Xây dựng công viên sinh thái trên hòn đảo ‘hữu Bạch Hổ’ nổi tiếng xứ Huế

TPO - Cồn Dã Viên - yếu tố phong thủy “hữu bạch hổ” quan trọng của Kinh thành Huế xưa - đang được Trung tâm Công viên Cây xanh Huế đầu tư, chỉnh trang thành công viên sinh thái ở khu vực phía tây, sau khi phần đất phía đông của hòn đảo nổi trên sông Hương này đã cải tạo thành một phần công viên cây xanh, điểm ngắm cảnh, dạo bộ từ 2 năm trước.

Việc đầu tư chỉnh trang công viên sinh thái ở khu vực phía tây cồn Dã Viên nhằm từng bước hiện thực hóa ý tưởng biến nơi đây thành một vườn “Ngự uyển” như vốn có một thời.

Đầu năm 2021, cồn Dã Viên được Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế lúc bấy giờ là ông Phan Ngọc Thọ phê duyệt vào danh mục các dự án kêu gọi đầu tư xã hội hóa, nhưng “không chấp nhận đầu tư lưu trú”. Trong khi, nơi đây từng được quy hoạch có không gian lưu trú (khoảng 120 nhà vườn) đan xen trong các khu vườn sinh cảnh.

Tiếp đó, vào tháng 5/2021, UBND thành phố Huế đã cho công bố phương án quy hoạch, đầu tư tại cồn Dã Viên, với nhiều hạng mục, chức năng phục vụ du lịch, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử, cảnh quan thiên nhiên. Theo đó, cồn Dã Viên sẽ là công viên Thiên niên kỷ - khu văn hóa đa chức năng, với quy mô 10,5 hecta. Tại đây sẽ tái lập một khu “vườn Ngự” như từng có dưới thời nhà Nguyễn, tạo điểm đến hấp cho du khách, người dân. Ảnh phối cảnh.

Để từng bước cụ thể hóa phương án đầu tư, quy hoạch cồn Dã Viên theo ý tưởng mới, sau khi hoàn thiện khu vực công viên cây xanh tại mũi đất phía đông của hòn đảo, Trung tâm Công viên Cây xanh Huế hiện xúc tiến đầu tư, chỉnh trang công viên phần đất phía tây, với diện tích rộng hơn.

Công viên phía đông cồn Dã Viên đã được chỉnh trang, với chủ yếu là hệ cây xanh được trồng mới, tôn tạo cùng với hệ thống đường dạo.

Đường dạo bộ phía đông cồn Dã Viên đã hoàn thiện.

Một điểm ngắm cảnh phần công viên phía đông cồn Dã Viên trong quá trình hoàn thiện.

Khác với khu vực phía đông, phần đất phía tây của cồn Dã Viên hiện còn tồn tại nhiều công trình xưa cổ, nơi có nhà máy nước sinh hoạt xây dựng từ thời Pháp (riêng thủy đài xây dựng từ năm 1953), đài Quan Phong, sự đa dạng về hệ thực vật, cây xanh…

Một vườn dừa cổ thụ, với thân cây cao vút tại khu vực phía tây cồn Dã Viên.

Quá trình chỉnh trang, các cây cổ thụ bản địa và cây ăn quả do người dân trồng khi sinh sống nhiều năm trên hòn đảo này đã được giữ lại.

Nơi đây vẫn còn một số nhà dân chuẩn bị di dời.

Nhà máy nước Dã Viên.

Sông Hương nhìn từ phía tây cồn Dã Viên.

Sau khi phát quang, cải tạo mặt bằng, đài Quan Phong cổ thời nhà Nguyễn (cao khoảng 2 m) đã bất ngờ phát lộ ở phía tây cồn Dã Viên, với bức tường bằng gạch vồ gần như còn nguyên trạng.

Một góc chân đài Quan Phong.

Một tấm bia cổ ở phía tây cồn.

Mặt bằng quanh nhà máy nước Dã Viên thuộc dự án chỉnh trang công viên đang được cải tạo.

Hệ thống đường dạo được nối thông từ khu vực phía đông sang phía tây cồn Dã Viên từ cả hai phía giáp bờ sông Hương về phía bắc và phía nam.

Hai tuyến đường dạo này có những đoạn ngắn phải chạy phía dưới tĩnh không tuyến đường bộ và đường sắt vượt sông Hương.

Tuyến đường dạo đang được lát đá phía trên nền bê tông kiên cố.

Hệ thống điện chiếu sáng chuẩn bị được lắp đặt trên đường dạo ven sông Hương thuộc cồn Dã Viên.

Theo Trung tâm Công viên Cây xanh Huế dự án đầu tư chỉnh trang cồn Dã Viên khu vực phía tây có tổng kinh phí 13 tỷ đồng, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2023.

Theo các tài liệu văn hóa lịch sử, cồn Dã Viên có chiều dài khoảng 850 m, nơi rộng nhất khoảng 185 m, chếch về phía tây nam Kinh thành Huế. Khi xây dựng Kinh thành Huế, cồn Hến được chọn làm yếu tố phong thủy “tả thanh long”, cồn Dã Viên là “hữu bạch hổ”. Đó là hai hòn đảo tự nhiên nằm ở sông Hương (đoạn chảy qua TP Huế hiện nay), được các nhà kiến trúc quy hoạch hình tượng hóa thành “rồng chầu” và “hổ phục” để bảo vệ cho vương triều theo thuật phong thuỷ phương Đông.