Vỡ toang giấc mơ đi học kiếm... bạc tỷ

Để thực hiện ước mơ du học mà kiếm được… tiền tỷ, nhiều gia đình đã bán trâu, bò, cắm sổ đỏ và còng lưng trả lãi ngân hàng hàng tháng. Tuy nhiên, thực tế khác xa với những gì các bậc cha mẹ tính toán.
Một buổi tư vấn cho con em nông dân tại một trung tâm tư vấn du học Nhật ở huyện Mỹ Hào, Hưng Yên. Ảnh: NVCC.

Quảng cáo du học treo đầy... cột điện

Dọc Quốc lộ 5 từ địa phận huyện Văn Lâm đến Mỹ Hào (Hưng Yên), đi vào các ngõ xóm của khu Chợ Đường Cái hay thị trấn Bần, cột điện nào cũng thấy treo chi chít các biển quảng cáo lớn nhỏ tuyển du học sinh đi Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc với những lời mời chào hấp dẫn: Chi phí cực thấp, đảm bảo 100% có việc làm thêm với mức lương từ 1.000 – 2.500 USD/tháng, cam kết giới thiệu việc làm sau khi học xong...

Trong vai  thanh niên nông thôn thất nghiệp muốn đi du học Nhật, chúng tôi tìm đến Văn phòng tư vấn du học Nhật Bản đặt tại thị trấn Bần (Mỹ Hào, Hưng Yên). Nhân viên tư vấn tên Hoa cho chúng tôi biết điều kiện đầu tiên để đi du học Nhật không phải là bằng cấp mà là gia đình phải có điều kiện kinh tế khá.

Công việc làm thêm

Làm thêm tại Nhật tính tiền theo giờ làm, từ 900 - 1.000 yên/giờ. Nếu làm thêm để trang trải đủ tiền cho sinh hoạt thì du học sinh cần phải làm thêm hơn 130 giờ/tháng, tương đương 6-7 buổi/tuần.
(Nguồn: Hội Du học sinh Việt Nam tại Nhật)

Nhân viên này liệt kê cho chúng tôi các mức chi cụ thể cần phải chuẩn bị khoảng 200 triệu đồng. Cùng với đó, người muốn đi du học phải chứng minh được có sổ tiết kiệm trong ngân hàng từ 500 – 700 triệu đồng. 


Khi tôi ngỏ ý rằng gia đình chỉ có thể lo được số tiền khoảng 200 triệu đồng từ việc cắm sổ đỏ, chứ nếu có sổ tiết kiệm gần tỷ bạc trong ngân hàng thì tôi không nghĩ đến việc đi du học kiếm tiền làm gì, Hoa cho biết: “Em cứ yên tâm, chỉ cần chi 3 – 5 triệu đồng, việc làm bảo lãnh cho phía bên kia trung tâm sẽ lo hết” (!?).

Sau khi rời Hưng Yên, chúng tôi tìm đến huyện Tứ Kỳ (Hải Dương) – nơi được mệnh danh là... “Thiên đường du học”. Tại đây, băng rôn khẩu hiệu quảng cáo du học Nhật, Hàn được giăng đầy đường làng, ngõ xóm và cổng các trường học. 

Tiếp chuyện chúng tôi tại Văn phòng tư vấn du học và xuất khẩu lao động P.L ở trung tâm huyện Tứ Kỳ, ông P – chủ văn phòng tư vấn cho biết, chi phí sang Nhật du học ở đây khá “mềm” so với những nơi khác, chỉ 190 triệu đồng bao gồm học phí năm thứ nhất, bảo hiểm và tiền ký túc xá. 

“Nhiều bạn học ĐH xong đi làm lương tháng 6 - 7 triệu đồng/tháng cũng bỏ làm đi du học Nhật. Có nhiều bạn du học xong còn được nhập tịch bên Nhật. Vậy nên cứ an tâm sang bên đó vừa học vừa làm, mỗi tháng có khi còn được học bổng gần chục triệu đồng. Sau này về nước có vốn tiếng Nhật, có thể xin vào các công ty Nhật bản tại Việt Nam lương cũng rất cao, chả sợ chết đói” – ông P nói.

