Vu Lan trắng

TP - Vu Lan, người người nhà nhà cúng bái, tỏ lòng hiếu kính với cha mẹ đã khuất. Nhưng vì sao lại có lễ đó? Và ta đã trọn đạo làm con chưa? Có lẽ đó vẫn luôn là những câu hỏi.
 

Tôi không thật rành rẽ tục cài hoa hồng lên ngực áo nhân dịp Lễ Vu Lan cho đến khi được một vị sư ở chùa Tam Chúc thuyết pháp. Ông nói đại để: Người còn cả cha mẹ thì cài một bông hồng đỏ thắm, thể hiện cái phúc từ bậc sinh thành của mình còn đượm đậm. Khi một trong hai song thân đã khuất thì cài một bông màu hồng, thể hiện cái phúc của mình đã nhạt phai đi một nửa. Còn khi song thân đã hai năm mươi thì đã hết tất cả, chỉ còn có thể cài một bông màu trắng.

Khi nhà sư thuyết giảng như thế, trên ngực tôi là một bông hoa màu hồng. Năm nay, mùa Vu Lan đầu tiên, tôi cài lên ngực mình một bông hồng trắng.

*

Khi cha mẹ tôi hấp hối, tôi đều ngồi cạnh. Cha tôi lịm dần sau khoảng thời gian dài cuối cùng ông bị bệnh tật hành hạ đau đớn. Tôi ngồi cạnh ông, cầm bàn tay gầy guộc, nhìn vào đôi mắt lạc thần sắc nhưng hình như vẫn đọng lại nỗi sợ hãi trước cái chết, theo dõi những hơi thở cuối cùng của ông. Những nhịp thở ra rất dài nhưng hít vào thì rất ngắn. Khi đó, tôi thấy mình bình tĩnh đến lạ lùng.

Cái bình tĩnh đó còn kéo dài đến hai hôm sau trong thời gian chuẩn bị nhập quan rồi lễ viếng. Kể cả ban đêm, khi tôi ngồi một mình cạnh quan tài của ông. Thậm chí tôi đã hoảng sợ, hay mình là người vô cảm, không có chút tình cảm với chính người cha của mình. Đưa ông ra đến huyệt mộ, tôi  dường như vẫn không thấy có cảm xúc gì đặc biệt. Nhưng khi ông thầy hành lễ nói: “Đặt quan tài của cụ xong rồi, anh bỏ nắm đất đầu tiên xuống cho cụ đi”. Tôi thả nắm đất và nghe nó rơi một tiếng nghe rất bẹt lên nắp quan tài, tự nhiên nước mắt tôi tuôn ra như suối.

Phút ấy, không hiểu sao trong đầu tôi lại hiện lên cái cảnh hồi đó tôi còn nhỏ, còn chưa vào lớp một nhưng đã biết chữ (vì bố từ Lào về phép dạy cho tôi đọc), một chiều tối được ông dẫn ra đầu làng chỉ một ngôi sao nói rằng nhìn thấy nó như thế nhưng nó ở rất xa, đi nhanh như máy bay nhưng cả đời người cũng không đến được. Và ở trên đó có khi có cả những người giống như mình.

Câu chuyện đó đã thiêu đốt trí tò mò của tôi. Cộng với những cuốn sách mà mỗi một hai năm ông về phép một lần mang về, nó gieo vào tôi những khát khao và thúc đẩy tôi học tập rất nhiều. Khoảnh khắc bỏ nắm đất xuống mộ và nhớ đến ngôi sao bố chỉ cho một chiều tối thẳm sâu rất nhiều năm về trước ấy, tôi hiểu loé lên trong đầu rằng người cha đã đi vắng suốt tuổi thơ cho đến khi tôi 12 tuổi mới trở về (điều khiến cho giữa ông và tôi dường như luôn có một khoảng cách không thể nào lấp được do sự xa vắng trong những năm tôi bé dại nhất đó) chính là người quan trọng nhất với mình. Ông là người đã quyết định cuộc đời tôi.

*

Mẹ tắt nghỉ lại gợi lên trong tôi một trạng thái cảm xúc hoàn toàn khác. Khi thấy bà bắt đầu thở hắt ra, tôi đã giàn giụa nước mắt. Khi lễ truy điệu xong, lòe nhòe thấy người ta di quan, tôi phải đứng dựa vào tường.

Tối hôm mẹ tắt nghỉ, suốt đêm bắc ghế ngồi bên cạnh bà lúc đó còn chưa nhập quan, tôi miên man nghĩ bao kỷ niệm từ thời thơ ấu cho đến tận ngày cuối với mẹ mình, một người đàn bà nông thôn chỉ học hết đâu có lớp 4 lớp 5 bổ túc văn hóa. Hồi nhỏ, tôi học bài buổi tối, mẹ không thể chỉ dạy được cho tôi mà chỉ lặng lẽ lui cui bên cạnh soi đèn để đốt, đập muỗi hay phe phẩy quạt cho tôi những hôm trời nóng. Rồi những bữa ăn kham khổ thời chiến tranh, mẹ bớt khẩu phần hoặc chỉ ăn những gì đầu thừa đuôi thẹo không ngon.

