Xem 'Hạ cánh nơi anh': Phim Việt, bao giờ?

TP - Suốt tháng Hai - Ba, “Hạ cánh nơi anh” khuynh đảo các diễn đàn phim ảnh và mạng xã hội châu Á. Cơn sốt đi qua, nghiệm ra rằng: phim như thế càng hợp để xem và bàn luận vào những ngày cách ly vì dịch bệnh, hợp cả trong tháng Tư đầy kỷ niệm chiến tranh - hòa bình. Và câu hỏi không mới lại đặt ra: Bao giờ làm được như người ta? Bao giờ Việt Nam có một “Hạ cánh nơi anh” của mình?

KỊCH BẢN HẤP DẪN, BỐI CẢNH ÐỘC ÐÁO

Nói Hạ cánh nơi anh hợp để nhâm nhi trong những ngày ru rú cách ly, là vì bộ phim dịu ngọt này đưa lại cảm giác thư thái êm dịu, tạm quên những âu lo thắc thỏm bộn bề.

Mối tình liên Triều giữa nữ doanh nhân thành đạt - tiểu thư con nhà tài phiệt người Hàn Quốc với một quân nhân Triều Tiên là chủ đề thú vị. Bối cảnh thì như tên phim đã viết: Hạ cánh nơi anh - Crash landing on you. (Có khán giả nữ hít hà: “Hạ cánh tim em”. Bởi mê nam chính quá).

Số là trong một lần chơi môn thể thao dù lượn, nữ tài phiệt Yoon Se-ri gặp trận cuồng phong, cộng với lỗ hổng an ninh ở khu phi quân sự khiến cô vô tình hạ cánh xuống địa phận Bắc Hàn, và người đầu tiên cô đụng khi tiếp đất chính là Ri Jung Hyuk (cách viết khác là Ri Jeong Hyeok)- viên đại úy đẹp trai tài giỏi, đã làm thay đổi cuộc đời cô mãi mãi.

Một cường quốc phim ảnh như Hàn Quốc, đào xới chả thiếu gì, thế nhưng chủ đề liên quan Triều Tiên vẫn nhạy cảm. Hạ cánh nơi anh là cú đột phá ngoạn mục. Không chỉ kể câu chuyện tình độc đáo mà còn hé cánh cửa bí mật về đất nước Triều Tiên lạ lùng, đối lập hoàn toàn với người đồng bào phía Nam từ phục sức, cách nghĩ, lối sống trở đi.

Thỉnh thoảng lướt các kênh phim Việt, thấy nhiều nữ diễn viên bây giờ - không hiểu nghiệp dư hay chuyên nghiệp mà xinh quá. Nhưng câu chuyện, bối cảnh, tình tiết thì muôn năm cũ, nghe ngóng một lúc là chuyển kênh luôn, biết rằng phim phiếc này chẳng báu cho ai. Không giải trí nổi dù chỉ phút chốc. Người tài hiếm đến vậy sao? Khủng hoảng thiếu kịch bản hay đến bao giờ nữa?

Hai trong số khoảnh khắc khiến khán giả “tan chảy” của cặp đẹp "Hạ cánh nơi anh"

KHÔNG THỂ DỪNG

Sau khi cả châu Á đã thỏa mãn với cái kết của Hạ cánh nơi anh, mẹ con tôi mới ung dung ngồi nhâm nhi, xem có đáng sốt xình xịch? Đồng nghiệp Minh Tuấn ở cơ quan còn “lạc hậu” hơn: phải chờ đến thời điểm “giãn cách xã hội” mới thu xếp được mà thưởng thức.

Được vài tập đầu thấy hơi sốt ruột vì độ câu giờ, và nữ chính tâm lý- tính cách phát triển chậm. Nhưng rồi cứ hết một tập, chị con gái- đại biểu cho lũ khán giả “teen”, lại cười ngặt nghẽo: “Không dừng được đúng không? Thế mới là phim bộ chứ!”.

Là bởi cao trào ở phần kết luôn xứng đáng! Cả tập đầy chỗ đáng cúp bớt nhưng kết thì rất gợi tò mò. Chẳng thế mà tập mười mấy, Se-ri bị bắn trọng thương, khán giả phát sốt phát rét đoán già đoán non về cái kết bi thảm, dẫn đến rating hai tập cuối vọt theo phương thẳng đứng.

