UBND tỉnh Vĩnh Long vừa ban hành Kế hoạch ứng phó với mưa, lũ, triều cường, sạt lở bờ sông, bảo vệ sản xuất, dân sinh mùa lũ năm 2024. Kế hoạch nhằm bảo vệ an toàn cho sản xuất nông nghiệp, dân cư trong mùa lũ trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết, địa phương hiện có hơn 70.800ha cây lâu năm, gần 32.000ha lúa Thu Đông đã xuống giống, hơn 15.700ha rau màu, hơn 1.900ha diện tích nuôi trồng thủy sản (ngoài ra còn hơn 63.800ha lúa, rau màu vụ Đông Xuân chuẩn bị xuống giống).
Đứng trước tình hình mưa lũ, triều cường, thiên tai, sạt lở bờ sông bất thường năm nay, tỉnh Vĩnh Long đã lên các kịch bản để ứng phó, nhằm đảm bảo an toàn cho người dân, bảo vệ sản xuất.
Trường hợp mùa lũ năm nay lớn, triều cường vượt báo động III - vượt trên 2m (tương đương đỉnh triều lịch sử năm 2022), cấp độ rủi ro thiên tai cấp độ 2, xuất hiện từ đầu tháng 9 - 12/2024, sẽ có hơn 22.400ha nằm trong vùng kém an toàn.
Trường hợp này, Vĩnh Long dự kiến chi gần 1.150 tỷ đồng đầu tư 32 dự án, công trình thuỷ lợi, giá cố bờ bao cấp tỉnh; cấp huyện triển khai 87 dự án ứng phó.
Trường hợp lũ lớn, triều cườngvượt kịch bản trên (tức vượt đỉnh triều lịch sử năm 2022), ngoài số vốn trên, tỉnh Vĩnh Long sẽ xem xét, bổ sung vốn cho các công trình ứng phó lũ, sạt lở.
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đã xảy ra 75 điểm sạt lở, sụt lún, làm mất hơn 2km bờ sông, rạch cùng với các công trình, cây trồng ven sông; ảnh hưởng trực tiếp đến 150 hộ dân, ước thiệt hại gần 4,8 tỷ đồng.
Qua khảo sát, ngành nông nghiệp Vĩnh Long xác định, toàn tỉnh có 8 khu vực đã bị sạt lở nặng và tiềm ẩn nguy cơ sạt lở cao cần chú ý tại bờ sông Cổ Chiên (huyện Long Hồ), cồn Thanh Long (huyện Vũng Liêm), sông Hậu (thị xã Bình Minh, huyện Trà Ôn), các tuyến kênh ở huyện Trà Ôn, sông Cái Cao (huyện Long Hồ), sông Măng Thít (huyện Vũng Liêm, Mang Thít)…
Toàn tỉnh Vĩnh Long hiện có khoảng 69 tuyến bờ bao/đê bao, tổng chiều dài hơn 194km, bảo vệ cho 11.430ha đất sản xuất nông nghiệp, dân sinh bị xuống cấp, cần được đầu tư sửa chữa trong thời gian tới…