Vụ tai nạn thảm khốc khiến 13 người chết ở Bình Thuận:

Xót xa, cuộc gọi từ điện thoại vợ báo tin... vợ đã chết!

“Tôi nghe thông báo xe vợ tôi bị tai nạn. Khi chưa hết hoảng hồn thì bất ngờ nhận được cuộc gọi từ số máy vợ tôi. Chưa kịp cười vui vì tưởng vợ gọi, nào ngờ giọng người lạ nói vợ tôi đã chết...”, ông Võ Thế Hà òa khóc nói.

Đến trưa ngày 23/5, thi thể của các nạn nhân xấu số trong vụ tai nạn thảm khốc khiến 13 người chết vẫn chưa được đưa về quê nhà an táng. Nguyên nhân là do phần lớn các nạn nhân đều bị chết cháy, không thể nhận dạng, phải chờ kết quả xét nghiệm ADN để xác minh nhân thân.

Tại làng quê thôn 4 (xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi), 2 căn nhà nằm cách nhau khoảng 80m cùng ngập trong không khí tang thương. Người thân, hàng xóm đang chờ thi thể hai chị em Lê Thị Thanh Doanh và Võ Thị Xuân (em chồng bà Doanh) được đưa về.

Nhận tin báo vợ chết từ chính số máy của vợ

“Tôi nghe anh Cường (bà con đang làm ở hãng xe khách Phương Trang) thông báo xe vợ tôi bị tai nạn. Khi chưa hết hoảng hồn, bất ngờ nhận cuộc gọi từ số máy vợ tôi, chưa kịp cười vui vì tưởng vợ gọi, nào ngờ giọng người lạ nói vợ tôi đã chết...”, ông Võ Thế Hà (SN 1962, ngụ thôn 4, xã Đức Chánh), chồng nạn nhân Lê Thị Thanh Doanh (55 tuổi) khóc òa khi kể lại lúc nhận tin vợ chết.

Ông Võ Thế Hà đau đớn khi cả vợ và em gái cùng tử nạn trên chuyến xe định mệnh vào TPHCM.

Ông Võ Thế Hà và bà Lê Thị Thanh Doanh có 3 người con. Do cuộc sống quá khó khăn, để có tiền cho các con ăn học trong TPHCM, bà Doanh đã theo con vào đây bán vé số. Hiện nay, 2 con trai lớn của ông bà đã có công ăn việc làm ở TPHCM và cô con gái út đang học năm thứ nhất trường Cao đẳng Y dược Hồng Đức (TPHCM).

“Một tháng qua, vợ về nhà phụ tôi gặt 6 sào lúa, rồi bả (bà ấy) đi lại vào TPHCM tiếp tục bán vé số. Trước lúc rời quê, bả còn hứa đến thu hoạch mùa tới (tháng 7 âm lịch) sẽ về giúp tôi gặt lúa. Vậy mà vợ đã đi mãi mãi không về nữa”, ông Hà đau xót nói.

Ngày lên xe khách vào Nam, bà Lê Thị Thanh Doanh còn mang theo 1,5 tạ gạo, 15 lít dầu phụng cùng với thức ăn gồm cá biển, trái bí, quả bầu, thịt gà, thịt vịt để làm thức ăn dự trữ...

Vừa mồ côi ba, các con lại đeo khăn tang mẹ

Cách nhà bà Lê Thị Thanh Doanh chừng 80m, có 4 người con cũng đang khóc gào thảm thiết vì mất mẹ. Đó là các con của bà Võ Thị Xuân (55 tuổi), là em chồng của nạn nhân Doanh.

Nỗi đau càng lớn hơn khi mới cách đây 4 tháng, chồng bà Xuân đã qua đời vì căn bệnh ung thư gan. Lo đám giỗ 100 ngày của chồng xong, bà Xuân mượn tiền bà con lối xóm để vào TPHCM chữa bệnh suy thận và thăm con gái út đang học năm 2 trường ĐH Văn hóa.

Con gái cùng bà con hàng xóm òa khóc, nghĩ đến nỗi đau mẹ mất mà chưa nhận dạng được thi thể.

Đúng vào ngày bà Võ Thị Xuân tử nạn, trong đêm 22/5, một người con dâu của bà Xuân đã hạ sinh em bé.

Ông Võ Út - em ruột bà Xuân - cho biết: “Chồng chị bị ung thư gan kéo dài, con trai lớn lúc sinh ra đã không có hậu môn, còn chị Xuân bị suy thận nặng. Cuộc sống gia đình chị vô cùng khó khăn, khi cuộc sống mưu sinh chỉ dựa vào vài sào lúa và trồng rau. Chồng chị vừa mất, giờ chị lại tử nạn, tội cho mấy đứa con chị quá, nhất là con bé út đang học năm thứ 2 đại học ở TPHCM”.

Những đứa trẻ khóc thảm thiết trước bàn thờ ba, hi vọng mẹ còn sống và trở về. Đến bữa ăn, chị Đinh Thị Hồng Diễm - con gái bà Xuân gào thét: “Mẹ ơi, sao mẹ không về ăn cơm với con, làm sao con ăn được khi thiếu mẹ đây...”. Chị Diễm dứt lời, cả gia đình và bà con lối xóm cùng òa khóc.

Hiện công tác giám định ADN các nạn nhân bị nạn vẫn chưa có kết quả.

Theo Theo Dân trí