Phim Việt nay cũng cuốn chiếu, làm đến đâu phát đến đấy để thăm dò, hiệu ứng tốt mới sản xuất tiếp và thế là phải. Tôi thử lần lại trí nhớ xem từng có phim nội nào mà cái kết của tập trước khiến khán giả chỉ còn mỗi cách hong hóng chờ tập sau; nếu xem phát lại thì thức đêm thức hôm hoặc bỏ bê việc nhà cửa vào ban ngày, mắt mũi đờ dại sưng húp do cắm mặt vào màn hình nhiều quá, chơi mấy tập một lúc, tua đi tua lại những “xen” (cảnh) hay ho? Thì hình như không có.

Thời buổi mở mạng ra là ê hề phim hay, nhất là phim Mỹ, nếu không tóm bắt được nghệ thuật câu khách thì anh đừng hy vọng lung lạc, trì níu ai. Tất nhiên view và rating không là tất cả, có phim Việt chả nghệ thuật gì vẫn đầy người xem, báo chí hăm hở chạy theo đưa tin ầm ầm, nhưng vấn đề là cả Đông Nam Á, cả châu Á chung nhịp đập cơ. Khán giả như Trung Quốc có phải đói khát phim ảnh đâu mà vẫn ưu ái Hạ cánh nơi anh đến thế, thì chúng ta phải sờ lên gáy mình thôi. Nói về phim Trung Quốc, năm ngoái Diên Hy công lược là hiện tượng xứng đáng dù cũng mắc bệnh cường điệu của phim châu Á nói chung.

“MÌNH ANH RI ÐỦ TIÊU HẾT SẠN”

Nếu bỏ thời gian xem liền tù tì 16 tập Hạ cánh nơi anh trong vài ngày, khán giả khó tính dễ mà nhảy cóc. Bởi phim này không tránh khỏi một số lỗi thường gặp - như đã nói trên kia - của phim châu Á: đôi chỗ cường điệu, và bôi ra.

Sự nhàm của phim Mỹ nếu có, thường là sa vào công thức dễ đoán, nhưng phim Mỹ không bị ngô nghê hoặc giả khượt, còn bệnh của châu Á là hay làm quá, nói quá.  Đã khôn ngoan thế rồi, dụ dỗ câu kéo khán giả rất giỏi, nhưng vẫn không đủ nhạy cảm để tiết chế bớt.

Tuyến nhân vật phụ của Hạ cánh nơi anh, thú vị nhất có lẽ là bốn anh lính Bắc Hàn, đồng đội dưới quyền Đại úy Ri. Các tuyến khác không ấn tượng lắm. Kể cả mấy “bà thím” ở cùng quân thôn với Đại úy Ri cũng bị sa vào tiểu tiết nhiều quá, kịch hóa, và lê thê. Mẹ và cậu của Seo Dan thì tệ nhất - nhân vật thừa.

Nhiều người khen cặp phụ Seo Dan - Goo Seung Joon, nhưng cặp này không thuyết phục được tôi. Seo Dan tiêu biểu cho loại nhân vật gần như phản diện của phim truyền hình Hàn. Vào đầu phim, loại nhân vật này thường bị gán cho vai chính, làm như cưới đến nơi dù anh ả như nước với lửa chăng nữa. Hai bên cha mẹ gặp nhau thì khổ sở nặn chuyện, nhạt hoen hoét ra, mà vẫn bị đạo diễn bố trí vị trí thông gia tương lai. Không chỉ vì đây là “đám cưới chính trị” sắp đặt sẵn đâu mà phim Hàn thường thế. Với khán giả như tôi, chịu đựng một Seo Dan từ đầu đến cuối mang bộ mặt sưng sỉa đâm lê, thì không nhảy cóc không được. Tuyến nhân vật luôn như “kịch” khác nữa, là đại gia đình của Se-ri.

16 tập Hạ cánh nơi anh lẽ ra gút lại chục tập thì vừa. Thế nhưng chỉ mình “anh Ri” đủ cứu tất cả, khiến bao nhiêu sạn cũng nuốt trôi. Báo chí Hàn cho rằng phim xây dựng một nhân vật hoàn hảo đến nỗi không thể có ngoài đời!

