Tới dự có bà Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư BCH T.Ư Đảng, Trưởng Ban Dân vận T.Ư; anh Lê Quốc Phong - Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn; bà Nguyễn Thị Nghĩa - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT. Đây là năm thứ hai diễn ra chương trình Chia sẻ cùng thầy cô - một trong những hoạt động triển khai phong trào Tôi yêu Tổ quốc tôi do Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ VII, nhiệm kỳ 2014-2019 phát động và chào mừng kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11.
Gương sáng ý chí và tinh thần cống hiến
Tại lễ tuyên dương, bà Trương Thị Mai phát biểu, giáo viên luôn được Nhà nước, xã hội, người dân ghi nhận và đánh giá cao, đặc biệt là đội ngũ thầy cô giáo công tác tại vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo. “Các thầy giáo cô giáo chính là những tấm gương tiêu biểu nhất về sự nỗ lực vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của người giáo viên nhân dân, là những bông hoa tươi đẹp trong rừng hoa của ngành giáo dục nước nhà”, bà Trương Thị Mai khẳng định.
Hôm nay (13/11), Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ gặp mặt và tặng Bằng khen của Bộ GD&ĐT cho 42 thầy giáo, cô giáo tiêu biểu đang công tác tại các huyện đảo, xã đảo.
Năm 2016, chương trình Chia sẻ cùng thầy cô tuyên dương 42 giáo viên tiêu biểu (gồm 25 cô giáo, 17 thầy giáo) đang công tác tại các huyện đảo, xã đảo. Anh Nguyễn Phi Long - Bí thư T.Ư Đoàn, T.Ư Hội LHTN Việt Nam nói: “Để đem con chữ vượt cánh sóng đến cho các em học sinh, nhiều thầy giáo, cô giáo đã hy sinh tuổi trẻ, đời sống tinh thần, vượt qua những khó khăn, trở ngại trong cuộc sống, thậm chí nhường cơm sẻ áo, đồng hành với học sinh”.
Trong số 42 giáo viên, rất nhiều người tình nguyện, xung phong công tác tại những xã đảo, huyện đảo khó khăn; và gắn bó, tận tụy dạy chữ, dạy làm người cho nhiều thế hệ học trò. Người cắm đảo dạy chữ lâu nhất (gần 30 năm) là cô Nguyễn Thị Hợi (SN 1966) - giáo viên Trường THCS Bản Sen, huyện Vân Đồn, Quảng Ninh. Cô Phan Hồng An (SN 1962) - Trường THCS Phước Thể, huyện Tuy Phong Bình Thuận có 26 năm bám đảo dạy học. Thầy Phạm Ngọc Vũ (SN 1970) có 24 năm gắn bó với đảo Kiên Hải, Kiên Giang…
Người trẻ truyền chữ nơi sóng cả
Theo chân các thầy cô đi trước, nhiều giáo viên trẻ thế hệ 9X đến với những nơi xa xôi, gian lao của Tổ quốc. Thầy Nguyễn Ngọc Hạ (SN 1990) - giáo viên Trường Tiểu học xã Sinh Tồn, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa là một ví dụ. Tốt nghiệp Trường CĐ Sư phạm Nha Trang, anh viết đơn tình nguyện ra huyện đảo Trường Sa dạy học khi biết tin Sở GD&ĐT Khánh Hòa đang tuyển giáo viên tiểu học cho Trường Sa. Để được ra đảo dạy học, anh đã phải giải thích, thuyết phục bố mẹ cũng như động viên người yêu. Thầy Hạ bộc bạch: “Cuộc đời là những chuyến đi và tuổi trẻ là quãng đời đẹp nhất để thực hiện chuyến đi cuộc đời đó. Đi để trải nghiệm, để cống hiến tuổi thanh xuân, sự nhiệt huyết của tuổi trẻ tới những miền đất còn nhiều khó khăn trên mọi miền Tổ quốc. Đó là lý do tôi chọn Trường Sa, nơi đầu sóng ngọn gió, lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc”.
Vượt qua những khó khăn về thời tiết, cơ sở vật chất, số lượng học sinh ít lại ghép tiểu học và mầm non, thầy Hạ cùng đồng nghiệp đã có nhiều giải pháp, sáng kiến mang lại hiệu quả cao trong công tác giảng dạy. Thầy và trò Trường Tiểu học xã Sinh Tồn đã gặt hái nhiều thành tích đáng khích lệ; em Nguyễn Trần Anh Luân đã nhận được học bổng từ Quỹ Vừ A Dính để chuyển về đất liền, tiếp tục học tập tại TPHCM.
Cô giáo Quảng Thị Ngân (SN 1991) - Trường Mầm non Thạnh An, huyện Cần Giờ, TPHCM là người trẻ nhất được tuyên dương trong chương trình. Tốt nghiệp ĐH Sài Gòn, cô Ngân quyết định về quê xin việc. Cô Ngân cho biết, ngày nhận được quyết định về dạy học tại trường, cô rất xúc động, muốn được lên lớp ngay. “Giây phút đó có lẽ tôi không bao giờ quên được bởi không chỉ thực hiện được ước mơ dạy trẻ mầm non mà còn được cống hiến trên chính quê hương của mình, được góp phần truyền tình yêu thương của những con người trên đảo đến các em nhỏ”, cô Ngân nói.
Cô Ngân tâm sự, ra thăm Hà Nội trong chương trình Chia sẻ cùng thầy cô, nhìn thấy học trò thành phố mặc quần áo đồng phục đẹp, tự tin giao tiếp và được sự quan tâm sâu sát của phụ huynh, lại nghĩ tới học trò nơi huyện đảo nhút nhát nên càng quyết tâm phấn đấu dạy tốt hơn. “Tôi luôn muốn tiếp tục cống hiến, góp phần cho sự nghiệp giáo dục và mong muốn trẻ em ngoài đảo với đất liền rút ngắn khoảng cách lại với nhau, để các em đỡ thiệt thòi hơn. Hạnh phúc của tôi là từng ngày được gắn bó với các em tại huyện đảo”, cô nói.
Ban tổ chức chương trình Chia sẻ cùng thầy cô 2016 đã tổ chức cuộc thi viết online Nghĩ về thầy cô biển đảo và nhận được sự hưởng ứng của người dân khắp mọi miền Tổ quốc.