Cũng lạ, cái ông Trưởng Kho bạc có tên là Nguyễn Sinh Hùng này trắng trẻo, nho nhã khác với vẻ vậm vạp thô ráp của thi sĩ Hoàng Trần Cương, nghề nghiệp nghiêm cẩn lại chơi được với lão thi sĩ họ Hoàng, ruột như để ngoài da, mồm miệng tía lia? Nhưng cứ như lão nói cái kiếp người lạ lắm. Ngồi được với nhau, chưa hẳn cùng ngành cùng nghề, phải khác nhau thì mới chơi cùng được! Cương nói vậy thì biết vậy? Nhưng có lẽ cùng quê miền Trung, lại cùng học lớp tài chính với nhau dù Cương kém mấy tuổi?
Hoàng Trần Cương thơ cũng được. Nhưng khá hơn cả khi chính lão đọc thơ mình gọi là lối xuất bản bằng mồm với âm lượng lớn. Căn phòng hẹp mù mịt khói thuốc. Có lẽ chủ nhà đã quen cái lối xuất bản thơ của Cương nên chỉ nhấp nhấp chút rượu và lặng lẽ kéo thuốc. Cửa hé, một cụ bà dáng đậm, tóc trắng phau ngó vào lặng lẽ cười… Chắc Cương là khách quen? Khi về, bà ra dúi cho thi sĩ một cọc bánh nếp của người ta cho, mang về cho mẹ con hắn. Bất ngờ, lần đầu gặp chưa quen biết gì nhưng tôi cũng được chia một cọc. Dọc đường thi sĩ hít hà rằng cụ bà nhà lão này rât được. Bà mẹ nào mà chả được? Thấy tôi cười, Cương cự, ông có biết coi tướng đâu… Rằng phúc đức tại mẫu. Ông bạn này đường quan lộ còn lên phải biết!
Còn lên? Hóa ra Hoàng Trần Cương không lầm? Bằng cớ là bẵng đi khá lâu không gặp lại, cái ông phụ trách kho bạc người quen của thi sĩ họ Hoàng lên vị thế đứng đầu hệ thống tài chính nước Việt! (Và phúc đức tại mẫu? Sau này ở các ngôi cao như Bộ trưởng, Phó Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, cho đến bây giờ, tuổi thất thập mà người bạn hơn tuổi của thi sĩ Hoàng Trần Cương vẫn có song thân để mà hầu hạ, phụng dưỡng thì quả là phúc thật!).
Chuyến thăm Hoa Kỳ của Thủ tướng Phan Văn Khải tháng 6/2005, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Sinh Hùng là thành viên chính thức đoàn thăm. Một trong những hoạt động ở Boston của Thủ tướng và đoàn Việt Nam là cuộc thăm khách sạn Omni Parker House.
Omni Parker House là một trong những khách sạn lâu đời ở Boston được xây dựng năm 1855. Tại đây, trong các năm 1911-1913, Chủ tịch Hồ Chí Minh là đầu bếp, thợ làm bánh.
Hầu hết thành viên đoàn thăm cùng tùy tùng, hình như chỉ ít người cũng chỉ mới mang máng được nghe, còn số đông đều chưa biết đến việc này. Cảm hứng ấy dường như nhân thêm nhiều với một hậu duệ của Chủ tịch Hồ Chí Minh như ông Nguyễn Sinh Hùng?
Khách sạn hiện còn lưu giữ nhiều kỷ vật trong gian bếp mà Bác Hồ đã từng làm việc, đặc biệt là chiếc bàn làm từ đá marble vẫn được khách sạn lưu giữ, bảo quản cẩn trọng và giữ nguyên vị trí, tiếp tục sử dụng như một di vật đặc biệt gắn với lịch sử khách sạn. Lựa lúc Thủ tướng rảo thăm vị trí khác trong gian bếp rộng thênh, tôi thấy ông Nguyễn Sinh Hùng nán lại bên người hướng dẫn hỏi tỉ mỉ quy trình làm bánh thời ấy của anh Ba Nguyễn Ái Quốc. Và sau khi nhiệt thành nếm bánh - cái bánh đúng chất liệu và quy trình cái thời năm 1913, theo lời mời của Thủ tướng: Các đồng chí ăn đi. Ăn để mà nhớ Bác chúng mình… Để ý thêm, ông Nguyễn Sinh Hùng đã lấy một mẩu bánh nhỏ trân trọng gói lại cất đi.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội trên thế giới tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở thành phố New York (Mỹ). Ảnh: Nhan Sáng.
