Dưới chân núi Đại Huệ, các xã như Nam Anh, Nam Xuân… (huyện Nam Đàn, Nghệ An) đều trồng hồng. Tuy nhiên, tập trung nhiều nhất ở xã Nam Anh với khoảng 100 ha. Hộ trồng ít thì vài sào, hộ trồng nhiều từ 1,5-2 ha.
Người dân ở đây trồng 2 loại hồng chính là hồng trứng, lá dài, quả to và hồng cậy, lá tròn, quả nhỏ. Nếu như thời điểm này năm 2021, bà con đang vào mùa cao điểm thu hoạch, những cây hồng chi chít quả, thương lái khắp nơi đổ về các vườn thu mua thì năm nay lại khá ảm đạm, vắng vẻ.
Nhiều vườn hồng được coi là khá hơn cũng chỉ đạt một nửa năng suất so với năm 2021.
Ông Hồ Viết Lý (xóm 8, xã Nam Anh) cho biết gia đình có 17 gốc hồng, trong đó có những gốc tuổi đời lên đến cả trăm năm. So với năm 2021, năm nay năng suất hồng giảm đáng kể nhưng bù lại, hồng cho quả to, đều và đẹp hơn. “Hồng năm nay mất mùa, không có để bán. Đã nhận cọc trước của khách nhưng nay đành trả lại tiền vì không có hồng để bán”, ông Lý nói.
Vườn hồng của gia đình ông Hồ Văn Thế (xóm 5, xã Nam Anh) năm 2021 cho thu hoạch 3 tấn quả nhưng năm nay, thời tiết cực đoan, nắng mưa thất thường, tỷ lệ ra hoa đậu quả ít hẳn so với mùa vụ trước đó.
“Năm nay, cả vườn hồng đều ra quả thưa, số nữa bị ruồi vàng chích nên hư hại, thối và rụng quả. Ước tính năm nay 50 gốc hồng này năng suất chỉ bằng một nửa năm 2021. Nguyên nhân là do mưa trái mùa nhiều, thời tiết ẩm ướt nên sinh ra nhiều côn trùng gây hại, nhất là ruồi vàng”, ông Thế chia sẻ.
Là cây ăn quả lâu đời trên dãy Đại Huệ, người dân xem hồng như là cây chủ lực đem lại nguồn thu không nhỏ. Riêng xã Nam Anh mỗi năm cung cấp cho thị trường từ 400-500 tấn hồng, thu về hàng tỷ đồng. Theo bà con, năm nay hồng ít quả, sản lượng hồng chưa bằng nửa, thậm chí 1/3 năm 2021, người nông dân trồng hồng thất thu.
Hiện tại, giá thu mua hồng cậy tại vườn dao động từ 15.000-18.000 đồng/kg (tùy loại) cao hơn các vụ trước 3.000-5.000 đồng/kg. Giá nhập sỉ cho các thương lái lên đến 20.000-25.000 đồng, giá bán lẻ ở các chợ là 30.000-35.000 đồng/kg. Hồng năm nay được giá nhưng nông dân không có hồng để bán. Với người dân trồng hồng, năm nay là mùa hồng “chát”.
Chị Nguyễn Thị Sâm, đại lý thu mua hồng lớn ở xã Nam Anh, huyện Nam Đàn cho biết: “Như năm trước, tôi thu mua khoảng 100 tấn hồng của bà con để xuất bán đi các nơi. Tuy nhiên, năm nay, hồng mất mùa, đang vào vụ thu hoạch nhưng các vườn gần như đã cạn quả. Đã liên hệ trước với các vườn để đặt cọc nhưng cả mùa hồng cũng chỉ thu mua được khoảng 40-50 tấn”. Theo chị Sâm, hồng mất mùa không chỉ người trồng thất thu mà những dịch vụ khác như thu hái, ngâm, phân loại, vận chuyển hồng cũng không có thu nhập.
Ông Hồ Viết Sỹ, Chủ tịch UBND xã Nam Anh cho biết từ năm 2018 đến 2020, hồng mất mùa nặng, có năm mất trắng. Năm 2021, thời tiết thuận lợi hơn nên hồng sai quả, trái to đều, đẹp nhưng gặp đúng thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên giá hồng quả chỉ ở mức tương đối.
Năm nay, giá hồng lên cao, việc tiêu thụ thuận lợi thì lại mất mùa, người trồng hồng lại thất thu. Ước tính sản lượng hồng toàn xã chỉ đạt khoảng 200-250 tấn, giảm hơn một nửa so với năm trước.