Việt Nam lọt top 20 quốc gia tốt nhất về giáo dục

TPO - Việt Nam thiếu 45.000 giáo viên; Việt Nam lọt top 20 quốc gia tốt nhất trên thế giới về giáo dục; Công bố Chương trình giáo dục phổ thông mới phiên bản 1/2017 là những thông tin giáo dục nổi bật nhất tuần qua.

Dôi dư gần 27.000, thiếu hơn 45.000 giáo viên


Đây là thông tin được đưa ra từ hội nghị sơ kết học kỳ 1 của các Sở GD&ĐT diễn ra sáng 14/1 tại Hà Nội.

Vấn đề dư thừa giáo viên cục bộ cũng được lãnh đạo các sở phản ánh xảy ra ở tất cả các cấp học từ mầm non đến phổ thông. Tổng số giáo viên tại các trường công lập dôi dư ở các bậc đến 26.750 người. 

Tổng số giáo viên thiếu là 45.058 người. Cụ thể, một số tỉnh có số lượng giáo viên dôi dư cấp THCS như Thái Bình (124); Phú Thọ (1.191); Thanh Hóa (2.188); Nghệ An (1.742)…Các tỉnh thiếu giáo viên mầm non như: Sơn La (1.040); Bắc Giang (1.921); Nghệ An (3.328)…

Bà Phạm Thị Hằng, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa chỉ ra, nguyên dân dẫn đến việc thừa thiếu cục bộ giáo viên các bậc học là do biến động dân số. Cụ thể, tại địa phương hiện dôi dư giáo viên THPT, THCS nhưng lại thiếu trầm trọng ở bậc tiểu học, đặc biệt là mầm non.  (Xem chi tiết tại đây)

Thừa, thiếu giáo viên: Ngành giáo dục thiếu quyền

“Toàn bộ quyền quản lý đội ngũ cán bộ công nhân viên được giao cho chủ tịch huyện. Chỉ tiêu biên chế, thanh tra kiểm tra là của Sở Nội vụ, phân bổ tài chính là Sở Tài chính, còn Sở Giáo dục thì chỉ chỉ đạo chuyên môn”.

Bà Phạm Thị Hằng, Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hoá lý giải  như trên về một trong những nguyên nhân thừa, thiếu giáo viên cục bộ hiện nay. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết đây không phải là bất cập của riêng Thanh Hoá.

Tình trạng dôi dư giáo viên, thiếu giáo viên cục bộ là vấn đề được nêu ý kiến nhiều nhất trong hội nghị sơ kết học kỳ 1 năm học 2016-2017 diễn ra sáng 14/1.

Theo báo cáo của Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, tình trạng dôi dư, thiếu giáo viên xảy ra ở nhiều địa phương và có ở tất cả các cấp học từ mầm non tới phổ thông.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, ông rất chia sẻ với các sở GD-ĐT về tình trạng này. Ông giải thích, trong một thời gian dài mặc dù đã có nhiều biện pháp quy hoạch, nhưng do nhiều lý do khách quan khác nhau như: biến động về dân số, di cư, các khu công nghiệp, chế xuất mọc lên, đô thị hóa… nên số lượng học sinh ở các bậc học có thay đổi.

Việc giải quyết vấn đề thừa thiếu cục bộ như thế nào đang là một câu hỏi lớn đặt ra cho ngành giáo dục. Bộ trưởng xác nhận, đã có một số địa phương sốt ruột và triển khai rất nhanh việc chuyển chỗ thừa vào chỗ thiếu. “Đây cũng là một biện pháp, nhưng không căn cơ” – ông nói.

Bộ trưởng Nhạ ủng hộ và hoan nghênh sáng kiến của các trường sư phạm, Cục nhà giáo… trong việc đề xuất một chương trình bồi dưỡng bài bản, căn cơ, gắn với thực tiễn cho thầy cô đang dạy trung học chuyển sang mầm non.

Hiện nay, Bộ đang giao cho các trường sư phạm xây dựng chương trình văn bằng 2, trong đó có những môn có tính liên thông, thực hành tốt để nhanh chóng triển khai trên toàn quốc, khắc phục thừa thiếu cục bộ.

