Vụ nổ rung chuyển New York không có mối liên hệ với khủng bố

TP - Một vụ nổ hôm qua xảy ra ở quận Chelsea, thành phố New York (Mỹ), khiến ít nhất 29 người bị thương. Thị trưởng New York nói rằng, đây là vụ nổ cố tình nhưng không có mối liên hệ với khủng bố.
Một quả bom áp suất. Ảnh: NY City

Sức mạnh của vụ nổ thổi bay nhiều cửa sổ. Một thiết bị nổ khác, nồi áp suất quấn dây điện, sau đó được tìm thấy ở Chelsea thuộc khu Mahattan. Sở Phòng cháy chữa cháy New York nói rằng, trong số người bị thương, 24 người đã nhập viện. Một người bị thương nặng, còn những người khác bị trầy da và thâm tím.

Vụ nổ xảy ra lúc 9 giờ tối (giờ địa phương), bên ngoài một khu nhà ở dành cho người khiếm thị trên phố West 23. Các nhân chứng nói rằng, mọi người chạy tán loạn sau khi nghe thấy một tiếng nổ lớn. Một số báo đưa tin, vụ nổ phát ra từ một hộp công cụ xây dựng bằng kim loại màu đen, nhưng một số báo khác nói rằng, thiết bị nổ nằm trong thùng rác rồi được kích nổ từ xa. Cảnh sát phong tỏa một số tòa nhà gần hiện trường. Một cảnh sát nói với The New York Times: “Chúng tôi không hiểu mục tiêu là gì hoặc tầm quan trọng của nó”. Thị trưởng New York, ông Bill de Blasio, cho biết: “Điều tra ban đầu cho thấy đây là một hành động cố ý”. Tuy nhiên, ông bổ sung: “Chúng tôi cũng thẳng thắn nói rằng, lúc này, chưa thấy bằng chứng nào chứng tỏ vụ nổ liên quan tới khủng bố”.

Các quan chức thực thi pháp luật nói rằng, nhóm tháo gỡ bom mìn đã xử lý thiết bị nổ thứ hai được tìm thấy ở một địa điểm khác ở Chelsea. Đây là khu hạng sang dành cho giới nhiều tiền; các quán ăn, bar thường rất đông khách vào cuối tuần. Rudy Alcide, bảo vệ của một hộp đêm ở Chelsea, kể: “Một tiếng nổ lớn vang lên, mọi thứ rung lắc dữ dội”. Một người địa phương khác tên là David McKay nói rằng, người dân New York vẫn ngoan cường. “Thành phố này được xây dựng trên lòng can đảm, bất kỳ ai phạm phải tội ác điên rồ này cũng không thể truyền đi thông điệp nào cả”, ông McKay nói. Nhà Trắng thông báo, Tổng thống Barack Obama đang được cập nhật về tiến trình điều tra.

Vũ khí quen thuộc

Thiết bị nổ thứ hai là một nồi áp suất được cuốn dây điện và một điện thoại di động. Kiểu tấn công này lần cuối được ghi nhận ở Mỹ là trong vụ đánh bom đẫm máu ở thành phố Boston năm 2013. Một thiết bị nổ tương tự được những kẻ thánh chiến âm mưu sử dụng để tấn công Quảng trường Thời đại ở New York năm 2010. Nhưng âm mưu tấn công đã bị phá vỡ. Những kẻ cực đoan chế tạo bom nồi áp suất và đăng hướng dẫn cách làm lên mạng Internet.

Mỹ có hệ thống phòng thí nghiệm tinh vi, nơi các nhà khoa học pháp chứng phân tích phần còn lại của mọi thiết bị nổ. Các mảnh vỡ nhỏ có thể cũng đủ để họ tìm ra cách thức chế tạo, thậm chí người tạo ra thiết bị nổ. Hai năm trước, các nhà khoa học Mỹ đã dày công nghiên cứu, phân tích bằng chứng để chứng tỏ rằng, một lái xe taxi ở London đã làm ra một số quả bom tự chế và vụ nổ cướp đi mạng sống của một binh sĩ Mỹ.

Theo Theo New York Times, BBC