Đầu tư - Phát triển:

Xe buýt mất lợi thế vì đường ùn tắc

TP - Tuy trợ giá năm sau luôn tăng hơn năm trước và mạng lưới tuyến đã vươn đến 30/30 quận, huyện, nhưng 10 tháng qua, xe buýt Thủ đô phát triển không đạt mục tiêu. Trước thực trạng này, lần đầu tiên Sở GTVT Hà Nội tổ chức buổi đối thoại với doanh nghiệp vận tải buýt để nắm bắt thực trạng, tìm giải pháp.
Sau một thời gian phát triển mạnh, sản lượng xe buýt đang bị chững lại vì nhiều nguyên nhân. Ảnh: A.Trọng

Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, Hà Nội là một trong những thành phố có hệ thống xe buýt được quan tâm và đầu tư tương đối lớn, mạng lưới tuyến đã phủ hết 30 quận, huyện. Tuy nhiên, khả năng phục vụ vẫn chưa đáp ứng được hết nhu cầu đi lại của người dân, các tuyến buýt ra ngoại thành chủ yếu vươn đến các trung tâm huyện, thị trấn, nhiều thôn, xã dân cư đông, có nhu cầu đi lại lớn nhưng xe buýt vẫn chưa vươn đến được.

Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội (Tramoc) Nguyễn Hoàng Hải thẳng thắn nhìn nhận, bên cạnh những mặt tích cực xe buýt Thủ đô vẫn đang bộc lộ những bất cập. Cụ thể, sản lượng hành khách tăng nhưng vẫn thấp hơn so với yêu cầu tăng trưởng; một số tuyến sau khi điều chỉnh, hợp lý hóa luồng tuyến chưa phát huy hiệu quả như kỳ vọng. “Chất lượng dịch vụ xe buýt chưa được bảo đảm do phải chịu ảnh hưởng bởi tình trạng ùn tắc giao thông, hạ tầng (nhà chờ, điểm trung chuyển, đầu cuối) chưa được đầu tư đồng bộ, chỉ trong 10 tháng qua đã có 621 xe phải bỏ chuyến do tắc đường; hơn 24.000 lượt xe phải quay đầu” ông Hải nêu thực tế.

Lý giải thực trạng phát triển sản lượng buýt thời gian qua không đạt mục tiêu, Phó Tổng Giám đốc Tổng Cty Vận tải Hà Nội (Transerco) Nguyễn Công Nhật cho rằng, hạ tầng phục vụ xe buýt mới chỉ có 12% các điểm dừng có nhà chờ. Cùng với đó, thời gian chuyến đi của khách cũng bị ảnh hưởng bởi đường sá ùn tắc, tổ chức giao thông… làm giảm sức hấp dẫn của xe buýt. “Đặc biệt nếu các năm trước, giá vé xe buýt rẻ là một lợi thế thì hiện vấn đề này đang mất đi trước sự phát triển mạnh mẽ của các loại hình vận tải công nghệ, xe đạp điện. Hiện nay nếu hành khách di chuyển với quãng đường 10 km thì xe buýt không thể cạnh tranh về thời gian, giá thành với các loại hình vận chuyển công nghệ ”, ông Nhật dẫn chứng. 

Từ thực tế này, ông Nhật đề nghị, muốn tăng sản lượng khách đi xe buýt, việc cần làm đầu tiên là phải tăng được tốc độ di chuyển của xe buýt, đảm bảo thời gian đi lại đúng giờ, hành trình ổn định cho người dân.

Giám đốc Tramoc Nguyễn Hoàng Hải thì cho rằng, hiện nay do xe buýt vẫn phải vận hành chung với dòng giao thông hỗn hợp nên thời gian di chuyển của hành khách chưa thể nhanh hơn các loại hình khác và hành trình được ổn định. “Hạ tầng phục vụ cho xe buýt dù đã được thành phố chú trọng đầu tư, phát triển, song vẫn còn thiếu và chưa bảo đảm theo quy hoạch, dẫn đến việc tiếp cận xe buýt của hành khách còn khó khăn...”, ông Hải nói.

Từ thực tế trên, ông Hải kiến nghị, trong phương án tổ chức giao thông cần ưu tiên cho vận tải khách công cộng, đối với những tuyến đường rộng nên bố trí làn đường ưu tiên cho xe buýt. Theo ông Hải, xe buýt có làn đường ưu tiên sẽ là yếu tố quyết định để xe buýt lưu thông nhanh, đúng giờ.