Khi mẹ đã già yếu, chăm sóc cho mẹ không phải dễ vì mua áo mới thì mẹ cất kỹ vào rương, mua bánh trái thì mẹ cứ chối đây đẩy nói “để cho bầy đứa” (tức các cháu). Điều mẹ sợ nhất khi già yếu là không làm được gì, ăn hại của con cái.

Trong đời, tôi chiêm nghiệm ra một điều là dù có yêu mẹ mình đến mấy thì ta cũng không thể nào yêu mẹ được bằng mẹ đã yêu ta. Cái điều nghịch lý này từng làm tôi day dứt cho đến khi hiểu ra nó như một quy luật sinh tồn, một nguyên lý của tự nhiên bởi muôn loài mà hơn hết thảy là loài người luôn đi theo một véc-tơ tuyến tính chỉ có một chiều luôn hướng về phía trước, nên chăm lo nhiều hơn cho thế hệ tương lai. Chỉ có như vậy muôn vật mới duy trì được nòi giống của mình.

Hiểu như thế để yên tâm hơn nhưng rồi cũng không thoát khỏi hết những day dứt, hệt như một nhà thơ nào đó đã viết mấy câu tôi nhớ mãi rằng trong đời mẹ đã tắm cho con biết bao lần mà con chỉ được tắm cho mẹ có một lần lúc mẹ lâm chung.

*

Một câu hỏi day dứt: Khi cha mẹ còn sống, ta đã đối xử với cha mẹ phải đạo chưa?

Một lần, tôi được nghe câu chuyện về nguồn gốc Lễ Vu Lan, cũng từ một nhà sư.

Ngày xưa, Đại Đức Mục Kiền Liên - một trong hai đệ tử của Đức Phật Thích Ca tu luyện được một số phép thần thông, trong đó có phép nhìn thấu cùng trời cuối đất. Ông nhìn thấy cảnh mẹ mình do khi sống gây nhiều tội lỗi nên khi chết phải biến thành ngạ quỷ, bị hành tội, đói khát rất khổ sở. Ông đã kỳ công mang cơm xuống tận địa ngục dâng mẹ. Tuy nhiên, do quá đói khát nên mẹ ông xấu tính, khi ăn lại dùng tay che bát cơm của mình để các cô hồn khác không nhìn thấy mà tranh phần. Vì vậy thức ăn cứ đưa lên đến miệng thì lại hóa thành lửa, không thể nào ăn được.

Mục Kiền Liên thương mẹ quá nhưng không thể làm gì được bèn quay về hỏi Đức Phật cách hoá giải. Đức Phật dạy rằng dù ông có thần thông quảng đại đến mấy thì một mình cũng  không đủ sức cứu mẹ. Phải nhờ hợp lực của chư tăng mười phương mới cứu được mẹ ông. Hãy sắm sửa lễ vào rằm tháng bảy và thỉnh chư tăng cùng khẩn cầu.

Mục Kiền Liên làm theo và quả nhiên mẹ ông được cứu khỏi kiếp ngạ quỷ đói khát. Từ đó dịp rằm tháng 7 trở thành Lễ báo hiếu cha mẹ.

Ở đời, làm được như Mục Kiền Liên quá khó. Không thể nào học theo được. Và không theo được thì cũng không có gì đáng phải hổ thẹn bởi trường hợp đó chỉ có một không hai. Tuy nhiên, lại có một chuyện nghe được trong lễ cúng trăm ngày của mẹ khiến tôi phải suy nghĩ.

Hôm đó, thầy Phúc Cường mà nhà tôi thỉnh về để làm lễ đã kể một câu chuyện nhỏ.

Tại một lễ cầu tài, cầu lộc ở một chùa nọ có hàng trăm con nhang, đệ tử dự, sư thầy hỏi: “Sáng nay, trước khi đến đây, trong các vị đã có ai vấn an cha mẹ mình chưa? Đã có ai hỏi các cụ đã ăn sáng chưa, có ngon miệng không, có muốn ăn gì để con mua không?”.

Cả đám ngồi im phắc.

Sư thầy im lặng một lát rồi thở dài nói: “Có lẽ lễ của tôi sẽ không ứng nghiệm đâu. Phật sống ở nhà ta còn không thờ thì còn đi thờ và thỉnh Phật ở nơi đâu được”.

Nếu ngồi trong đám người cầu lợi hôm đó, chắc mình cũng ngồi im?

Vu Lan năm Canh Tý