Xây dựng ngành BHXH điện tử theo định hướng chuyển đổi số quốc gia

Với kết quả chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin đã đạt được thời gian qua, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đang đẩy mạnh triển khai các tiện ích trên cơ sở khai thác dữ liệu điện tử để phục vụ tốt nhất người người tham gia BHXH, Bảo hiểm Y tế (BHYT), Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Ông Nguyễn Hoàng Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin (BHXH Việt Nam) chia sẻ về công tác chuyển đổi số của ngành.

Ông Nguyễn Hoàng Phương cho biết, những năm qua, BHXH Việt Nam đã và đang đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin theo định hướng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số. Các nhiệm vụ này được triển khai cũng nhằm đáp ứng yêu cầu đảm bảo an sinh xã hội quốc gia, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt, toàn diện hơn trong lĩnh vực BHXH, BHYT.

- Tới nay, kết quả xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm đã triển khai ra sao, thưa ông?

Ông Nguyễn Hoàng Phương: BHXH Việt Nam được Thủ tướng giao chủ trì xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm, đây là 1 trong 6 cơ sở dữ liệu quốc gia quan trọng được Chính phủ ưu tiên triển khai. Xác định rõ vai trò và trách nhiệm, BHXH Việt Nam đã và đang tích cực phối hợp với các bộ ngành liên quan hoàn thiện quy chuẩn kỹ thuật, tập trung hoàn thiện cơ sở dữ liệu chuyên ngành, danh mục dữ liệu mở để sẵn sàng kết nối, chia sẻ theo chỉ đạo của Chính phủ.

Hiện, ngành BHXH đã xây dựng, hoàn thiện kho dữ liệu của hơn 98 triệu người dân, tương ứng với gần 28 triệu hộ gia đình trên toàn quốc; kết nối liên thông với gần 13.000 cơ sở y tế; trên 620 nghìn tổ chức sử dụng dịch vụ công trên toàn quốc... Toàn ngành đang có gần 30 hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tổ chức hoạt động. Gần như các hoạt động của ngành, các giao dịch của người dân, doanh nghiệp với cơ quan BHXH đã được thực hiện trên môi trường số, góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí.

Ông Nguyễn Hoàng Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin, BHXH Việt Nam

- Việc chia sẻ dữ liệu với các bộ ngành khác được BHXH thực hiện ra sao?

Ông Nguyễn Hoàng Phương: BHXH Việt Nam luôn đi đầu trong kết nối, chia sẻ dữ liệu của ngành với các bộ ngành liên quan. Điển hình, ngay khi Cơ sở dữ liệu dân cư được Bộ Công an vận hành, BHXH Việt Nam là đơn vị đầu tiên được kết nối, chia sẻ, đồng bộ thông tin công dân. BHXH Việt Nam cũng thực hiện kết nối, chia sẻ, liên thông dữ liệu khai sinh, khai tử, hưởng chế độ tử tuất, mai táng phí với Bộ Tư pháp; chia sẻ dữ liệu thẻ BHYT cho các cơ sở khám chữa bệnh; chia sẻ dữ liệu hộ gia đình tham gia BHYT cho Bộ Y tế để xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử; bổ sung, điều chỉnh, chuẩn hóa dữ liệu chia sẻ với Tổng cục Thuế; kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia; chia sẻ dữ liệu về học sinh, sinh viên với Bộ GD&ĐT, dữ liệu về BHXH, BHTN với Bộ LĐ-TB&XH...

- Chính phủ đã phê duyệt Đề án chuyển đổi số quốc gia giai đoạn tới năm 2025, tầm nhìn tới năm 2030 (Đề án 06), việc triển khai chuyển đổi số trong lĩnh vực BHXH,BHYT đã được thực hiện ra sao, thưa ông?

Ông Nguyễn Hoàng Phương: Thực hiện Đề án số 06, BHXH Việt Nam đã chủ động phối hợp với ngành Công an tích hợp thông tin BHYT của người dân lên Căn cước công dân gắn chíp, điều chỉnh phần mềm để đưa vào sử dụng dịch vụ làm thủ tục khám chữa bệnh BHYT bằng căn cước công dân gắn chíp. Tới giữa tháng 10 vừa qua, đã có hơn 3,8 triệu lượt tra cứu BHYT bằng căn cước công dân gắn chíp thành công khi khám chữa bệnh BHYT.

BHXH Việt Nam cũng phối hợp với các bộ ngành triển khai thí điểm xác thực sinh trắc vân tay trên căn cước công dân gắn chíp để xác minh danh tính người bệnh khi làm thủ tục khám chữa bệnh BHYT, làm thủ tục chế độ BHXH, BHYT, BHTN... hạn chế tối đa tình trạng trục lợi.

- Thời gian tới, BHXH sẽ triển khai các nhiệm vụ gì để chuyển đổi số mạnh mẽ và toàn diện?

Ông Nguyễn Hoàng Phương: Thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số của ngành BHXH đã mang lại nhiều kết quả tích cực, phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn; giải quyết, chi trả chế độ kịp thời, nhanh chóng, chính xác; nâng cao hiệu quả thanh kiểm tra, giám sát quản lý, sử dụng quỹ, phòng chống gian lận, trục lợi quỹ BHXH, BHYT, BHTN...

Thời gian tới, BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành thực hiện chuyển đổi số, hình thành ngành BHXH số; đảm bảo tất cả các phần mềm của ngành BHXH được liên thông theo quy định; hoàn chỉnh hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm và kết nối, chia sẻ với các bộ ngành liên quan. Tiếp tục hoàn thiện ứng dụng công nghệ thông tin mới làm nền tảng phát triển các ứng dụng, dịch vụ mới để mang lại hiệu quả trong quản lý, xây dựng ngành BHXH Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp, vì sự hài lòng của tổ chức, cá nhân, mang lại lợi ích cho toàn xã hội.