ngân hàng ACB có cuộc họp thường trực Hội đồng quản trị với sự tham gia của Hội đồng sáng lập Trần Mộng Hùng (Chủ tịch) và Nguyễn Đức Kiên (Phó chủ tịch) cùng một số cán bộ liên quan, nhằm bàn phương án sử dụng nguồn vốn chưa đầu tư.
Tại cuộc họp, Trần Mộng Hùng đưa ra phương án giảm lãi suất huy động tiền gửi để giảm áp lực bị lỗi khi nhận tiền tiết kiệm mà không cho vay được. Riêng “bầu” Kiên chỉ đạo, không được làm giảm tổng tài sản của ngân hàng, do vậy không chấp nhận giảm lãi suất huy động.
Với cương vị là Tổng GĐ, Lý Xuân Hải đề xuất phương án ủy thác cho nhân viên mang tiền của ngân hàng đi gửi vào các ngân hàng khác để vừa nhận được lãi suất tiền gửi, vừa được hưởng thêm “hoa hồng”, khuyến mại theo quy định của từng ngân hàng nhận tiền gửi. Đề xuất này được “bầu” Kiên đồng tình.
Ngay sau đó, các thành viên thường trực Hội đồng quản trị (Trần Xuân Giá, Phạm Trung Cang, Trịnh Kim Quang, Lê Vũ Kỳ, Lý Xuân Hải) đã thống nhất và cùng ký vào biên bản, với nội dung: “Đồng ý việc ủy thác cho các cá nhân để gửi tiền VND và USD tại các tổ chức tín dụng. Giao Tổng GĐ kiểm sát hạn mức tiền gửi tại các tổ chức tín dụng… Ủy quyền cho Kế toán trưởng tổ chức thực hiện, ký hợp đồng ủy thác”.
Thực hiện chủ trương trên, từ các ngày 27/6/2011 đến 5/9/2011, Lý Xuân Hải chỉ đạo và ủy quyền cho Nguyễn Văn Hòa (Kế toán trưởng Ngân hàng ACB) thực hiện ủy thác hơn 718 tỷ đồng cho 19 nhân viên Ngân hàng ACB để gửi tiết kiệm vào Ngân hàng Vietinbank chi nhánh Nhà Bè và chi nhánh TP. Hồ Chí Minh.
Sau khi nhận được tiền ủy thác, 17 nhân viên Ngân hàng ACB đã ký hợp đồng gửi tiền tại Vietinbank chi nhánh TP. Hồ Chí Minh hơn 668 tỷ đồng. Hai nhân viên còn lại ký hợp đồng tương tự tại Vietinbank chi nhánh Nhà Bè, số tiền 50 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền nói trên đã bị Huỳnh Thị Huyền Như (quyền Trưởng phòng giao dịch Điên Biên Phủ, thuộc Vietinbank chi nhánh TP Hồ Chí Minh) chiếm đoạt.
Với hành vi trên, Viện KSND Tối cao quy kết, bằng nghị quyết của thường trực Hội đồng quản trị Ngân hàng ACB về việc ủy thác cho nhân viên gửi tiền tiết kiệm được ban hành từ ngày 22/3/2010, và được thực hiện đến ngày 5/9/2011, mặc dù Ngân hàng Nhà nước chưa có quy định hướng dẫn về nghiệp vụ ủy thác, do vậy, đã vi phạm các quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, gây thiệt hại cho Ngân hàng ACB hơn 718 tỷ đồng.
Cũng theo cáo buộc của cơ quan truy tố, việc Ngân hàng ACB ủy thác cho nhân viên gửi tiền vào 22 ngân hàng là làm trái quy định của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010. Hành vi làm trái này đã thu lợi cho Ngân hàng ACB số tiền lãi vượt trần hơn 243 tỷ đồng.
Do số tiền lãi thu được từ hoạt động này đã được ngân hàng hạch toán, trích nộp thuế theo quy định, và không gây thiệt hại về tài sản cho Ngân hàng ACB, nên chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
Luật không cho phép cá nhân ủy thác
Để làm rõ hơn việc có hay không cá nhân được nhận ủy thác, HĐXX cho gọi đại diện Ngân hàng Nhà nước. Theo đó, vị đại diện này cho rằng, Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực từ ngày 1/1/2011, và việc áp dụng cơ chế ủy thác chỉ dành cho tổ chức, nếu cá nhân muốn ủy thác, phải có hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước.
Điều 106. Nghiệp vụ ủy thác và đại lý
Ngân hàng thương mại được quyền ủy thác, nhận ủy thác, đại lý trong lĩnh vực liên quan đến hoạt động ngân hàng, kinh doanh bảo hiểm, quản lý tài sản theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
(Trích Luật Các tổ chức tín dụng)
HĐXX chuyển hướng sang thẩm vấn cựu Tổng GĐ Ngân hàng ACB – Lý Xuân Hải, ông này khẳng định, mình chỉ giữ chức năng giám sát, mọi chuyện ủy thác được giao cho Nguyễn Văn Hòa – Kế toán trưởng. Ngay lúc đó, thẩm phán Nguyễn Hữu Chính đã cho gọi ông Hòa để làm rõ. Tại tòa, ông Hòa khẳng định, với cương vị là cấp dưới, và được ủy quyền, nên chỉ làm theo nội dung ủy quyền.
Tòa hỏi ông Hòa về việc "hoa hồng" có quy định nào của pháp luật trong hoạt động của ngân hàng. Ông Hòa khẳng định, việc làm đó là đúng luật, bởi đó là khoản "chênh lệch" trong các dịch vụ thông thường của ngân hàng.
“Thế việc ủy thác như thế là đúng hay sai?” – vị chủ tọa hướng câu hỏi về phía ông Hòa. “Theo nhận thức của tôi, việc gửi tiền đi như vậy là đúng” – ông Hòa đáp.
Có không việc áp dụng hồi tố?
Bản cáo trạng (trang 19) thể hiện, chủ trương của Ngân hàng ACB về việc ủy thác cho nhân viên gửi tiền tiết kiệm được ban hành từ ngày 22/3/2010.
Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước chưa có quy định về hướng dẫn nghiệp vụ, và Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực từ ngày 1/1/2011.
Theo các chuyên gia pháp lý, thường trực Hội đồng quản trị Ngân hàng ACB đã thông qua từ trước khi luật có hiệu lực, vậy nên, nếu áp dụng chủ trương này là phạm luật là chưa thuyết phục, và có dấu hiệu áp dụng hồi tố, trong khi, nguyên tắc của áp dụng hồi tố là chỉ làm có lợi cho bị can, bị cáo.