Thấy chúng tôi còn do dự, ông P bồi thêm: “Bên nhà trường và bên Bộ LĐTBXH sẽ có giấy để cho em đi làm với tư cách làm thêm. Sang đó em có thể làm tối thiểu 4 tiếng, tối đa 8 tiếng. Học phí năm thứ hai sẽ giảm còn 140 triệu đồng thôi, đi làm trong vòng 3 - 6 tháng là đủ trả rồi...”.

Không ngon xơi như lời quảng cáo

Đánh vào tâm lý “1 mũi tên trúng 2 đích” vừa được đi học ở Nhật Bản, vừa được đi làm với mức lương khủng, nhiều gia đình ở nông thôn đã quyết tâm bán lợn, bán bò, cắm sổ đỏ, thậm chí vay lãi cao để cho con đi du học xứ người.

Nghe theo lời tư vấn của các văn phòng tư vấn du học, gia đình ông Nguyễn Văn L (thôn Quang Rực, xã Hồng Phong, Ninh Giang, Hải Dương) quyết định cho cậu con trai lớn đi du học Nhật Bản. Để có đủ khoản tiền 200 triệu đồng, ông L đã bán mảnh đất khoảng 70m2 được 70 triệu đồng và vay mượn thêm anh em họ hàng. 

“Nếu không phải bán gấp thì tôi cũng chẳng muốn bán với số tiền ấy. Thôi thì chỉ mong con trai đi làm hoàn được vốn và học thật tốt bên Nhật là bố mẹ vui rồi” – ông L rầu rĩ. Tuy nhiên, khi sang đó, con trai ông không kiếm được việc làm thêm nên gia đình ông phải xoay xở rất khó khăn.

Cũng từng mang hy vọng như ông L, 2 năm về trước, bà Bùi Thị P (Văn Lâm, Hưng Yên) đã cắm sổ đỏ căn nhà cấp 4 được 150 triệu đồng, vay mượn 5 cây vàng của anh em và vay lãi ngoài để đủ số tiền gần 300 triệu đồng cho con trai đi du học Nhật.

“Một người quen từng cho con đi tu nghiệp ở Nhật nói với tôi, sang đó vừa học vừa làm, mỗi tháng cũng kiếm được mấy chục triệu đồng, sau 3 năm con bà ấy trả được hết vốn lại mua được mảnh đất gần tỷ bạc. Thấy vậy tôi quyết định vay mượn cho con đi vì sợ ở nhà không nghề ngỗng gì con lêu lổng rồi hư thân, ấy vậy mà…” – bà P thở dài.

Bà P cho biết, học được 1 năm thì con bà bị Trường ĐH Keio đình chỉ học vì không vượt qua hầu hết các chương trình học. Lý do là con bà phải dành rất nhiều thời gian để lo kiếm tiền làm thêm, trang trải cuộc sống, sinh hoạt và trả tiền nợ lãi hàng tháng cho mẹ ở nhà.

Học không được, làm thêm không xong, con bà buộc phải về nước. “Giờ nó xin làm công nhân trong khu công nghiệp Phố Nối, lương tháng 4 triệu đồng, chỉ đủ trả lãi ngân hàng, số tiền gốc không biết đến khi nào trả được” – bà P nói. 

Các khoản học sinh phải chi ban đầu để chuẩn bị du học Nhật Bản tại Văn phòng tư vấn du học Nhật Bản (thị trấn Bần, Yên Nhân, Hưng Yên) gồm: Nộp hồ sơ theo quy định 10 triệu đồng + 6 triệu đồng đặt cọc học phí; thi tiếng Nhật các trình độ từ N5 trở lên với chi phí từ 650.000 - 950.000 đồng; 8 triệu đồng tiền xin giấy phép lưu trú; học phí 12 tháng từ 120 - 170 triệu đồng; 20 triệu đồng phí dịch vụ; 1 triệu đồng phí chuyển phát nhanh hồ sơ; từ 10 - 11 triệu đồng tiền vé máy bay 1 chiều; chưa kể chi phí học tiếng Nhật tại trung tâm trong vòng 4 - 6 tháng...

Theo thống kê của Tổ chức Hỗ trợ sinh viên Nhật Bản (JASSO) năm 2015, số lượng du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản là hơn 26.500 người, tăng gấp đôi so với năm 2014, chủ yếu là đối tượng du học tự túc theo diện vừa học vừa làm. Trong khi đó, mỗi năm có 1/3 số du học sinh phải về nước vì không đáp ứng được nhu cầu học tập. 


Theo Theo Dân Việt