Hyun Bin, năm nay 38 tuổi, vào vai “người hoàn hảo” Ri Jung Hyuk. Tôi chấm dáng vóc người này 10 điểm còn đường nét trên mặt thì xông xênh cho 9. Thần thái và diễn xuất khỏi chê. Ri Jung Hyuk của Hyun Bin “dã man” ở chỗ có thể làm khán giả lứa 6X, 7X, 8X phũ phàng quên đi những Jang Dong Gun, Bae Yong Joon, Park Shin Yang, Kwon Sang Woo, Ji Jin Hee (phu quân của nàng Dea Jang Geum)… ngời ngời ngày nào.

Ri Jung Hyuk đầy khí chất nam nhi, cương trực trung hậu, nói ít làm nhiều, thông minh tinh tế, văn võ song toàn. Việc quân đã giỏi lại có tài lẻ chơi dương cầm. Bờ vai rộng cực vững chãi ấy, sống mũi thẳng tắp và đôi tay đẹp ấy, vẻ mặt và ánh mắt chân thật ấy, nhất là khi nó hướng về Se-ri chứa chan tình cảm, thì khán giả không tan chảy mới lạ. Và một phim Hàn đương nhiên phải cắt nghĩa sự ưu tú của một quân nhân Bắc Hàn là Đại úy Ri như sau: tố chất chỉ một phần còn thì do anh thuộc loại “con nhà”, bố là Cục trưởng Cục Chính trị. Xuất phát điểm rất cao lại từng du học ở nước phương Tây tiên tiến- Thụy Sĩ.

So sánh nhân sự văn hóa văn nghệ giữa Việt  Nam và Hàn Quốc, khán giả Hồ Anh Thái (nhà văn) ngoa ngôn ngụy ngữ: “Mười cô Hàn Quốc gặp trên đường chỉ hai cô đẹp, trong hai cô ấy chỉ một cô có quyền lên phim. Mười cô Việt Nam gặp trên đường chỉ hai cô xấu, trong hai cô ấy thì cô kém tài hơn lên phim” (!) Đó là nữ còn nam tài tử thì sao?

 Vừa qua Nguyễn Chánh Tín qua đời, nghìn bài báo viết về anh - diễn viên tài năng nhất, danh giá nhất. Nhưng đó là câu chuyện của thời vang bóng, xa lắm rồi. Một “Chánh Tín phẩy” hôm nay - điện ảnh hoặc truyền hình - tài sắc hơn người, đốn gục fan Việt mọi lứa tuổi, có không? Không hề. Cũng như một “Ri Jung Hyuk Việt Nam” chỉ có trong mộng mà thôi. Fan toàn châu Á đều thổn thức kia kìa, đâu chỉ Việt ta.

Nói “mình Ri Jung Hyuk đủ làm tiêu tán hết sạn lớn sạn nhỏ”, là vì như thế đấy.

Bốn thuộc cấp ngộ nghĩnh của Đại úy Ri được khán giả ưu ái gọi là “F4 Bắc Hàn”  sau khi bộ phim gây sốt khắp châu Á
DẠY YÊU, VÀ NHỮNG ÐIỀU thú vị khác

“Tình yêu đến tình yêu đi ai biết/Trong gặp gỡ đã có mầm ly biệt”. (Thơ Xuân Diệu). Tuy vậy sau bao biến cố, có lúc tưởng vô vọng, “cặp đẹp” trong Hạ cánh nơi anh chứng minh thêm một sự thật khác nữa: Chỉ có cái chết mới chia lìa lứa đôi.

Kể từ thời khắc định mệnh- bất đồ rơi vào thế giới của Trung đội trưởng Ri, mỗi ngày Se-ri đều được anh thu vào tầm mắt của mình “chỉ cần ở trong tầm mắt của tôi, cô sẽ an toàn”. Anh là người mà cho dù phải trả giá đắt kể cả tính mạng, cô cũng muốn có trong đời.

Trung đội trưởng Ri khéo léo pha cà phê kiểu thủ công để đãi vị khách không mời; quay ngang quay ngửa chiếc xe đạp mấy lượt trong đêm để đón cô mải tán chuyện với bà vợ quân nhân trong thôn đến quên cả thời gian; rồi năm lần bảy lượt đánh đổi mạng sống để tìm cách đưa cô hồi hương như ý nguyện; lặn lội đến tận Seoul để bảo vệ cô khỏi sự săn đuổi của Thiếu tá Cho Cheol Gang tàn bạo… Nói thì không thừa một câu, cử chỉ hành động đều tự nhiên và hợp lý cao độ. Dạy cho khán giả rằng: yêu là như thế đấy.

