Tại phường Tứ Liên, phường Nhật Tân (quận Tây Hồ) - nơi được coi là vựa đào, quất Tết của Thủ đô thì nay đất nông nghiệp bị băm nhỏ, quây tôn dần trở thành những nhà kho, bãi xe quy mô. Ghi nhận tại ngách 76/35 An Dương, một tổ hợp bãi gửi xe, sân bóng quy mô lớn được dựng lên tại đây. Xe cộ vào nườm nượp ngày đêm. Tại ngõ Đê Quai, đất trồng quất đang dần bị thu nhỏ diện tích, nằm xen kẹt giữa các công trình quây tôn bán kiên cố. Một số đất đang ở “giai đoạn chuyển đổi” khi khuôn viên có một vài cây quất xen lẫn với đống gạch xây dựng.
Theo một người dân tại đây, do đặc thù có vùng bãi rộng trồng hoa, cây cảnh, quận Tây Hồ cho nhiều gia đình đấu thầu những khu đất để trồng cây cảnh. Nhưng trong quá trình hoạt động đã tự ý xây dựng công trình nhà ở cấp 4 kiên cố không đúng với quy định về sử dụng đất nông nghiệp.
Đáng chú ý, vừa qua trên khu vực bãi bồi của phường Tứ Liên đang trồng hoa màu đã bị một số đối tượng phá hoại. Một người dân xin được giấu tên cho biết, xã viên thuộc Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ tổng hợp Liên Châu được chia đất để trồng cây tại khu vực này. Cuối năm 2021, một nhóm người ngang nhiên mang máy xúc phá hoại 6.000m2 đất trồng chuối đang vào kỳ thu hoạch của người dân. Theo người này, khu vực đất bãi được hợp tác xã quản lý và giao cho khoảng 100 hội viên canh tác từ năm 1983. Thế nhưng thời gian gần đây, liên tục bị nhiều đối tượng dòm ngó, phá hoại nhằm mục đích chiếm đất.
Hướng về phía cầu Long Biên, đoạn sát bờ sông Hồng địa phận phường Ngọc Thụy (quận Long Biên) cũng đang là “điểm nóng” lấn chiếm bờ sông Hồng. Hàng loạt nhà hàng quy mô hàng trăm mét vuông được dựng lên: Sông Hồng View, Phương Linh... ngõ 293 đường Ngọc Thụy, nhiều người dân đã tự ý san lấp bằng phẳng để sử dụng làm nơi sinh hoạt, để ô tô…
Trước đó, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đã ký ban hành Chỉ thị số 07/CT-UBND nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, thủy lợi trên địa bàn gây bức xúc cho dư luận.
Theo đó, công tác ngăn chặn, xử lý vi phạm phải được thực hiện thường xuyên, liên tục và coi đây là nhiệm vụ hằng năm. Ðồng thời, UBND quận, huyện nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu, chịu trách nhiệm trước UBND thành phố nếu để xảy ra những vụ việc vi phạm mới mà không bị xử lý đúng quy định pháp luật.
Chính quyền loay hoay
Đối với vụ việc phá hoại hoa màu tại phường Tứ Liên, Công an quận Tây Hồ cho biết, đơn vị đã có thông báo đề nghị những cá nhân có cây cối bị thiệt hại trong vụ việc hoặc nhân chứng chứng kiến quá trình hủy hoại tài sản tại khu vực đất canh tác thuộc đội sản xuất số 3,4,6, bãi Thanh Lan đến trụ sở công an để làm việc.
Lãnh đạo UBND phường Tứ Liên cho biết, tại ngõ Đê Quai thuộc cụm dân cư số 7, đa số nhà xưởng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp. Tuy nhiên, theo quy hoạch thì khu này nằm vào quy hoạch đảo giao thông cầu Tứ Liên. Do đó, khu vực này sẽ giải tỏa hoàn toàn sau khi làm cầu.
Đối với các khu vực nhà xưởng, bãi xe mà báo phản ánh, phường đã nhiều lần ra quân tổ chức cưỡng chế tháo dỡ, cùng vận động tuyên truyền, nhưng việc quản lý trật tự xây dựng ven bãi sông gặp nhiều khó khăn. Thậm chí cứ cưỡng chế xong, chỉ sau một đêm là nhà xưởng lại mọc lại. Nguyên nhân do những người đang sử dụng đất không phải là đối tượng được chính quyền giao đất, mà thuê lại “qua tay” nhiều người. Có những đối tượng xã hội phức tạp, chống đối.
Bên cạnh đó, khu vực cuối ngõ 76 đi sâu vào trong hiện chưa có quy hoạch, trong quy hoạch chỉ ghi là “dự án riêng” nên địa phương cũng chưa biết xử lý thế nào?!
Lãnh đạo UBND quận Long Biên nhận định: Thời gian gần đây khi có thông tin thành phố triển khai đồ án quy hoạch khu đô thị 2 bên sông Hồng thì việc lấn chiếm hành lang đê sông Hồng càng trở nên phức tạp. Nhiều người dân đổ về khu vực bãi bồi ven sông đầu cơ đất trái phép để “lướt sóng” hoặc chờ khi hạ tầng được xây dựng sẽ bán với giá cao. “Trong khoảng thời gian chờ quy hoạch chính thức được phê duyệt, hiện nay, chúng tôi đang tích cực ra quân để xử lý những vi phạm tồn đọng, không cho phép phát sinh mới”, lãnh đạo quận Long Biên thông tin.