Với hơn 34 ngàn chiếc xe công trên cả nước, việc thực hiện khoán xe công sẽ giúp giảm hơn 10 ngàn chiếc, từ đó tiết kiệm cho ngân sách được hơn 3.400 tỷ đồng mỗi năm tiền vận hành số xe nói trên. Dự kiến, cấp chủ tịch tỉnh cũng sẽ phải thực hiện khoán, không còn tiêu chuẩn xe công phục vụ đưa đón như trước nữa. Từ hàng ngàn tỷ tiết kiệm mỗi năm, hẳn sẽ có thêm nhiều trường học, bệnh viện, công viên và các công trình phúc lợi xã hội khác cho người dân mọc lên. Như vậy, khoán xe công chắc chắn là một chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân! Không chỉ dừng lại ở việc giảm chi tiêu hàng ngàn tỷ đồng tiền thuế của dân mỗi năm, khoán xe công cho các chức danh lãnh đạo còn thể hiện rõ quan điểm xây dựng một chính phủ liêm chính, hết lòng phục vụ nhân dân, như người đứng đầu chính phủ mới Nguyễn Xuân Phúc từng tuyên bố.
Xe công là phương tiện để các “công bộc của dân” đi thi hành công vụ, phục vụ nhân dân, thế nên không thể ngồi xe quá sang trọng dễ gây phản cảm, khó gần dân. Ngay như bên nước Lào anh em cũng vừa đấu giá hàng loạt xe sang công vụ để lấy tiền sung vào công quỹ. Thế nhưng ở ta, công luận vừa phát hiện hàng loạt xe sang biển xanh quá tiêu chuẩn, hỏi ra mới biết đó là những chiếc xe sang được các doanh nghiệp biếu tặng. Vẫn biết dùng xe biếu tặng làm xe công sẽ đỡ tốn ngân sách, và cứ cho là doanh nghiệp đã bỏ ra cả dăm tỷ, bảy tỷ để mua xe tặng tỉnh nhà chỉ vì thứ tình cảm trong vắt, vô vụ lợi, thử hỏi đơn vị nhận quà biếu bạc tỷ này có rơi vào tình thế xung đột lợi ích trong tương lai? Câu trả lời là rất có thể, bởi một khi doanh nghiệp đang hoạt động tại tỉnh nhà, chắc chắn họ đang là đối tượng quản lý nhà nước của chính quyền địa phương. Liệu khi doanh nghiệp có sai phạm, tỉnh có dám xử lý mạnh tay? Hoặc chí ít, liệu các doanh nghiệp khác không có xe sang biếu tặng có được đối xử bình đẳng? Và nếu doanh nghiệp thực sự biết ơn và yêu quý tỉnh nhà, sao không biếu tặng dưới hình thức khác có nhiều ích lợi hơn cho sự phát triển của địa phương, ví như xây trường học, bệnh viện, trao quỹ học bổng…
Một loạt câu hỏi đặt ra đủ lý giải, vì sao tại phiên họp thường kỳ Chính phủ ngày 1/3 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu một số địa phương trả lại xe biếu tặng và chỉ đạo “từ nay các địa phương không được nhận ô tô doanh nghiệp tặng”.
Bớt xe công để giảm chi tiêu công, không được nhận xe tặng để loại trừ xung đột lợi ích trong lĩnh vực công quyền. Thêm một động thái quyết liệt minh chứng cho tuyên bố “xây dựng một Chính phủ hành động, kiến tạo, liêm chính, phục vụ phát triển, phục vụ nhân dân” của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.