Bộ trưởng khẳng định sẽ chỉ đạo thống nhất một chương trình bồi dưỡng chuyên môn trên toàn quốc dành cho các giáo viên điều chuyển, tránh tình trạng mỗi trường đưa ra một chương trình.
Ngoài ra, kế hoạch chỉnh sửa chương trình phổ thông tới đây của Bộ cũng sẽ dẫn đến rất nhiều thay đổi với các thầy cô.

“Tới đây, theo hướng chỉnh sửa chương trình, sẽ thừa giáo viên phổ thông nhưng lại thiếu giáo viên định hướng nghề nghiệp. Nếu không có dự báo từ bây giờ để các trường sư phạm vào cuộc sớm, bồi dưỡng các giáo viên định hướng nghề nghiệp thì chúng ta lại rơi vào tình trạng thừa thiếu cục bộ như hiện nay”.

Chi phí đào tạo khoảng 500 USD/sinh viên/năm là quá thấp?

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Giải pháp nâng cao chất lượng Giáo dục Đại học vừa diễn ra, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, thực tế ở Việt Nam hiện nay, tính chi phí đào tạo khoảng 500 USD/sinh viên/năm; trong khi các nước chi phí đào tạo khá cao như ở Mỹ khoảng 16 nghìn USD (trường công), 36 nghìn USD (trường tư).

Bộ trưởng cho rằng có 3 nguyên nhân chính. Đó là đội ngũ cán bộ giảng viên chưa đáp ứng năng lực, cơ sở vật chất không đảm bảo, kinh phí đầu tư để đào tạo cho một sinh viên quá thấp. Thực tế ở Việt Nam hiện nay tính chi phí đào tạo khoảng 500 USD/sinh viên/năm; trong khi các nước chi phí đào tạo khá cao như ở Mỹ khoảng 16 nghìn USD (trường công), 36 nghìn USD (trường tư).

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, yêu cầu đặt ra phải nâng cao chất lượng GD ĐH, chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đã cấp bách, không thể chậm trễ hơn nữa.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã vạch ra 5 nhóm giải pháp để chấn chỉnh lại toàn bộ hệ thống GD ĐH, khắc phục những bất cập yếu kém để nâng cao chất lượng giáo dục ĐH, gắn đào tạo với nhu cầu, tạo việc làm cho sinh viên. (Xem chi tiết tại đây)

Việt Nam lọt top 20 quốc gia tốt nhất trên thế giới về giáo dục

Theo kết quả được rút ra từ Chương trình đánh giá Học sinh Quốc tế (PISA) do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD thực hiện, Việt Nam xếp hạng thứ 19 trong danh sách 20 quốc gia tốt nhất trên thế giới về giáo dục. Với vị trí này, Việt Nam vượt lên trên các quốc gia có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới như Canada (xếp hạng 20) và Mỹ (hạng 25).

Bảng xếp hạng PISA do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) thực hiện ba năm một lần. Kết quả mới công bố này là chương trình đánh giá năm 2015 trên bài thi của hơn nửa triệu thí sinh đại diện cho 28 triệu học sinh 15 tuổi ở 72 quốc gia và nền kinh tế.

Lần đầu tiên tham gia xếp hạng PISA năm 2012, Việt Nam đã đạt điểm toán, khoa học và kỹ năng đọc cao hơn vương quốc Anh và Mỹ. Tờ Independent nhận định, có được kết quả này là nhờ một phần ở mức đầu tư cao về giáo dục cũng như văn hóa học tập chăm chỉ của học sinh từ khi còn nhỏ.

Công bố Chương trình giáo dục phổ thông mới phiên bản 1/2017

Ngày 10- 12/1, Bộ GD&ĐT và Ngân hàng Thế giới tổ chức Hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế về xây dựng chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và vận dụng vào điều kiện Việt Nam”. 

PGS. TS Đỗ Ngọc Thống, thành viên ban soạn thảo cho biết, Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới về xu hướng phân luồng và kinh nghiệm quốc tế trong việc tích hợp môn học.