Đạo diễn rất khéo bày ra những tình tiết không trùng lặp, để cho thấy thế nào là một người yêu lý tưởng, trong mộng của phụ nữ. Chi tiết này mà không hay à: Se-ri bị lạc ở chợ biên giới Bắc Hàn lúc tối trời lại không có điện, thế là Jung Hyuk, đầy quan tâm tinh tế, ngọn nến thơm cháy sáng trên cánh tay giơ cao đi dọc chợ, giữa những mặt người, cuối cùng tìm được cô lúc này không thể không nhìn anh với đôi mắt ngỡ ngàng mọng nước.

“Người hoàn hảo” lúc ở nhà của Se-ri tại Seoul, hí húi viết xong dán công thức nấu ăn lên cánh tủ lạnh, bởi biết rằng anh khó có cơ hội trở lại nơi đây. Dọn dẹp, chất thức ăn đầy tủ đâu ra đấy xong (vì cô vốn lười ăn), anh dùng thân mình áng chừng chiều cao của cô rồi dịch chuyển đám thực phẩm xuống ngăn dưới của tủ bếp cho vừa tầm với của cô. Se-ri đi làm về thấy nhà tối om, ngỡ Jung Hyuk và đồng đội đã lặng lẽ về miền Bắc bèn thụp xuống nức nở tuyệt vọng mà không biết rằng họ chỉ đang định làm cô bất ngờ trong sinh nhật đáng nhớ mà thôi. Muốn “ở lại đây kết hôn và sinh những đứa con giống em” nhưng biết rằng không thể, nên khi chuẩn bị ra đi, “người tinh tế” đã cài đặt tin nhắn tự động dặn dò đủ thứ trên đời trong cả năm trời, để cô biết “anh luôn nghĩ về em”, và sẽ không bao giờ cô đơn hoảng sợ nữa.

Nếu khen hai nhân vật chính của Hạ cánh nơi anh dạy người ta biết yêu, khen đạo diễn biết yêu thì  nhìn sang ta, hóa ra đa số đạo diễn chẳng biết yêu gì cả, cần học “yêu lại từ đầu”? Tôi hay giễu một người nhà suốt ngày xem phim nội rằng: “Xem mãi những phim trong nhà ngoài phố, tranh vợ cướp chồng, trốn chúa lộn chồng mà không chán à?”. Nhân vật già trẻ lớn bé chưa lên tiếng đã biết sẽ nói gì, chưa làm đã đoán ra, vì dấn vốn quanh quẩn có bấy nhiêu đó thôi. Nghe cha con mẹ con, bạn bè và nhất là những người yêu nhau đối thoại mà ngượng chín. Không có tình huống, không có ngôn ngữ nhân vật, không tính cách. Phụ nữ Việt có đến nỗi kém duyên lắm đâu, thế mà vào phim nếu không như mảnh sành cong (tức là đáo để) thì lại nhạt như nước trứng luộc (tệ hơn nước ốc), luôn đối đáp với cái cằm hất hất trông phản cảm. Đàn ông thì khỏi nói, đơn giản như cục gạch!

Khán giả dễ mà ngất trên cành quất với khoảnh khắc anh quyết định cùng cô bung dù lao xuống chân núi để trốn khỏi sự truy đuổi của Bộ An ninh. Rồi cảnh phóng xe máy phân khối lớn trên đường, vũ khí đầy mình yểm trợ cô thoát khỏi cái chết trông thấy. Hoặc cảnh “tiến thêm một bước nữa cũng không sao đâu nhỉ” vô cùng ngọt ngào đau đớn ở ranh giới biên ải Bắc-Nam, cũng là ranh giới mối quan hệ của họ. Chết chết, nhiều lắm kể sao cho hết. Cảnh chia ly cuối phim ở biên giới Hàn-Triều thì thôi rồi, khán giả cứ là khóc như ri.

Ngoài một tình yêu không biên giới, Hạ cánh nơi anh còn khiến người ta ngâm ngợi về những điều khác nữa. Như tình đồng đội đẹp và cảm động. Của những người lính Bắc Hàn. Hay về nhân tình thế thái “người giàu cũng khóc”- nói như “trend”  bây giờ: Tiền nhiều để làm gì? (Hãy xem đại gia đình Se-ri, giàu sụ nhưng ai nấy rời như những cái que). Đặc biệt là khát vọng hòa bình thống nhất đất nước, để có được “mùa bình thường mùa vui nay đã về” (Văn Cao).