Cuộc thăm Omni Parker House chỉ nhoáng nhoàng hơn nửa tiếng. Ông Hùng có vẻ đăm chiêu… Có nhớ ông Nguyễn Sinh Hùng sau cuộc thăm đã hỏi thêm nhà sử học Dương Trung Quốc đi cùng điều này điều khác về khách sạn này. Không biết ông Quốc đã cung cấp những thông tin gì?
Đúng mười năm sau, tháng 9/2015, ông Nguyễn Sinh Hùng với cương vị Chủ tịch Quốc hội dẫn đoàn đại biểu cao cấp thăm hữu nghị chính thức Hoa Kỳ. Và như có dự định, có chủ đích từ trước, đầu tiên đến Boston lại đến thăm khách sạn Omni Parker House. Chừng như người cháu họ gần, ngoài việc chiêm bái thêm lần nữa căn tầng hầm nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng làm bánh, nhân cơ hội này, không phải hơn ba chục phút như lần 2005 mà lâu hơn để các thành viên đoàn thăm - các con cháu cụ Hô và nhiều người nước ngoài có mặt, thấm hiểu thêm cái thuở hàn vi gian khó của một bậc vĩ nhân.
Ông Chủ tịch Quốc hội và đoàn đại biểu Việt Nam không rời Omni Parker House ngay. Mà sau đó ông có cuộc tiếp xúc với thanh niên kiều bào và khách Hoa Kỳ ngay tại khách sạn. Omni Parker House như một điểm nhấn trong chuyến thăm Boston của đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam đúng dịp cả nước vừa kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khách 2/9.
Tối 5/9, cũng tại khách sạn Omni Parker House, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã chủ trì tiệc tiếp tân đối ngoại. Đây cũng là hoạt động kết thúc thăm Boston, bang Massachusetts của Chủ tịch trước khi rời Boston đi Washington DC, tiếp tục chuyến thăm Mỹ.
Cái hồi tháo dỡ hội trường Ba Đình năm 2007 để xây nhà Quốc hội mới, tôi có loạt bài Hội trường Ba Đình mùa tháo dỡ. Thời điểm ấy mọi sự bàn ngang, bàn lùi, thậm chí chỉ đôi hồi vấn vương cái việc tháo dỡ Hội trường Ba Đình cũ để xây mới là thứ gì đó xa xỉ khó chấp nhận. Mà ông Hùng khi đó là Phó Thủ tướng thường trực. Như tướng được trao lĩnh ấn tiên phong việc phá cũ xây mới cái nhà họp của Quốc hội. Với vị thế ấy, chỉ cần một động thái nhấc điện thoại thì mọi sự sẽ khác ngay. Nhưng điều đó không xảy ra. Ông nhắn gọi tôi lên. Trà nước cẩn thận. Ông đưa ra những bút tích, những chứng cớ kèm chất giọng Nghệ trầm ấm như muốn cởi tháo những vấn vương xa xỉ vốn có của giới viết lách. Rằng, phàm người mình vốn dứt bỏ ngay cách nhìn, thói nghĩ cũ là khó lắm. Đại khái nên thấy rừng chứ đừng nhìn vội chỉ thấy cây…
Tôi biết ông đang nói đến cái gì? Thông ngay thì chưa. Nhưng vốn tiềm ẩn những ngài ngại, sờ sợ và phiền phức chi đó như bản năng tôi đành dừng cái mạch loạt bài viết ấy.