Theo ông Thống, chương trình GDPT mới hiện đã và đang tiếp tục hoàn thiện để xin ý kiến rộng hơn trước khi Hội đồng Thẩm định Quốc gia xem xét và trình Bộ trưởng phê duyệt để làm căn cứ xây dựng chương trình các môn học. 

So với dự thảo chương trình GDPT tổng thể trước đây (năm 2015, 2016), dự thảo mới (phiên bản tháng 1/2017) khác biệt chủ yếu ở giai đoạn định hướng nghề nghiệp. Cụ thể là ở cách tổ chức dạy học: lớp 10 dự hướng và từ lớp 11, HS được tự chọn 5 môn như đã nêu ở trên.
Theo ông Thống, căn cứ vào thực tiễn GD Việt Nam (trình độ xây dựng chương trình, biên soạn SGK, đào tạo giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học…), chương trình mới xác định việc tích hợp sao cho phù hợp, khả thi và có hiệu quả.

Cụ thể: Ngoài việc tích hợp trong từng môn học, có các môn học tích hợp và hệ thống chủ đề liên môn. Ở Tiểu học sẽ tích hợp khá cao. Có những môn học tích hợp như: Thế giới quanh ta, Tìm hiểu Xã hội, Tìm hiểu Tự nhiên;…

Ngoài ra, ngay cả những môn học có tính độc lập cũng phải cùng thực hiện nhiều nội dung giáo dục, chẳng hạn môn Tiếng Việt cũng phải góp phần giáo dục đạo đức, giáo dục lịch sử…

Với THCS yêu cầu tích hợp thể hiện ở các môn như Khoa học tự nhiên (tích hợp một số nội dung lý, hóa, sinh); môn Lịch sử và Địa lý và các hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Mức độ tích hợp ở các môn học này theo hướng bên cạnh những nội dung mang tính độc lập, các môn xác định một số nội dung, chủ đề chung để tích hợp lại nhằm phát huy hiệu quả của dạy học tích hợp và tránh chồng chéo lên nhau (cùng một nội dung nhiều môn học cùng dạy).

Ngoài ra, việc tích hợp còn thể hiện ở yêu cầu tất cả các môn học đều phải hướng đến cùng một nhiệm vụ là phát triển các phẩm chất và năng lực chung đã nêu trong chương trình. Khi có chung một mục đích thì tự khắc các môn học sẽ phải “ tích hợp”, gắn bó với nhau nhiều hơn.

Không công bố đề thi và đáp án kỳ thi THPT: Bịt thông tin giám sát?

Trước việc không công bố đề thi và đáp án hầu hết các môn thi trong kỳ thi THPT quốc gia 2017 (trừ môn Văn), các chuyên gia giáo dục bày tỏ sự lo ngại về chủ trương này của Bộ GD&ĐT.

GS Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT: Bịt thông tin giám sát

Tôi cho rằng chúng ta đang tiến một bước về công nghệ thi cử trong kỳ thi 2017, nhưng lại lùi một bước về xu thế minh bạch. Còn cái lợi của việc không công bố đề thi thì thực ra rất nhỏ đó là giữ được bí mật cho một số ít câu hỏi và giúp cho những người có trách nhiệm làm đề đỡ lo lắng vì không bị xã hội giám sát. Có lẽ do tính toán lợi hại như vậy mà nhiều nước đã quyết định công bố đề thi ở các kỳ thi quốc gia.

TS Đàm Quang Minh, nguyên hiệu trưởng ĐH FPT: Phải có bên thứ ba giám sát

Thực ra, thông thường kỳ thi của một số nước họ cũng không công bố, nhưng Việt Nam đã có tiền lệ là công bố đề thi hàng năm sau mỗi kỳ thi. Thi trắc nghiệm nhiều mã đề. Nên công bố cũng khó, vì công bố cũng rất phức tạp.  Vấn đề là ở niềm tin.

Theo tôi, có thể không công bố nhưng  phải có  cơ quan giám sát. Tức là phải có một tổ chức thứ ba giám sát. Ví dụ như môn Toán có thể để hội Toán học Việt Nam giám sát, môn Lý để hội Vật lý giám sát..

(Xem chi tiết tại đây)