Vươn khơi, làm chủ Trường Sa

TP - Từ chỗ lép vế về số lượng so với tàu cá nước ngoài, tàu cá của ngư dân Việt Nam đang chiếm tỷ lệ áp đảo ở Trường Sa, do có chỗ dựa về tinh thần, sự hỗ trợ về vật chất ngày càng lớn để vươn khơi, làm chủ vùng biển Trường Sa.
Tàu KH 97777 – TS của gia đình anh Nguyễn Sinh

Từ chiếc thuyền con đến đội tàu ngàn ngựa

Một đêm đầu tháng 5/2013, đang ngon giấc trong khoang thủy thủ tàu 936 ở giữa Trường Sa, tôi bị đánh thức bởi ánh sáng khá mạnh rọi vào mặt. Lúc đầu tưởng là ánh trăng, nhưng nhớ ra, đêm cuối tháng âm lịch không có trăng. 

Nhìn ra ngoài, mới hay đó là ánh sáng từ những dàn đèn của dăm chục chiếc tàu đánh cá xung quanh. Chợt nhớ lời anh Nguyễn Sinh, một ngư dân ở thành phố Nha Trang (Khánh Hòa) nói với tôi trước Tết năm đó, “sang năm ông ra Trường Sa mà coi, đèn sáng hơn cả ở vịnh Nha Trang nữa”.

Gia đình anh Sinh ở cửa Thuận An (Huế), vào Nha Trang từ năm 1968. Nhà nghèo, đông anh em, những năm 1978 – 1979 anh Sinh từng phải dắt em đi ăn xin. Năm 1993, cha con anh gom tiền dành dụm và vay mượn thêm, mua chiếc tàu cũ với giá 1,3 cây vàng. Chiếc tàu nhỏ xíu, chỉ chở được nhiều nhất 7 cây đá, cha con anh Sinh quanh quẩn đánh cá ven bờ. 

Cuối năm đó, chiếc tàu cơ nghiệp nhà anh Sinh suýt bị đánh tan trong một trận bão. “Mấy chục chiếc tàu núp ở bãi Trũ, chỗ khách sạn Vinpearl bây giờ bị bão hất lên bờ nát hết, may sao chiếc của tôi và hai chiếc nữa thoát được” anh Sinh kể. Hai năm sau anh Sinh trả hết nợ, mua chiếc tàu công suất hơn 30 sức ngựa (cv). Đôi lúc anh Sinh cũng đưa tàu ra tận Trường Sa, xuống vùng biển Cà Mau đánh bắt cá, nhưng ít hiệu quả. 

Anh xin đi cùng mấy người có tàu lớn hơn, nhưng họ không chịu vì tàu anh nhỏ, máy Trung Quốc kém ngon, chạy chậm. Nhận rõ những bất lợi của tàu nhỏ, anh em anh Sinh nung nấu ước vọng có một con tàu lớn để chủ động vươn khơi. Năm 2000, gia đình anh bị giải tỏa, từ phường Vĩnh Thọ chuyển về khu dân cư Hòn Rớ, xã Phước Đồng. 

Sau khi xây nhà mới còn dư 9 cây vàng tiền đền bù, cộng với tiền chắt chiu dành dụm được, anh mua được chiếc tàu 90 sức ngựa. Công việc làm ăn thêm thuận lợi, năm 2004 anh sắm chiếc tàu 340 ngựa, năm 2007 sắm tàu 450 ngựa, vào loại lớn nhất trong các tàu đánh cá ở tỉnh Khánh Hòa khi đó.

Sang năm ông ra Trường Sa mà coi, ở đó đèn tàu mình sáng hơn cả ở vịnh Nha Trang nữa đó. Ngán gì mấy tàu Trung Quốc, biển của mình mình làm, có phải không có ai giữ đâu”.       

Chủ tàu cá Nguyễn Sinh

Đến đầu năm 2012, khi đã có gần chục chiếc tàu từ 340 ngựa đến trên 500 ngựa, anh em anh Sinh quyết định đóng một chiếc tàu thật lớn, để làm “tàu mẹ” trong đội tàu của gia đình. Con tàu mang số hiệu KH 97777 - TS của họ dài 23m, rộng 6,5m, công suất hơn 1.100cv, chịu được sóng cấp 8 - cấp 9… Từ khi có chiếc tàu “khủng” này, đội tàu của gia đình anh Sinh thay đổi cách đi biển khai thác hải sản. 


Thay vì mỗi chiếc đánh được kha khá cá mới quay về bến hoặc hết dầu phải về, bây giờ cứ dăm ngày các tàu con lại gom cá sang tàu mẹ để đưa về đất liền rồi sau đó mang dầu, mang đá ra cho các tàu con tiếp tục bám biển. Tàu đỡ tốn dầu chạy vô chạy ra, cá được đưa về bờ sớm hơn tươi hơn nên được giá hơn. 

