Vĩnh biệt một tượng đài Nhân Dân!  

TP - Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy vừa giã biệt cuộc đời ở tuổi 83 sau cơn tai biến đột ngột trong lúc đang làm vườn. Nhiều người gọi ông là huyền thoại, nhưng với tôi, còn cao hơn thế - ông đích thực là một tượng đài.

Không phải vì ông là phi công duy nhất trên thế giới chỉ với loại MIG-17 cổ lỗ bắn rơi tới 7 máy bay hiện đại Mỹ, điều không ai lý giải nổi. Không phải vì suốt những trận không chiến ông không phải nhảy dù thoát thân lần nào, dù có lần máy bay của ông dính tới 82 mảnh tên lửa. Không phải vì ông là phi công hạng ACE hiếm hoi của Việt Nam và thế giới kể từ sau Thế chiến thứ Hai trở lại đây. Cũng không hẳn vì tên ông được chọn đặt cho một đường phố ở Nha Trang từ lâu khi ông vẫn còn sống – điều gần như chưa từng xảy ra…

Nguyễn Văn Bảy là nhân vật lịch sử của chiến tranh, nhưng lại là tượng đài của hòa bình, là minh chứng sống động và thú vị bậc nhất cho tinh thần, mục đích và khả năng chiến đấu vệ quốc của nhân dân Việt Nam.

Cuộc chiến tranh vệ quốc của chúng ta đã đưa những thanh niên nông dân như Nguyễn Văn Bảy cùng rất nhiều những trai làng lam lũ khác trở thành những phi công chiến đấu lừng danh. Thứ vũ khí vượt ngoài sức tưởng tượng của mọi người lính. Và những trai làng ấy đã thực sự viết nên những trang sử vàng chói lọi trên bầu trời đỏ lửa của quê hương. Họ đã khiến những “kỳ phùng địch thủ” của không quân Mỹ vốn đa số xuất thân từ dòng dõi quý tộc, binh nghiệp được đào tạo bài bản, nghiêm ngặt phải ngả mũ kính phục. Kính phục cho đến tận bây giờ... 

Nhớ một lần ông từng nói, rằng thời ấy nếu cho tôi bay tiếp, tôi có thể sẽ bắn hạ thêm 5-7 chiếc máy bay nữa, hoặc có thể tôi sẽ hy sinh. Rất đơn giản. Khiến tôi lại nhớ những lần trò chuyện với phi công Hồ Văn Quỳ, người cũng xuất thân từ nông dân, từng nhiều lần chỉ huy biên đội sát cánh chiến đấu cùng Nguyễn Văn Bảy lập chiến công. Ông Quỳ đúc kết rằng, với phi công tiêm kích chỉ có hai khả năng, đó là hy sinh, hoặc trở thành anh hùng.Và nhiều khi không kịp biết mình anh hùng!

Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy cởi áo lính về quê nhà Lai Vung - Đồng Tháp trở lại làm ông nông dân chính hiệu khi mới bước vào tuổi 54. Suốt 30 năm cuối đời, ông làm ruộng, làm vườn, trồng cây, nuôi cá, tự tay trồng ra những củ khoai nặng hơn 20 kg khiến ai nấy trầm trồ…

Suốt ngần ấy năm, đúng hơn là suốt cuộc đời ông mang tâm hồn trong veo, giản dị của một người nông dân buộc phải bỏ cuốc cày ra trận. Xong là trở về. Không vương vấn công danh thành tích, không nhà cao cửa rộng, ngựa xe đón rước, hậu duệ bổng lộc. Chỉ mong manh một tấm áo nâu lấm láp bùn đất quê nhà, với nụ cười hiền hậu, hào sảng…

Giờ đọc lại những vần thơ của Nguyễn Đình Thi viết từ hơn 60 năm trước (1958), chợt nao nao xúc động. “Đất nghèo nuôi những anh hùng/ Chìm trong máu lửa lại vùng đứng lên/ Đạp quân thù xuống đất đen/ Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa”. Xúc động, bởi nó như được tác giả rút ruột viết ra từ chính nguyên mẫu cuộc đời ông Bảy.

Xin vĩnh biệt Ông! Một tượng đài của Nhân Dân!