Voi ơi, đừng theo tê giác !

TP - Những mẫu vật thu thập trong hai năm 2009 - 2010 đều thuộc về xác tê giác được tìm thấy tại Vườn Quốc gia Cát Tiên vào tháng 4 năm ngoái.

> Nhiều loài ở VN đang cực kỳ nguy cấp
> Những bức ảnh hiếm của con tê giác cuối cùng ở Việt Nam

Đó là công bố ngày 25-10 của đại diện Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (WWF) và Quỹ Bảo tồn Tê giác Quốc tế (IRF).

Kết quả các xét nghiệm, điều tra công phu đều dẫn đến khẳng định tê giác một sừng đã tuyệt chủng ở Việt Nam. Ông Nick Cox, quản lý Chương trình loài của WWF khu vực Mekong, cho rằng: Nếu không bảo vệ môi trường sống tự nhiên, ngăn chặn nạn săn bắn, buôn bán động vật hoang dã, nhiều loài khác tại Việt Nam sẽ tuyệt chủng. Các khu bảo tồn tại Việt Nam cần có nhiều kiểm lâm được đào tạo và giám sát tốt hơn, chịu trách nhiệm giải trình cao hơn.

Tê giác Việt Nam chưa từng được Chính phủ đề ra lộ trình hành động bảo vệ cụ thể như đối với loài voi. Tháng 5-2006, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 733 phê duyệt kế hoạch Hành động khẩn trương đến năm 2010 để bảo tồn voi ở Việt Nam, giao nhiệm vụ cho ba tỉnh Nghệ An, Đồng Nai, Đăk Lăk xây dựng dự án bằng nguồn ngân sách.

Đăk Lăk đã 2 lần triển khai lập dự án bảo tồn voi. Dự án nào cũng được nghiệm thu, thông qua kỹ lưỡng. Nhưng lộ trình hành động vẫn nằm trên giấy, dù đã có thêm hàng chục con voi nhà, voi rừng chết thảm vì nạn săn bắn trộm.

Ngày 26-10 vừa qua, ít người nhớ là ngày tròn một năm kể từ khi UBND tỉnh Đăk Lăk ra quyết định số 2743 về việc Phê duyệt Dự án bảo tồn voi tại Đắk Lắk giai đoạn 2010-2015.

Ký tên dưới quyết định này, ông Trần Hiếu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lo lắng trước sự chậm trễ kéo dài trong công tác bảo tồn voi. Tất cả nằm ở khoản kinh phí 61 tỷ đồng cần có để triển khai dự án, mà khoản tiền này còn phải chờ xem sang năm 2012 ngân sách địa phương lẫn trung ương có bố trí được hay không.

Cũng không nhiều người còn nhớ ở Gia Lai cũng từng có làng voi Nhơn Hòa, bởi đã khá lâu các ông tượng vắng bóng tại vùng đất có cái tên rất thanh bình này. Mong sao đàn voi hoang dã còn đang lẩn tránh những họng súng, những vòng bẫy hằng ngày trong Vườn Quốc gia Yok Đôn, và đàn voi thuần dưỡng ít ỏi còn lại ở các huyện Lăk, Buôn Đôn, Ea Súp sẽ sớm được bảo vệ tốt hơn, không rơi vào số phận đáng thương như voi Nhơn Hòa, hay tê giác một sừng cuối cùng trong Vườn Quốc gia Cát Tiên.

Theo Báo giấy