Vụ ngộ độc nghiêm trọng ở Lai Châu, Hà Giang: Có thể xử lý hình sự

TPO - Hai vụ ngộ độc ở Lai Châu làm 8 người tử vong, nhiều người nhập bệnh viện và vụ ở Hà Giang làm hơn 60 người ngộ độc được dẫn dụ khi Uỷ ban Thường vụ Quốc cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2015, ngày 20/2.
Vụ ngộ độc ở Lai Châu làm 8 người tử vong có thể xử lý hình sự.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, khoản 1, điều 317 của dự thảo về vi phạm quy định về an toàn thực phẩm đang được sửa theo hướng giảm nhẹ. Bên cạnh đó có những quy định khó có thể xử lý hình sự. Tính ra số ngộ độc thực phẩm là hàng nghìn vụ, số người chết 165 người/5 năm, nhưng số người mắc bệnh thì rất lớn, đặc biệt là ung thư.

Ông Hiển cho rằng, vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề hết sức bức xúc. Vừa qua Quốc hội quyết định phải giám sát tối cao về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, Đoàn giám sát đã làm được nửa chặng đường. Qua giám sát thấy vệ sinh an toàn thực phẩm nói chung đã ở mức độ báo động, có một số địa phương đã đến giới hạn đỏ.

Phó Chủ tịch Quốc hội dẫn chứng hai vụ ngộ độc gần đây, là vụ ở Lai Châu với 8 người tử vong, rất nhiều người nhập bệnh viện, vụ thứ hai ở Hà Giang có hơn 60 người ngộ độc phải cấp cứu.

“Đi giám sát thấy quá trình vệ sinh an toàn thực phẩm diễn biến phức tạp. Nó là mối quan hệ chặt chẽ từ khâu đầu đến khâu cuối, cụ thể từ môi trường đến sản xuất, từ chế biến đến bảo quản, vận chuyển và tiêu thụ. Tất cả các công đoạn trên đều có vi phạm ở mức độ cao và có nhiều vụ việc nghiêm trọng", ông Hiển nói.

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình nêu vướng mắc từ thực tế, trước đây việc bán phở có formaldehyde ở Hà Nội, lực lượng bắt được rất nhiều vụ. Tuy nhiên, lại nảy sinh bất cập sau đó. Nhiều khi đã khởi tố vụ án nhưng không chứng minh được hậu quả do formaldehyde gây ra. Bởi vì ăn phở có chất này phải 5-10 năm sau mới lãnh hậu quả, cho nên vụ án không xử lý được.

“Bánh phở có formaldehyde mà ăn trong thời gian dài thì không phải một người mà cả ngàn người bị. Song, việc chứng minh hậu quả, chứng minh sức khoẻ bị tổn hại 30-60% là rất khó khăn", ông Bình nêu.

Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, quy định về vấn đề an toàn thực phẩm cần phải có ý kiến chính thức từ Chính phủ.

Dự thảo luật đã thiết kế phương án: Người nào thực hiện một trong các hành vi sử dụng chất cấm, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi... thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng; hoặc gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% - 60%; hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 120%... thì bị phạt tiền từ 50 triệu - 200 triệu đồng, hoặc phạt tù từ 1 năm - 5 năm.

Theo bà Nga, từ quy định nêu trên, vụ ngộ độc ở Lai Châu vừa qua gây chết 8 người có thể xử lý được ngay.