Sau tàu KH 97777 - TS, anh em Nguyễn Sinh còn đóng hai tàu lớn nữa. “Mùa bão vẫn đi, vì cá được giá. Bạn nghề có việc làm thường xuyên, thu nhập khá nên họ gắn bó với anh em tôi hơn”. Anh Sinh nói về những cái được của việc sắm tàu lớn, tổ chức khai thác theo mô hình chuỗi liên kết.    

“Trung Quốc đưa nhiều tàu xuống Trường Sa, đông hơn tàu mình, anh không ngán à?” - tôi hỏi. “Đừng nói tầm bậy tầm bạ, ai nói tàu Trung Quốc đông hơn tàu mình? Sang năm ông ra Trường Sa mà coi, ở đó đèn tàu mình sáng hơn cả ở vịnh Nha Trang nữa đó. Ngán gì mấy tàu Trung Quốc, biển của mình mình làm, có phải không có ai giữ đâu”. Nguyễn Sinh vang giọng đáp lại câu hỏi của tôi.

Thêm lòng tin, chỗ dựa cho ngư dân

Hai tàu ngầm Kilo 182 - Hà Nội và 183 - Thành phố Hồ Chí Minh góp phần làm tăng sức mạnh của Hải quân nhân dân Việt Nam
Khi anh Nguyễn Sinh nói “ngán gì mấy tàu Trung Quốc”, Lữ đoàn tàu ngầm 189 chưa được thành lập, 4 chiếc tàu ngầm Kilo chưa về Việt Nam, Hải quân Việt Nam chưa có những chiếc máy bay săn ngầm hiện đại Ka-28, thủy phi cơ DHC-6. Khi đó, Cảnh sát Biển và Kiểm ngư chưa có những chiếc tàu lớn và hiện đại như CBS 8001, CBS 8002, KN 781, KN 782…

 Bây giờ, những phương tiện hiện đại đó đang hoạt động trong biên chế các lực lượng bảo vệ chủ quyền và thực hiện quyền chủ quyền của Việt Nam trên biển. Hải quân nhân dân Việt Nam đang được đầu tư tiến thẳng lên hiện đại, đến nay đã có đủ 5 thành phần lực lượng: Tàu mặt nước; Tàu ngầm; Pháo binh - Tên lửa bờ; Không quân Hải quân; Hải quân đánh bộ, Đặc công Hải quân và lực lượng phòng thủ đảo, đủ sức mạnh để bảo vệ vững chắc chủ quyền, biển đảo, thềm lục địa của Tổ quốc.

Trong khi đó, những ngư dân như anh em anh Nguyễn Sinh đã giữ biển bằng sự hiện diện thường xuyên trên biển, tìm cách khai thác thủy sản đạt hiệu quả cao hơn. Ở Nha Trang, đã có hàng chục tàu cá có công suất từ 500cv đến 1.000 cv. 

Ra đảo Phú Quý tỉnh Bình Thuận, tôi được biết huyện đảo chỉ có hơn 27.000 người này nhưng có trên 200 tàu cá lớn, công suất trung bình trên 360cv. Sự hiện diện đông đảo của những chiếc tàu thân thương đó đã cho tôi có đêm tỉnh giấc ở Trường Sa, giữa biển Đông mà như đang ở vịnh Nha Trang.

Trung úy Nguyễn Toàn Thắng, Chính trị viên đảo Đá Lớn B cho biết, cả năm 2013 có 36 lượt tàu cá Trung Quốc đến gần đảo Đá Lớn. Các tàu này chỉ mon men cách phía Bắc đảo khoảng trên 10 hải lý, không lên được bãi san hô. Trong khi đó, năm 2013 có 510 lượt tàu cá Việt Nam hoạt động ở khu vực đảo Đá Lớn, nhiều gấp gần 15 lần số tàu Trung Quốc. 

Con số thống kê ở các đảo khác cũng tương tự. Theo Chuẩn Đô đốc Nguyễn Ngọc Tương, Phó Chính ủy Quân chủng Hải quân, hơn mười năm trước tàu cá nước ngoài chiếm số đông ở khu vực Trường Sa, nhưng hiện nay hoạt động của ngư dân Việt Nam trên vùng biển Trường Sa sôi động hơn rất nhiều, tàu cá của ngư dân Việt Nam đã chiếm tỉ lệ áp đảo. 

Sự lớn mạnh, hiện diện thường xuyên của các tàu hải quân, các tàu bảo vệ pháp luật Việt Nam là chỗ dựa rất lớn về tinh thần cho ngư dân. Về kinh tế, tại Trường Sa đã có ngày càng nhiều các âu tàu, các cơ sở đảm bảo hậu cần, kỹ thuật, thông tin, tạo điều kiện cho ngư dân thực sự vươn khơi bám biển để đánh bắt hải sản, làm giàu cho đất nước.