Trong một tập, Se-ri nói với Đại úy Ri: “Tôi chán nơi này lắm rồi, đứng cạnh nhau cũng là phạm pháp”. Chiến tranh mãi là điều phi lý, phi nhân nhất. “Thù hận làm đời ta ngắn lại” (Lê Minh Khuê). Xung đột, thù hận, nghịch cảnh khiến người ta sống mà chưa từng và không dám mơ về hạnh phúc, tương lai.

Cho nên mới nói, phim này hợp để xoa dịu nỗi buồn, xì trét, hay nhàm chán lo âu vì social distancing (giãn cách xã hội), mà còn hợp để đề cập trong số báo tháng Tư này. Hòa bình đã vãn hồi trên mảnh đất này từ lâu lắm rồi, từ bấy đến nay bao nhiêu nước chảy qua cầu nhưng nỗi buồn chiến tranh sâu thẳm vẫn nguyên đó. Nhìn sang hai miền Bắc và Nam Hàn thì có sợ không, để thêm trân quý điều ta có hôm nay.

Hạ cánh nơi anh chiếu đến đâu khán giả phát sốt đến đấy, ăn theo không thiếu trò gì: Nào là thời trang của “nam thần” Hyun Bin và “chị Đẹp” Son Ye Jin ngoài đời; nào khai quật các mối tình xưa cũ của Hyun Bin, nào “đẩy thuyền” để Hyun Bin và Ye Jin đến với nhau. Trên mạng đầy clip hậu trường bộ phim hoặc trích xuất các cảnh “tình bể bình”, những lời thoại có cánh... “Fan cuồng” thì bỏ thời gian “cày” tất cả các phim Hyun Bin từng đóng, đọc mọi bài báo về chàng. “Xong phim” từ đời nào mà hết nhóm nọ hội kia vẫn được lập trên mạng để còn rúc rích bàn luận.

Tóm lại, dư ba xa rộng của một bộ phim, vinh quang của ê-kip (danh tiếng ắt đi kèm tiền bạc) khiến không chỉ  người trong nghề “thấy mà thèm”. “Làn sóng Hàn Quốc” lại một phen nổi như cồn khắp Á châu, tiếng thơm bay sang cả châu lục khác. Trong so sánh thì phim ta như Về nhà đi con chẳng hạn, năm qua được báo chí tung hô nhưng liệu có đạt bộ chỉ số như trên kia đã điểm, của Hạ cánh nơi anh? Và có ra khỏi biên giới Việt Nam được không?

 “Mười cô Hàn Quốc gặp trên đường chỉ hai cô đẹp, trong hai cô ấy chỉ một cô có quyền lên phim. Mười cô Việt Nam gặp trên đường chỉ hai cô xấu, trong hai cô ấy thì cô kém tài hơn lên phim”.
Khán giả - nhà văn 
HỒ ANH THÁI 

Cho nên, dông dài cũng chỉ để nhắc: Bao giờ chúng ta có tác phẩm đỉnh cao do “nhà trồng” để khỏi tơ tưởng vái vọng tận đâu đâu? Bao giờ được Win-Win? (nghệ sĩ và khán giả phim nội). Giới mang danh làm nghệ thuật nhà ta cứ mải chao liệng và hái hoa bắt bướm ở đâu? 

“Tôi chìm đắm trong sắc đẹp và kỹ năng diễn xuất của Ye Jin để vào vai Đại úy Ri Jung Hyuk đạt nhất có thể”.
HYUN BIN nói về vai diễn trong “Hạ cánh nơi anh” (Dẫn theo báo chí Hàn Quốc)

Hạ cánh nơi anh bị phía Triều Tiên phản ứng, cho rằng xuyên tạc hình ảnh con người và đất nước Triều Tiên tươi đẹp, và “Hàn Quốc sẽ phải trả giá vì điều này”. Khán giả trung lập như chúng ta trái lại, dễ có cảm giác rằng: nhân vật hư cấu Ri Jung Hyuk khiến sau khi cộng trừ thì Triều Tiên qua vụ này, lại lãi hơn là lõm. Bao sự “kỳ cục”, “oái oăm” mà bộ phim Hàn này ngầm lột tả “phía bên kia”  đều bị bỏ qua bên, để rồi khán giả chỉ say mê, tập trung vào điểm sáng lung linh đó thôi.