Lăng kính

Xoẹt qua

TP - Từ năm 2015 đến nay, làng nhạc Việt mất mát nhiều tên tuổi lớn: Nhạc sỹ Hàn Ngọc Bích,  GS.TS. Âm nhạc Trần Văn Khê, nhạc sỹ Phan Nhân, nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu, nhạc sỹ An Thuyên…

Gần đây nhất tác giả của những ca khúc đắm say một thuở, nhạc sỹ Thanh Tùng, cũng nói lời vĩnh biệt. Dù cho có những đóng góp không  thể phủ nhận cho âm nhạc Việt nhưng không ai trong số họ được (hay bị?) ra đi quá ồn ào như sự ra đi của nhạc sỹ - ca sỹ Trần Lập vừa qua.

Tự hỏi nếu không vì sự ra đi ở tuổi còn khá trẻ với căn bệnh quái ác thì liệu Trần Lập có bỗng dưng đình đám? Có những bạn trẻ chưa từng biết  nhạc của anh, nghe tin anh tạ thế lại sụt sịt như thể khóc “thần tượng” lìa xa.  Không biết nên vui hay buồn khi những liveshow thành công về khán giả của Trần Lập thường liên quan đến sự tan rã hoặc báo hiệu chia tay như liveshow “giải tán” ban nhạc, mang tên “Ngày thứ Bảy cuối cùng” năm 2006, hay liveshow cuối cùng “Đôi bàn tay thắp lửa” . Khi còn sống, chắc Trần Lập không thể hình dung đến ngày đi về miền xa thẳm, anh lại khiến đám đông thổn thức cuồng nhiệt đến vậy, càng không dám tin mình được tung hô đến thế. Chưa có con số thống kê chính xác nhưng tang lễ của “Anh cả Rock Việt” có sự tham gia của hàng nghìn bạn trẻ và người hâm mộ. Ai bảo khán giả Việt không mặn mà với Rock?

 Không chỉ có đám đông ưu ái, Trần Lập cũng ngay lập tức được Hội Nhạc sỹ Việt Nam truy tặng kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp phát triển âm nhạc Việt Nam”. Giải “Cống hiến” cũng sẽ xem xét tôn vinh Trần Lập. Nhớ  trường hợp của nghệ sỹ Văn Hiệp. Trong lễ viếng và truy điệu của “Trưởng thôn” hồi năm 2013, 150 nghệ sỹ đã chuyền nhau kí vào tờ đơn xin truy tặng danh hiệu NSƯT cho nam diễn viên 71 tuổi, gắn bó 40 năm với nghề diễn, diễn xuất trong hơn 1000 tác phẩm kịch, phim truyện. Có lẽ danh hiệu NSƯT chỉ giúp người thân, những người yêu mến nghệ sỹ già thầm lặng “mát mặt”, còn Văn Hiệp đã ở “suối vàng” biết đâu để hân hoan. Còn bao nhiêu trường hợp khác mà phải khi ra đi nhiều năm mới được tôn vinh, hoặc hứa hẹn tôn vinh. Có bạn đọc viết: “Nếu họ thực sự đã cống hiến như thế sao lúc khi còn sống không tôn vinh họ mà cứ khi người ta mất rồi mới xem xét cái này cái kia, như thể ban tình thương như thế. Tôi tin những hành động đó mang tính bột phát là hiệu ứng tình cảm và như thế người đã khuất chắc cũng không lấy làm vinh hạnh”.

Có ai dám chắc, sau đám tang đông đảo và sự tung hô hết mức  thủ lĩnh Bức Tường, các bạn trẻ vẫn tiếp tục tình yêu với Rock hay đó chỉ là những ánh sao băng xoẹt qua rồi vụt tắt? Và Trần Lập lại trở về là “kẻ truyền lửa đơn độc”?