Rồi nhà họp mới của Quốc hội khánh thành khang trang hiện đại, bắt mắt như bây giờ. Bữa gặp lại ông trước phòng họp Diên Hồng, cái nheo mắt thân mật kiêm cái cười của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng như một thông điệp, đại loại nhà báo các ông chớ sa vào vụn vặt mà là phải nhìn đại cục…
Một ngày đầu tháng 6/2015. Phiên thảo luận toàn thể của Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII. Trước đó một tháng, Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan 981 tại vùng biển của Việt Nam. Đám đông nhà báo đã vòng quanh các VIP giờ giải lao. Nhiều chuyện để hỏi, để phỏng vấn nhưng có những câu hỏi nhạy cảm đại loại tại sao ta chưa có phát ngôn nào về biển Đông, về việc hạ đặt trái phép giàn khoan 981 tại vùng biển của Việt Nam? Tôi để ý Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng với cái cười quen thuộc nhìn khắp đám ký giả, chất giọng nhẹ nhàng khác với chất giọng hơi căng của người hỏi. Đại loại, Bộ Chính trị luôn biết việc gì cần phải làm và ai phát ngôn và phát ngôn như thế nào đã lường, đã tính kỹ… Nghĩ thầm, phát ngôn ấn tượng của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ở Manila tháng 5/2015 quyết không đổi… lấy cái viễn vông… chắc cũng nằm trong cái mạch lường đã tính kỹ ấy?
Kỳ họp cuối khóa XIII, sau mục Chủ tịch Quốc hội kiểm điểm nhiệm kỳ công tác, giờ giải lao, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng trong vòng vây của báo chí với chất giọng trầm quen thuộc: “Tôi đã cố gắng làm hết sức, tận tâm tận lực, từ rèn luyện bản thân, tự vượt qua được chính mình để làm tốt công việc. Còn nhiệm vụ thứ hai đó là chuẩn bị người thay thế”.
Nhiệm vụ công việc được phân công, đã hết sức tận tâm tận lực? Ngó lại khối lượng công việc mà Quốc hội đã làm quả là khổng lồ… Trong đó riêng công tác xây dựng luật đã là một gánh nặng. Thử nhẩm đếm sơ sơ, đến hết kỳ họp 10, Quốc hội khóa XIII đã ban hành 100 luật, bộ luật và dự kiến thông qua thêm 7 dự án luật trong kỳ họp này (trước đó, khóa IX thông qua 53 luật, khóa XI thông qua 84 luật, bộ luật; khóa XII thông qua 67 luật, bộ luật). Ngần ấy khối lượng luật cùng bộ luật mà cái nào ông Chủ tịch Quốc hội cũng phải giương kính lên mà coi mà xét (mà không phải một lần) với nguyên tắc không cái nào được dễ dãi cho qua kiểu cho phải phép bất kỳ điều luật nào, thì động thái tự nhận đã hoàn thành nhiệm vụ của ông Chủ tịch Quốc hội trước các nhà báo phải là một thái độ tự tin, sòng phẳng và thành thực.
Gặp lại ông một thời gian sau chuyến thăm Boston, tôi được ông Chủ tịch Quốc hội cho biết, thời gian ở thành phố ấy, ông đã tranh thủ, cố gắng mọi cách để nối cái mạch tìm hiểu lịch sử của nước Mỹ trong đó có cuộc chiến tranh Nam Bắc mà ông ấp ủ từ chuyến thăm 10 năm trước. Ông đã tới nhà thờ nơi Tổng thống Hoa Kỳ từng đọc Tuyên ngôn… Khi tới Washington, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam đã thẳng thắn cái câu này với người đồng cấp đồng nhiệm Hoa Kỳ rằng, nhiều đời Tổng thống Mỹ sau này đã không tuân thủ di huấn cũng như những ý tưởng nhân văn bác ái của các đời tổng thống trước. Đã có hành động thực dân như chiến tranh xâm lược với Việt Nam chẳng hạn?
+ Tình cảm chân thành, dấu ấn khó quên - Kỳ 1: Chuyến công du đặc biệt tới Đức của Chủ tịch nước
+ Tình cảm chân thành, dấu ấn khó quên - Kỳ 2: Chủ tịch nước lội ruộng cùng nông dân Cuba
+ Tình cảm chân thành, dấu ấn khó quên - Kỳ 3: Với anh Ba Dũng
+ Tình cảm chân thành, dấu ấn khó quên - Kỳ 4: Với anh Ba Dũng: Có những câu hỏi còn bỏ ngỏ